Lênh đênh đời thợ cỏ

Anh Đặng Tất Thanh Long có hơn 20 năm làm thợ cắt cỏ
Anh Đặng Tất Thanh Long có hơn 20 năm làm thợ cắt cỏ
Dọc xuôi trên sông rạch từng ngày, họ thuộc những bãi đất trống, bãi cỏ bồi ở TP.Hồ Chí Minh như lòng bàn tay. Đời thợ cỏ cứ vậy phất phơ theo con nước, lùm cây, bãi bồi, rặng cỏ. Theo chân họ một ngày đi “săn”, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về nghề mưu sinh vất vả này.

Tôi đi cắt cỏ

Cầu Bà Hồng (đường Bùi Công Trừng, ấp 6, xã Nhị Bình, Hóc Môn) là một trong những chợ cỏ tấp nập nhất ở TPHCM. Anh Đặng Tất Thanh Long (33 tuổi) một thợ cỏ lâu năm cho biết: “Chợ này tồn tại đã mấy chục năm rồi. Thợ đi cỏ về tập trung ở đây, người nuôi bò đến là chất lên xe đi luôn, không để lâu.

Cái nghề cỏ này vất vả lắm, anh chịu cực được thì đi với tôi một chuyến sẽ hiểu. Nếu đi thì sáng mai 5 giờ xuất phát. Anh nhớ mang theo nước, cơm, quần áo, nón rộng vành”. Sáng hôm sau tôi dậy khá sớm phóng xe đến nhà Long. Vừa đến cổng thì Long chạy ra đón: “Tranh thủ đi sớm! Nước đang lớn!”. Chiếc xuồng gỗ xẻ dọc con rạch Bà Hồng hướng ra sông Sài Gòn. Gió trên sông ập vào người ù ù, tôi ngồi hụp xuống co người lại. Long cười: “Do anh chưa quen thôi, giờ lạnh thế nhưng trưa nắng muốn nổ mắt”.

Ra đến sông Sài Gòn, trăng vẫn còn treo trên đầu, mặt sông sáng lờ mờ huyền ảo. Chiếc xuồng lao hun hút hướng về trung tâm TPHCM. Tôi thắc mắc: “Sao lại vào trung tâm thành phố cắt cỏ? Sao không đi ra hướng ngoại ô?”. Long cười: “Ngoại ô người ta nuôi bò nhiều, người ta để dành cỏ cho anh cắt à? Vào trung tâm mới có cỏ” .

Tiếng máy nổ lùng bùng khiến chúng tôi trò chuyện phải gào lên như nạt vào mặt nhau. Long cho biết, do ngày nào cũng ngồi sát máy nổ nên giờ bị nặng tai. Hơn 20 năm theo đuổi nghề cắt cỏ, chiếc xuồng máy này với Long như là người bạn tri kỷ. “Học chưa hết lớp 5 em đã theo ba đi cắt cỏ. Sông rạch ở Sài Gòn này giờ em thuộc như lùa cơm”. Long vừa trò chuyện vừa tranh thủ tước lá dừa làm dây buộc cỏ. Lá dừa non được xé thành sợi, hai sợi nối lại thành một dây.

Tước được chừng 70 dây thì Long nghỉ: “Được 70 bó là ngon lắm rồi anh, dạo này cỏ ít. Trước cỏ hoang nhiều, nay san lấp mặt bằng nhiều quá không còn cỏ nữa. Trước em đi một ngày hơn 100 bó, mà chỉ cần ra một bãi cắt no xuồng rồi về. Giờ phải chạy rông đi săn mới có cỏ”. Vừa chuyện trò Long vừa lấy liềm ra mài. Gọi là liềm nhưng thực ra không có răng cưa, dụng cụ này lai giữa liềm và rựa. Mài liềm xong, người thợ cỏ này với lấy camen cơm. Chân lái xuồng, tay xúc cơm ăn. Thức ăn Long đem theo chỉ có mỗi canh: “Ăn vậy cho nó nhanh, no là được rồi, ngon không quan trọng”.

