Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ

Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ
TPO - Các bạn trẻ thoăn thoắt vượt qua từng vách khó, lại trườn người lên các điểm cao ngoắt nghéo, hay treo mình như một người nhện thực thụ trên vách ngang với mặt đất… đó là hình ảnh thường thấy tại Câu lạc bộ leo núi trong nhà - Rock climbing (An Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Dựng núi trong nhà

Đối với nhiều nước như Pháp, Nhật, Anh, Trung Quốc leo núi trong nhà là bộ môn thể thao quen thuộc, nhưng tại Việt Nam vài năm trở lại đây nó mới bắt đầu nhen nhóm từ Câu lạc bộ leo núi Vietclimb.

Vietclimb được anh chàng mang trong mình hai dòng máu Pháp – Việt Jean Verl thành lập vào năm 2006, sau 5 năm hoạt động anh và bạn bè đã mở CLB leo núi trong nhà mang tên Rock climbing với mong muốn chia sẻ niềm đam mê đó với các bạn ở Việt Nam. Jean Verly từng là vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Năm 15 tuổi, Jean tham gia chinh phục đỉnh Mont Blanc tại quê nhà có độ cao hơn 4.800 m.

Từ một phòng tập nhỏ trên chính sân thượng nhà của mình, sau 2 năm Jean và bạn bè phát triển thành một cơ sở hoàn thiện như hiện nay - một indoor-climbing center đầu tiên ở Việt Nam làm theo mô hình phòng gym kết hợp café.

 
Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ ảnh 1

Mỗi lần leo, người chơi được đặt chân lên một màu

Tới nay Vietclimb đã có tới 40 thành viên chính thức và từ thứ Ba tới chủ nhật hàng tuần CLB đều đón nhận các bạn trẻ tới tập leo núi tại phòng tập tại An Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giá vé theo ngày từ 140 – 180 nghìn đồng, từ 14h tới 22h một lượt, nếu luyện tập thường xuyên thì mức giá giảm xuống khoảng hơn 70 nghìn đồng/ngày.

Có mặt tai phòng tập gần 300m2 của Vietclimb bạn sẽ thấy một không gian cuốn hút với các vách núi được tạo bằng các ván gỗ lớn với nhiều địa hình khác nhau, gồ ghề, dựng đứng hay nằm song song với mặt đất. Chỗ cao nhất tới 8m và chỗ thấp nhất là 3m. Phòng tập được chia làm 2 khu vực cho người lớn hơn 200m2, cho trẻ em hơn 20m2.

Trên các vách núi có các mấu đá được làm bằng nhựa với 5 màu sắc khác nhau gồm: vàng, xanh da trời, xanh lá cây, da cam và tím. Màu sắc và kích cỡ của các mấu đá để người chơi phân biệt các vị trí đặt chân, tay và cả mức độ chơi. Khi bắt đầu tập bạn sẽ chơi màu vàng, sau đó chuyển dần sang màu cam, xanh lá cây, xanh da trời đến tím. Mỗi lần leo, người leo chỉ được đặt chân lên một màu duy nhất.

Dưới sàn nhà là đệm mút dày gần 50cm để đảm bảo an toàn cho người leo khi ngã, và các độ cao khác người leo đều được đeo dây bảo hiểm (vì leo núi việc bị ngã được coi là chuyện thường ở huyện).

Nếu như leo núi ngoài trời – núi thật bạn phải trang bị rất nhiều đồ chuyên dụng như: Giày leo núi chuyên dụng (đầu hơi nhọn để bám vào vách núi); Dây thừng (rope, dài khoảng 150m, phải luôn đảm bảo là dây không bị thắt nút và bị rối) ; Thắt lưng leo núi (waistbelt, chức năng làm thắt lưng an toàn) ; Móc an toàn (belay, kết nối giữa dây thừng và thắt lưng an toàn) ; Móc leo (gear, giữ dây thừng vào các móc có sẵn trên vách núi)… Thì leo núi trong nhà chỉ cần một đôi giày leo núi chuyên dụng và trang phục gọn gàng là bạn có thể bắt đầu thử sức.

Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ ảnh 2

Giày leo núi có đế bằng phẳng và mũi nhọn

Giày leo núi cũng khác giày bình thường ở chỗ đế bằng phẳng, không có đinh nhưng lại có độ cứng và độ bám rất tốt. Mũi giày nhô lên cao một chút ở phần đầu, vì khi leo núi, ngón cái của bạn chính là điểm tựa quan trọng nhất. Chỗ nhô lên đó sẽ rất thoải mái cho ngón chân bạn hoạt động. Thường, những đôi giày leo núi sẽ ôm rất khít chân, để giữ cho giày không tuột khi đang thực hiện các động tác khó.

Leo núi giả - quyết tâm thật

Trước khi bắt đầu luyện tập, các huấn luyện viên sẽ hướng dẫn các nguyên tắc an toàn, kỹ thuật leo núi cho người chơi. Để chinh phục vách núi cao, lồi lõm gợn sóng, các bạn trẻ phải tập luyện trước trên các vách có độ nghiêng ít, sau đó mới leo lên những vách núi khó hơn.

Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ ảnh 3

Chủ CLB Jean đang biểu diễn màn leo vách ngang với mặt đất

Theo Chu Dương – một người có kinh nghiệm 5 năm leo núi thì tập leo núi không cần kỹ năng gì đặc biệt, nhưng cần lòng kiên trì và nhẫn nại. Bởi các bài tập leo núi đi từ dễ đến khó, nên khi bắt đầu các bạn đều thấy việc vượt qua các vách núi khá đơn giản, nhưng càng lên cao càng phải phối hợp nhiều hơn giữa tay chân và đặc biệt là sự quyết tâm chính phục.

Tại phòng tập có rất nhiều quạt cỡ lớn nhưng hầu như bạn nào tham gia leo núi cũng toát mồ hôi vì toàn bộ cơ thể đều phải vận động. Thi thoảng lại có nhiều bạn trẻ rơi tự do xuống đệm, vì không đủ sức bám vào vách, hoặc phạm luật.

Các chấn thương thường gặp đối với leo núi trong nhà là xướt xát chân tay và các ngón tay bị chai lại do phải bám bấu vào vách.

 
Leo núi trong nhà: Thú chơi mới của giới trẻ ảnh 4

Leo núi giúp các bạn có thêm tự tin

Duy Cường một thành viên của Vietclimb cho biết: “Ban đầu, nhìn các vách núi với các mấu bám thì cũng đơn giản vì chỉ cần theo đó mà lên. Nhưng khi biết luật chơi thì mới thấy khó, vì phải leo đúng theo màu đã chỉ định, có nhiều đoạn vách rất khó vượt qua. Mẹo nhỏ đối với các bạn tập leo núi trong nhà là phải biết tưởng tượng đó là các đỉnh núi thật, phía dưới là vách đá và không cho phép mình ngã bừa bãi thì mới có thể thành công.

Chủ CLB – người nhện Jean cho biết: Ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe giống như các bộ môn thể thao khác, leo núi còn giúp người tham gia tự khám phá bản thân mình, giúp các bạn có thêm lòng tự tin.

Các bạn trẻ trong CLB Vietclimb ngoài việc truyền tải đam mê leo núi của mình còn theo đuổi dự án xã hội có tên gọi "Tắc kè" để giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi dễ dàng hòa nhập hơn với xã hội, thông qua hướng dẫn các kĩ năng giao tiếp, làm việc tập thể, cá nhân… của R ock-climbing.. Tiền bán vé của CLB cũng được trích ra cho các hoạt động của dự án Tắc kè.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG