3000 quân Liên Hợp Quốc sẽ được triển khai tại Syria?. |
Interfax cho biết, bản kế hoạch của Đặc phái viên Lakhdar Brahimi dự kiến đưa vào Syria 3000 binh sĩ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Theo đó, sứ mệnh của các chiến sĩ gìn giữ hòa bình là thực thi chức năng như Unifil (Lực lượng quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc tại Lebanon, đang thiết lập sự kiểm sóat với tình hình trên biên giới Israel-Lebanon).
Lực lượng thực thi sứ mệnh có thể tới từ một số quốc gia châu Âu: Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và Ireland. Binh lính Mỹ và Anh có thể không tham gia lực lượng này do “tính chất nhạy cảm”.
Dự kiến, trong tuần này, ông Brahimi sẽ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nước, thuyết phục Tổng thống Syria Assad đi tới thỏa thuận chấm dứt hỏa lực trong nước.
Theo Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, chìa khóa để giải quyết khủng hoảng Syria nằm trong sự đối thoại chứ không thể thông qua sử dụng tiềm năng quân sự.
Vào tháng 4 vừa qua, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua việc triển khai 300 quan sát viên tới giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria như một phần trong kế hoạch hòa bình của Liên Hợp Quốc. Số quan sát viên này bị giảm một nửa vào tháng 7-2012 và họ được gia hạn nhiệm vụ thêm 30 ngày. Đến ngày 20-8, phái bộ chính thức kết thúc nhiệm vụ theo quyết định của Hội đồng Bảo an.
Trong một diễn biến mới, tổ chức nhân quyền "Human Rights Watch" ngày 14-10 cáo buộc chính quyền Syria sử dụng bom chùm – một loại vũ khí bị hầu hết các quốc gia cấm, để tấn công lực lượng đối lập. Loại bom này được cho là có xuất xứ từ Nga.
"Human Rights Watch" cáo buộc chính quyền Syria sử dụng bom chùm chống lại lực lượng đối lập. |
"Human Rights Watch" dẫn nguồn tin từ những đoạn băng video nghiệp dư được tung lên mạng và các nhân chứng trên chiến trường khẳng định, Không quân Syria đã thả một loạt quả bom chùm xuống khu vực đường cao tốc Bắc - Nam chính ở phía tây Syria. Con đường này chạy qua Maaret al-Numan – một thành phố hiện đang nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập sau nhiều cuộc giao tranh.
Ngày 15-10, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga chính thức bác bỏ cáo buộc trên của "Human Rights Watch". Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria đã biến khu vực này trở thành “chiến địa” với hàng trăm các loại vũ khí, cả mới lẫn cũ.
"Ai mang, từ đâu và theo những kênh nào cung cấp các loại đạn dược hoặc vũ khí đến địa bàn này - là vấn đề rất khó xác minh”, - Bộ trưởng Lavrov nhận định.
Mỗi quả bom chùm chứa hơn 40 quả bom nhỏ. Bom nhỏ không luôn luôn nổ ngay khi rơi xuống, vì thế có thể gây thương vong vào nhiều năm sau cuộc tấn công đường không. Syria là nước không ký vào Công ước quốc tế về cấm sử dụng và sản xuất bom chùm. |