Lênh đênh dân chài Gián Khẩu

Lênh đênh dân chài Gián Khẩu
TP - Đời sống bấp bênh khiến nhiều dân chài dưới chân cầu Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình) muốn lên bờ, nhưng không có việc làm nên đành tiếp tục lênh đênh sông nước.

Ngư nữ hái rong đáy biển

Dưới chân cầu Gián Khẩu, thuyền bè neo đậu thường xuyên khoảng 15-20 chiếc, nhưng khi có gió bão tập trung tới 40-50 chiếc. Người dân sống tạm bợ, mọi sinh hoạt diễn ra trong những nhà nổi rộng chừng 6m2. Thậm chí, nguồn nước ăn uống cũng lấy từ sông. Để có một chiếc thuyền để lưu trú và kiếm sống, mỗi hộ phải bỏ ra 13-15 triệu đồng. Dân chài hầu hết ở độ tuổi độ 20-30.

Anh Trần Văn Thế (quê xã Gia Trang, Gia Viễn, có vợ và con mới 3 tuổi) nói: Ngày làm không đủ, có khi chúng tôi lại phải làm việc cả đêm. Mò mẫm giữa sông sâu, nước xiết có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng không làm thì không biết lấy gì để kiếm kế sinh nhai. Có ngày, thu lưới về cũng được tiền trăm nhưng có hôm tối mịt mới về mà cũng chỉ được 30-40 nghìn đồng”. Các bà vợ mang cá lên chợ gần đó bán, lấy tiền mua bát gạo, mớ rau về sống qua ngày.

Đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Lai - Trần Thị Nga cũng có cuộc sống lam lũ, bấp bênh như vậy. Gia đình anh Lai mấy đời sống trên thuyền nên giờ anh cũng tiếp tục nối nghiệp cha làm nghề chài lưới. Tuy mới 28 tuổi nhưng anh đã có thâm niên 20 năm sống với nghề sông nước. Hiện anh chị vừa nuôi con trai hơn 4 tuổi, vừa chăm sóc bố mẹ già.

Giờ nghỉ trưa, phụ nữ xóm chài tranh thủ đan lưới
Giờ nghỉ trưa, phụ nữ xóm chài tranh thủ đan lưới.
Một góc xóm chài dưới cầu Gián Khẩu Ảnh: Duy Ngợi
Một góc xóm chài dưới cầu Gián Khẩu Ảnh: Duy Ngợi.

Hiện ở xóm chài có nhiều trẻ 4-5 tuổi không được đi học mẫu giáo. Khi các cháu 6 tuổi, nhà nào có điều kiện mới cho con đi học. “Bà con dân chài chúng tôi ai cũng muốn được lên bờ, có công ăn việc làm ổn định, cho con được đi học. Nhưng về quê không có việc gì làm, nên đành phải tiếp tục kiếp lênh đênh sông nước”, chị Nga (25 tuổi), vợ anh Lai, nói giọng buồn rầu.

Những chiếc thuyền đánh cá xuất hiện trên dòng sông Đáy, đoạn qua cầu Gián Khẩu, có từ lâu, nhưng tập trung đông từ đầu năm 2009. Hầu hết dân chài ở đây đến từ vùng quê Gia Trang và Vĩnh Thủy (Gia Viễn). Thôn Điềm Khê thời bao cấp có HTX vận tải đường thủy. Khi HTX tan rã, nhiều xã viên phiêu bạt kiếm kế sinh nhai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG