Lênh đênh bến bờ

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn
TP - Rồi buổi chiều nước cứ lên cao mãi. Ban đầu ngập hết mảnh sân con lam nham cỏ gấu. Sóng dập dờn quanh chiếc chum mẻ. Vài con cóc gầy guộc bám hờ lên thành chum chới với trơn. Những con chim sẻ nhao xuống bắt bầy mối cánh vừa từ đâu lướt thướt kéo ra bò lên mấy gốc đào sần sùi. Những gốc đào hắn nhặt trên đường đi chợ sau tết năm ngoái mang ra bãi trồng không ngờ hợp đất trổ lá xum xuê.
Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn.
 

Hắn kê cao chân mễ tấm phản trong gian nhà giữa bằng những viên gạch vỡ và chiếc thùng đạn cũ mòn. Nhặt nhạnh mớ nồi niêu và bao gạo ăn dở chất cả lên đấy. Tấm phản oằn xuống cong võng. Lội ra vét nốt non một thùng nước còn lại trong chum. Dìu thùng nước sát mép phản buộc quai vào chân mễ cho nó nửa nổi nửa chìm ở đấy.

Lũ chuột nháo nhác lội bì bõm ở buồng trong kéo nhau trèo lên cây que rui mè trên mái. Nước nhỏ tong tỏng xuống chỗ hắn ngồi. Một con chuột trượt chân rơi xuống bao gạo mở miệng ngay bên cạnh hắn. Không kịp làm gì với cơ hội “chuột sa chĩnh gạo”, nó đã phóng vút mình đem theo vài hạt gạo trắng tinh rắc lạo rạo lên mặt nước tối. Thoăn thoắt bơi về phía cửa buồng bắt đầu lại hành trình. Hắn phì cười một mình…

Kê mấy hòn gạch vỡ lên đầu tấm phản làm bếp đun. Hắn nhóm lửa bằng những cành củi ướt nhèm. Khói lên sặc sụa. Phải lần mò lội vào buồng trong tìm chai dầu hỏa nổi lềnh bềnh giữa đám chai lọ ngổn ngang. Chai dầu chỉ còn non nửa. Hắn thận trọng xé một miếng giẻ khô từ chiếc áo cũ thấm lấy một ít dầu từ miệng chai cho vào bếp. Ngọn lửa bùng lên nổ lép bép.

Dùng chiếc xoong nhôm bám muội đen sì múc thẳng vào bao gạo. Chắt nước từ chiếc thùng buộc ở chân mễ vào. Khoắng gạo lên cho đủ hai đốt ngón tay để nấu một nồi cơm đầy. Hắn biết cơ hội để nhóm bếp nấu thêm một nồi cơm nữa là quá xa vời. Nước đã lên mấp mé cánh phản ở khoảng giữa chỗ hắn ngồi.

* * *

Hắn không phải là dân sông nước. Nhà ở mãi vùng bán sơn địa cằn khô sỏi đá cách xa dòng sông này. Đó cũng không phải là quê hương đích thực. Chỉ là nơi hắn cùng vợ con kéo nhau lên đấy khai hoang. Vừa tự nguyện vừa bắt buộc. Hắn chẳng còn đất đai tài sản gì ở quê sau ngày ở tù về. Dân làng tránh mặt.

Đến cái tên của hắn người ta cũng coi như một chữ húy kị. Rất lâu rồi chẳng ai gọi đến làm gì. Không sao cả. Chuyện này hắn đã quen sau năm năm ở tù. Tên hắn là một con số. In xiêu vẹo khắp trên bộ quần áo tù. Người ta có thể sống rất lâu mà không cần tên gọi. Chẳng chết được. Háo danh thì có thể chết.

Hắn là nông dân. Nhưng vùng bán sơn địa cằn khô thì vĩnh viễn chẳng thể nào biến thành đồng ruộng. Loay hoay vài vụ sắn. Đất sỏi bạc màu. Củ sắn chỉ còn bằng ngón tay cái. Xơ đặc như sợi thừng khỏi phải mất công bện. Có vẻ như bao nhiêu màu mỡ đất đai những củ sắn mùa trước đã hút cạn rồi. Nay chỉ còn đủ cho tong teo lá trổ. Cây cối cũng có những kĩ năng sinh tồn.

Nó không muốn bị xem là một thứ gì khác với cây sắn. Ừ thì lá. Hắn phá sắn trồng chè. Một thứ cây hắn chẳng lạ gì. Ngày ở tù hắn và các tù nhân đã từng nhiều năm canh tác cả sắn lẫn chè. Không thể nói miền đất tù ngục ấy không có công lao gì trong việc cải tạo hắn.