Xuồng vẫn lướt vù vù hướng ra rạch Thủ Đức (Q.Thủ Đức). Tôi liếc đồng hồ, đã hơn 8 giờ. Đi sâu vào khoảng 200m, Long cho xuồng tạt vào bờ leo lên bãi quan sát rồi lắc đầu: “Bãi này bị cắt mất rồi”. Xuồng tiếp tục len lỏi qua các rặng dừa nước, cầu tạm tiến sâu vào khu dân sinh. Thỉnh thoảng lại phải chui qua những cây cầu thấp tè. Tôi phải nằm rạp xuống lòng xuồng mới qua được.

Càng vào sâu nước rạch càng hôi, màu đen kịt. Hai bên bờ rạch Thủ Đức, rất nhiều bãi cỏ chỉ còn trơ lại gốc: “Hướng này cỏ bị cắt hết rồi, chắc phải trở ra đi hướng khác”. Vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của người thợ cắt cỏ lâu năm. Long cho xuồng tiến sang rạch Nhà Trà gần đó. Nắng đã bắt đầu gắt, gần 10 giờ rồi nhưng Long vẫn chưa “săn” được bó cỏ nào. Anh ngồi thẫn thờ, thả xuồng trôi từ từ ra khỏi rạch Nhà Trà.

Xuồng đi ra đến nửa chừng thì Long bật dậy, đánh lái sang phải tấp xuồng vào một rặng dừa nước. “Sau rặng dừa nước này có một nhánh rạch cụt, những nơi như thế thường có cỏ. Anh ngồi im để em chặt bớt dừa cho xuồng chui qua”. Bụi dừa cản đường nhanh chóng bị Long chặt hạ. Chiếc xuồng chui qua một cách khó nhọc tiến vào. Lúc này không thể sử dụng chân vịt vì nước đã cạn, Long dùng sào đẩy xuồng ì ạch tiến vào.

Qua khỏi rặng dừa, Long thở phào: “Có cỏ rồi anh ơi, mừng quá, bãi này không nhiều nhưng chắc cũng cỡ hơn 60 bó”. Tôi đứng lên mũi xuồng phóng tầm nhìn ra trước. Một màu xanh mát mắt trải dài, màu của cỏ mật, một loại cỏ mà bò sữa vô cùng khoái. Bỗng dưng lòng cũng thấy lâng lâng, tôi bắt tay Long chia vui. Dân đi cỏ không gọi là cắt cỏ mà gọi là chặt. Cỏ ở miền sông nước rất mềm, người thợ cỏ chỉ cần dùng liềm đặc dụng phát, chặt và gom thành bó. Long lia lưỡi liềm soàn soạt. Từng bụi cỏ ngã rạp xuống được anh gom lại, ba ôm thành một bó.

Nước lúc này vẫn chưa rút nên Long lội ì oạp, nhiều đoạn nước lên đến nách khiến tốc độ chặt cỏ chậm hẳn lại. Tôi xin cho thử vài đường liềm để biết cảm giác. Long cười: “Thử thì thử nhưng coi chừng dẫm mảnh chai, mảnh sành và sụp sình”. Y như lời Long nói, tôi vừa bước xuống đã sụp ngay vào một hố bùn nhão, bùn nuốt trọn cả hai chân tôi lên đến bẹn. Phải nhờ sự trợ giúp của Long tôi mới thoát ra được. Chặt được một ôm thì Long cười nói lớn: “Anh chặt như vậy thì chắc nửa đêm mới đủ cỏ để về, đưa đây cho em”. Tôi lên xuồng và bắt đầu gãi. Cảm giác ngứa ngáy lan khắp người. Tôi phải vào nhà dân xin nước lau và thay quần áo mới hết ngứa.

Nắng bắt đầu đổ xuống đầu, nóng như rang. Cứ chặt được khoảng 10 bó, Long lại gom và vác chất lên xuồng. Được chừng 30 bó thì thợ cỏ này lấy cơm ra ăn trưa. Ăn hỏa tốc ngay trên xuồng để tiếp tục công việc. Long nói nếu không tranh thủ làm, không kịp con nước lên, xuồng về nặng và cực.

Đến khoảng 3 giờ chiều thì xuồng chất đầy cỏ. “Được 73 bó tất cả anh, vậy là cũng ổn rồi, giờ về thôi”. Cái khó sau cùng mới gọi là khó nhất. Xuồng đầy cỏ nhưng rạch chưa đầy nước, đưa xuồng không vào đã khó, đưa xuồng cỏ ra là cả một cực hình. “Nước thấp quá không dám dùng chân vịt, lỡ đánh trúng cây gãy chân vịt là khỏi về. Anh lên mũi dùng sào đẩy giúp em với”.

