LHP Quốc tế Hà Nội lần 2: Lễ khai mạc ngắn gọn, kém ấn tượng

LHP Quốc tế Hà Nội lần 2: Lễ khai mạc ngắn gọn, kém ấn tượng
TP - Năm ngày hội điện ảnh đã chính thức khởi động, lễ khai mạc diễn ra tối 25-11 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị.

> HANIFF 2012 - Liên hoan phim của người trẻ
> Bình Minh với LHP quốc tế Hà Nội

Đoàn nghệ sĩ quốc tế trên thảm đỏ Hà Nội. Ảnh: Toan Toan
Đoàn nghệ sĩ quốc tế trên thảm đỏ Hà Nội. Ảnh: Toan Toan.

Nghệ sĩ quốc tế bị bỏ rơi?

Thảm đỏ tại sân Cung Văn hóa Hữu Nghị được chuẩn bị khá sớm. Từ 17h30, công tác đón tiếp nghệ sĩ hoàn tất.

18h30, các đạo diễn, nghệ sĩ quá quen với công chúng lần lượt lướt trên thảm đỏ trải dài từ sát đường Trần Hưng Đạo cho đến tận sảnh: Chánh Tín, Minh Châu, Em bé Hà Nội Lan Hương, Đồng Thu Hà... Minh Trang (Mê Thảo thời vang bóng, Chung cư) trở về từ Singapore.

Không gian mênh mông ở Trung tâm Hội nghị quốc gia từng khiến nghệ sĩ ngợp hồi LHP năm 2010, nay ấm cúng tại sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị.

Trước giờ khai mạc, nghệ sĩ các thế hệ dự tiệc nhẹ, trò chuyện và tha hồ làm dáng cho cánh phóng viên.

Thảm đỏ quả thực là nỗ lực khá lớn của BTC, nhưng không thực sự hanh thông. NSƯT Chánh Tín phàn nàn: “Lần sau nhà tổ chức nên quan tâm hơn đến nghệ sĩ quốc tế. Họ đều là những nghệ sĩ của các phim nghệ thuật, có lẽ vì thế mà giới truyền thông bẵng đi, chỉ chú tâm đến nghệ sĩ trong nước”.

Nhiều đoàn khách quốc tế sải bước trên thảm đỏ sát giờ khai mạc, lên sóng trực tiếp cũng bị lơ là. Có lẽ MC dẫn thảm đỏ cũng chưa kịp cập nhật danh tính, chẳng biết giới thiệu khách quốc tế ra sao.

Phần nữa, rất nhiều đoàn diễn viên quốc tế sáng 26-11 mới có mặt đông đủ, ra mắt báo chí tại đại bản doanh của LHP.

Theo lời đạo diễn Lê Quý Dương trước giờ G, kịch bản khai mạc ngắn gọn, giản dị, cố gắng vươn đến sự lịch lãm.

Nhưng sân khấu bài trí quá đơn giản, thiếu chất điện ảnh làm giảm bớt không khí của ngày hội vốn được chuẩn bị từ lâu.

Nói là kịch bản khai mạc cho to tát, vì phần lễ tổ chức hết sức bình thường: Chỉ có một tiết mục múa lấy cảm hứng từ logo LHP-chim hạc, cùng với phần giới thiệu vắn tắt các tiết mục dự thi. May có phần phát biểu súc tích của đạo diễn Jan Schutte người Đức, Trưởng BGK phim truyện.

Cơ hội cho điện ảnh độc lập

Cliff Curtis, nam diễn viên New Zealand cũng có tiếng tại Hollywood dịp này đến Việt Nam cầm cân nảy mực hạng mục Phim truyện, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến điện ảnh châu Á: “Trong suy nghĩ của tôi, điện ảnh châu Á khá độc đáo. Tôi đến Việt Nam dịp này một phần cũng muốn có cơ hội tìm hiểu”.

Cliff Curtis, nam diễn viên New Zealand, thành viên BGK
Cliff Curtis, nam diễn viên New Zealand, thành viên BGK .