Từ một nông dân trồng lúa nước trở thành một thứ công nhân nông nghiệp. Loại công nhân duy nhất trên đời tuyệt không dùng đến máy móc. Chiếc máy duy nhất hắn dùng trên trại cũng là chiếc máy ngày xưa hắn dùng trên đồng ruộng. Máy phun thuốc trừ sâu có cần kéo bằng tay. Không dùng đến nhiên liệu. Hắn là nhiên liệu.

Vào một buổi chiều cách đây hơn ba năm, hắn vô tình gặp lại thằng bạn tù cũ ngoài bến sông này. Hắn xuống bến tìm cánh lái xà lan mua lại ít dầu máy họ ăn cắp được trong hành trình mang lên bờ bán lấy tiền uống rượu. Nhìn bộ dạng người đàn ông nhỏ thó nhanh nhẹn xách hai can dầu lợt quợt lên dốc chợt hắn nhận ra một nét quen quen.

Người đàn ông đặt hai can dầu trước mặt hắn ngước lên nhìn, kìa…ông…? Hắn sững người, Tám…không tám. Bốn nhót đây! Ồ, Bốn, đi đâu mà mò ra tận đây? Cũng như mày thôi, kiếm ăn chứ không thì lấy cái gì nhét vào miệng! Hai thằng bạn tù bất ngờ gặp nhau mừng tủi. Họ vẫn chưa quên những con số in trên áo ngày nào. 08 và 40. Và hình như cũng chưa hẳn chuyển nghề.

Cái nghề đã giúp hai đứa trở thành bạn. 08 vào tù vì tội đánh bạc thì bây giờ chuyển sang ăn cắp dầu máy. 40 vào tù vì trộm cắp. Bây giờ mua đồ ăn trộm. Thằng bạn tù chỉ lấy tiền của hắn một can dầu. Can còn lại gọi là gửi chút quà cho các cháu. Lại hẹn hắn chở dầu đi bán xong nhớ quay về bến làm một trận rượu.

Hắn ngần ngại, uống rượu với khổ chủ vừa mất trộm ư? Thằng bạn tù cười bí hiểm, khổ chủ ở trên bờ nhà hàng khách sạn rồi, dưới xà lan chỉ còn toàn một lũ làm thuê chúng tao thôi! Hắn gật đầu thả hai can dầu vào giá đỡ sau chiếc xe máy cà khổ. Nổ máy ngược dốc.

Hắn không ngờ bữa rượu đêm hôm ấy trên boong chiếc xà lan neo sát mép bãi bồi giữa sông lại cho hắn nhìn ra một cơ hội thoát nghèo. Và còn hơn thế nữa. Nửa đêm, hắn lảo đảo leo lên bãi giữa tìm nơi tiểu tiện. Chợt thấy hiện ra trước mắt vạt đất bao la toàn lau sậy chết rũ mùa nước cạn.

Không một bóng người. Không trồng trọt bất cứ thứ gì. Hắn quay về xà lan cố hỏi han đám người sông nước về mảnh đất đẹp mê hồn ấy. Thằng bạn tù bảo, ông có sức thì cứ ra đấy mà canh tác, chắc cũng chỉ được một vụ màu thôi. Mùa nước lên ngập gần hết bãi!

Nghĩ là làm. Hắn gom góp tiền nhà mua lại chiếc thuyền nan phòng lụt của một gia đình gần bến. Thêm mấy cây tre đực gầy nhẳng. Vài chiếc cuốc thuổng nông cụ mang từ nhà xuống. Ít gạo, cá khô, mắm muối, chai dầu hỏa, chiếc đèn bão và một cục phèn lớn. Thế là quá đủ cho một cuộc sống độc thân nơi đất lạ.

Hì hục mất một buổi sáng chất đồ đạc lên thuyền và dìu bó tre đẵn ngắn buộc vào một bên mạn, hắn bơi thuyền sang bãi giữa. Với một người cựu tù như hắn thì việc dựng chiếc lán trên bãi hoang là quá dễ dàng quen thuộc. Chẳng cần vội vã, hắn chẻ mấy ngọn tre ra làm lạt buộc và nan đan.

Lau sậy sẵn có quanh mình tha hồ lựa những đám bánh tẻ chắc cây hắn cắt mươi bó đều đặn. Dùng nan đánh lại thành những tấm lợp chắc chắn dầy dặn. Chăng dây đào lỗ dựng cột buộc kèo. Xế chiều, những tấm lợp cuối cùng đã được buộc ngay ngắn lên mái. Những tấm khác đã được thưng lên vách chỉ chừa lại một ô cửa nhỏ. Một chiếc lán xinh xắn thơm sực mùi cỏ cây tươi mới thành hình.

Việc còn lại chỉ là gác tre lên chân cột buộc nan làm sàn. Chiếc cửa chống bằng phên lá được hắn gia công tỉ mỉ bằng nan tre buộc chéo quả trám cuối cùng đã được mắc lên khuôn cửa. Khánh thành. Hắn xoa tay ngồi phệt xuống đất ngắm nhìn tác phẩm của mình. Niềm vui vô hạn khiến hắn quên phứt bữa cơm chiều. Mãi đến sẩm tối mới chợt nhớ ra. Hì hục ra sông xách nước vào đánh phèn, gạn trong. Vo gạo. Nổi lửa.