Dứt lời, Long lội xuống dòng rạch kéo đầu đuôi xuồng. Tôi dùng sào đẩy phía mũi, hai anh em cùng hô to để dồn sức. Ba lần hô to, xuồng vẫn nằm một chỗ. Long lắc đầu: “Phải đợi thêm chút nữa, nước lên cho xuồng nổi hẳn mới đẩy được”. Quả thật chỉ 15 phút sau, xuồng nổi hẳn, việc đẩy xuồng có tác dụng.

Ra được rạch chính thì hai anh em mệt lả. Tôi nằm trên xuồng cỏ thở hổn hển. Triều cường sông Sài Gòn lúc này đã lên lại. Việc trở về nhẹ nhàng hơn dù xuồng nặng. Ra tới ngã ba sông thì xuồng chúng tôi gặp xuồng cỏ của anh Thái Văn Tuấn (anh rể của Long). Hai anh em cùng xuôi sông sóng đôi về.

Lênh đênh đời thợ cỏ ảnh 1 Chất cỏ lên xuồng

Nhọc nhằn đời thợ cỏ

Công đoạn cuối là phải đem giao cho các mối đặt. Hai anh em Long xuôi xuồng về qua cầu Phước Long thì rẽ đôi đường. Long giao 4 mối quanh nhà. Thợ cỏ phải vác cỏ từ ghe vào tận chuồng bò cho mối. Giao xong cỏ thì đã gần 7 giờ tối. Long vác nốt mớ cỏ để dành cho bò nhà lên bờ và mời tôi nán lại chút lai rai. Thấy khách, ba của Long cũng chạy ra mời tôi vào nhà. Ba Long, ông Đặng Tất Tiên năm nay đã 61 tuổi, đời ông cũng gắn bó với cái nghề đi cỏ này. “Tôi có 10 đứa con, 5 đứa theo nghề đi cỏ của tui. Nghề này hơi cực nhưng nó minh bạch. Kiếm tiền bằng sức lao động của mình mà chú em”.

Giá một bó cỏ 11 ngàn đồng. Tính ra trung bình mỗi ngày thợ cỏ kiếm được 600 ngàn đồng, trừ tiền dầu chỉ còn hơn 450 ngàn đồng. “Đỡ hơn đi làm mướn chút thôi anh, chứ cực lắm. Ngâm nước ô nhiễm, lội bùn bệnh suốt. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa là vài bữa lại cảm, lại sốt. Tiền làm ra có chút nhưng lo bệnh tật, thuốc thang rồi cũng chẳng để dành được đồng nào”, Long cho biết thêm. Ngoài Long , thì còn em trai Thanh Hiền, Thanh Hải, anh trai Thanh Thảo và anh rể Thái Văn Tuấn cũng theo nghề. “Trong các anh em, Long là thằng cực nhất trong nhà. Nó lấy vợ sớm nhưng cũng bỏ vợ sớm”, ông Tiên tâm sự với tôi.

Nhắc đến vợ, Long cầm ly rượu dốc ngược vào họng thở dài: “Em thì đầu tắt mặt tối từ tinh mơ đến tối mịt, vợ em ở nhà bài bạc, này nọ. Hai vợ chồng bỏ nhau từ đó. Cùng chung cảnh ngộ với Long là em trai Thanh Hiền. Dù chưa ly dị nhưng hiện vợ chồng Hiền cũng đang lục đục. Thấy không khí lắng xuống, tôi lái qua chuyện khác. Long cười vỗ vai tôi: “Cuộc sống là thế mà anh, mình cực còn có người cực hơn. Em giờ chỉ lo cày kiếm tiền nuôi con ăn học cho đàng hoàng. Nó mà không được học lại nối nghề em thì cực thân nó lắm. Vì tương lai con em chúng ta mà”.

Dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, những người thợ cỏ vẫn luôn lạc quan và hướng tới một tương lai tươi sáng.

Theo Theo Công an TPHCM
MỚI - NÓNG