“Tôi rất vui vì LHP Quốc tế Hà Nội được sáng lập và tổ chức ở Việt Nam. Tôi cho rằng LHP là cơ hội hết sức lớn lao để chúng ta có thể chia sẻ với nhau các nền điện ảnh thương mại, độc lập. Đó chính là cơ hội duy nhất để chia sẻ, giao lưu và hướng đến các nhà làm phim trẻ, khuyến khích để họ có đam mê đến với LHP. Tôi nghĩ các bạn không nên quên rằng đúng điện ảnh là ngành kinh doanh, nhưng điều lớn lao hơn cả điện ảnh là nghệ thuật”, đạo diễn Jan Schutte phát biểu.

Vị đạo diễn, giám đốc trường điện ảnh tại Đức này, cũng góp ý: “Các bạn không nên sao chép công thức Hollywood, vì làm như vậy các bạn sẽ không bao giờ bằng họ. Tốt hơn cả, hãy cứ kể câu chuyện màu sắc văn hóa Việt Nam, tất nhiên nên học hỏi những cách kể ở các nền điện ảnh quốc tế”.

Từ sáng 25-11, BGK bắt đầu xem 14 phim dự thi cùng khán giả. Trưởng BGK Phim truyện, ông Jan Schutte, nói: “Một nền điện ảnh, một bộ phim phải chạm đến trí óc, trái tim của chúng ta”.

Trên thảm đỏ và trong hội trường, người ta thấy nghệ sĩ nổi tiếng các thế hệ, cùng những gương mặt quen ở khắp các kỳ liên hoan phim trong nước, quốc tế dù dấu ấn nghệ thuật không rõ: Mai Thu Huyền, Giáng My...Gương mặt được MC chọn phỏng vấn có NSND Như Quỳnh- thành viên Ban giám khảo và đạo diễn Victor Vũ.

Nghệ sĩ Như Quỳnh phát biểu hồ hởi khi “thấy khán giả đến đây đông vui và hy vọng phim VN sẽ trở lại trong lòng khán giả, hy vọng lần này phim Việt Nam tạo được món ăn thú vị cho tất cả mọi người”.

Còn đạo diễn Việt kiều Victor Vũ gọi “đây là thời điểm thú vị của điện ảnh Việt Nam”. Scandal là tên bộ phim mới nhất của Victor Vũ, trong khi nhiều người chưa quên scandal Giao lộ định mệnh của anh dạo nào. (Chu Lai, giám khảo giải Cánh Diều vào cái năm mà phim Giao lộ định mệnh đăng ký thi, phát biểu đây là phim đạo 100% bộ phim Mỹ, chứ không phải 60, 70%). Vậy nên, chọn đại diện này trả lời phỏng vấn, phát biểu về tình hình phát triển của điện ảnh Việt Nam e hơi sái.

Liên hoan phim nhìn từ phòng chiếu

Hơn 200 suất chiếu tại 9 cụm rạp khởi động từ sáng qua 25-11, lịch chiếu chi tiết đăng tải trên trang web của LHP. Nỗ lực đưa các phim có chất lượng đến cho khán giả của BTC rất đáng kể, tuy nhiên ngày đầu chiếu phim chưa suôn sẻ.

Chùm phim ngắn ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia vào 9h sáng qua cũng có khởi đầu chật vật, vì phải chờ các thao tác kỹ thuật - một trong số hạn chế của hệ thống phòng chiếu ở Việt Nam.

Phim dự thi Telegram (Điện tín) chiếu cho BGK xem cùng khán giả cũng làm khó nhiều người: Phim có hai phụ đề tiếng Anh, Việt nhưng phần tiếng Việt ở trên mờ gần như không thể nhìn. Người trẻ còn trông vào phụ đề tiếng Anh bập bõm, người có tuổi thì chịu chết, chỉ nhìn hình đoán nội dung.

Khẩu hiệu của LHP lần này: “Điện ảnh châu Á Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”. Gọi là Liên hoan phim Quốc tế nhưng thực chất, qui mô không lớn hơn LHP châu Á Thái Bình Dương từng được tổ chức ở Hà Nội vào năm 2007 khá thành công, với giải phim hay nhất dành cho Đời cát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG