TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có định hướng lớn xây dựng các vùng nguyên liệu, hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Sơn La là một trong những địa phương có nhiều nhà máy chế biến rau quả như Doveco, tập đoàn TH…Tuy nhiên để hình thành vùng nguyên liệu cần có sự liên kết giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp sản xuất… Thông qua diễn đàn này, các đơn vị quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ được kết nối, đề ra giải pháp để xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu từ thực tiễn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ có những báo cáo, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn để tích hợp các ý kiến từ các diễn đàn đưa vào các đề án để xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu lớn trong giai đoạn tới.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Sơn La cho biết, xu hướng tiêu dùng của thế giới đang chuyển mạnh từ tiêu dùng sản phẩm quả, chế biến thô sang tiêu dùng sản phẩm chế biến sâu, là cơ hội cho ngành chế biến nông sản phát triển. Việc phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Diễn đàn được tổ chức sẽ là cơ hội để góp phần xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm, người sản xuất, đơn vị quản lý… trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước năm 2020 đạt trên 1,1 triệu ha, riêng các tỉnh phía Bắc có gần 441.000 ha, tổng sản lượng các loại cây ăn quả đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2002.
Nhiều vùng sản xuất cây có múi, cam, quýt quy mô lớn đã hình thành ở các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An…
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng cây ăn quả ngày càng tăng trên cả nước, đòi hỏi cần phải có giải pháp hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân ổn định.
Tại Sơn La, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Sơn La đã chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc.
Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm; gắn với ưu đãi, thu hút đầu tư đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chế biến và chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 80.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; tổng sản lượng quả tươi đạt gần 428.000 tấn/năm. Trong đó, 955 ha cây ăn quả ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; gần 2.700 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; với 158 chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng an toàn; hơn 1.646 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.
Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, sau 6 năm thực hiện đưa cây ăn quả lên đất dốc, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, được đánh giá là "hiện tượng nông nghiệp" của Việt Nam với nhiều mô hình thu nhập cao từ 200 - 400 triệu đồng/ha.
Công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm quả được tỉnh đặc biệt quan tâm, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang được xây dựng tại huyện Mai Sơn...
Tại Diễn đàn các đại biểu đã thảo luận đưa ra những giải pháp cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh tế của người sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp; Phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, lựa chọn công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên các chương trình dự án khuyến nông xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị khép kín…
Trong khuôn khổ diễn đàn, các HTX sản xuất đã có những câu hỏi đặt ra đối với các đơn vị quản lý để khắc phục được tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông sản được thuận lợi, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi cung ứng, cách sơ chế sản phẩm, cách phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc cây trồng để mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.