Bãi sông thành vương quốc của riêng hắn. Đến cả vợ con hắn cũng hạn chế héo lánh. Người đàn bà cùng với bốn đứa con ở lại đồi chè. Đàn con đã lớn. Chúng có nhiều bè bạn. Vợ hắn mải chùa chiền cúng bái đến mê sảng. Thuộc tên các thánh và ngày giỗ kị còn hơn tên hắn và đàn con. Khách khứa duy nhất trong căn chòi lá chỉ có người bạn tù mang số áo 08.

Năm thì mười họa ghé vào uống với hắn chén rượu. Cũng chỉ vào mùa nước lớn thuyền bè có thể ngược xuôi. Thấm thoắt ba mùa nước đi qua. Không năm nào ngập hết bãi bồi cùng với căn chòi lá. Có năm bãi bồi còn rộng thêm ra hàng vài chục thước. Đủ đất cho hắn gieo trồng. Nghe láng máng thời sự bằng chiếc đài hai pin tiểu mua trong chợ, hắn còn biết thêm người ta đang xây dựng đến ba nhà máy thủy điện nữa trên thượng nguồn. Lụt lội là thứ hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Yên tâm, hắn cơi nới thêm ra hai căn buồng bên cạnh làm bếp đun và nhà kho để chứa tạm ngô đỗ lạc trước khi mang vào bờ bán. Lại mua sắm thêm nồi niêu bàn ghế và một chiếc phản gỗ. Thằng Tám đùa, như mày rồi cũng có lúc tìm được bến đỗ, tao mới là thằng lênh đênh suốt đời!

* * *

Chiếc thuyền thúng ọp ẹp kéo vào từ ban sáng buộc bên chái nhà trôi lơ lửng ra trước cửa. Rặng núi phía bắc mờ trong mây tối. Những tia chớp rạch nhì nhằng lan tỏa như bén rễ xuống chân trời. Cơn mưa sầm sập kéo về. Hắn ngồi xổm trên phản. Xới lưng cơm nửa sống nửa chín chậm chuội nuốt với vài quả ớt còn sót lại trong nồi cá kho. Ngao ngán nhìn ra bãi bờ đồng đất chìm nghỉm trong làn nước đỏ quạch.

Niềm vui vừa nhen lên ban sáng về vụ trồng trọt sắp tới được thiên nhiên ban phát phù sa màu mỡ bỗng chốc biến thành nỗi lo mỗi lúc một lớn. Ân hận. Hắn đã quá tin vào kinh nghiệm vài năm ở bãi không lụt lội. Và tin vào cái đài hai pin chết tiệt rả rích hàng tháng trời về tương lai trị thủy của mấy nhà máy điện trên thượng nguồn.

Chiếc thuyền thúng ngoài sân bây giờ đã không còn là phương tiện đi lại được nữa rồi. Nó quá mỏng manh bất trắc giữa dòng sông ngùn ngụt chảy. Cả căn nhà hắn đang ngồi đây cũng chung thân phận rất khiêm nhường giữa mênh mang sóng nước.

Hắn kê chiếc ghế đẩu lên hòm đựng quần áo ở đầu cánh phản. Mặc áo mưa đứng lên với tay cởi những nút lạt trên mái lần lượt dỡ những tấm lợp. Trời tối mịt trong cơn mưa. Hắn buộc dây hấp tấp chuyển tất cả những gì có thể qua cái lỗ chui vừa thân người ấy. Nồi niêu, áo quần, bao gạo, chiếc đèn bão. Và nồi cơm chậm chuội ăn dở. Hắn không quên dỡ bớt những tấm đan thưng vách căn nhà cho đỡ cản trở dòng chảy trước khi đu mình chui lên mái.

Dòng sông đã nhấn chìm những xóm nhỏ bên bờ mở rộng tầm mắt ra sát chân đê. Chỉ còn trông thấy lúp xúp vài ngọn tre bên những mái nhà ẩm ướt đen sì im ắng vắng. Nhìn quanh quẩn, hắn phát hiện ra mình là con người duy nhất giữa mênh mang sông nước. Và cũng là nơi nương tựa duy nhất cho chính mình.

Chiếc áo mưa quá nhỏ. Chỉ đủ che hắn và bao gạo ngồi lom khom trên mái. Đồ đạc chằng buộc vào nhau vắt qua nóc mái ướt hết. Nước đã lên chớm giọt gianh. Chiếc thuyền thúng chứa lưng lửng nước mưa quẩn vào sau mái nhà. Hắn tháo dây kéo thuyền về gần chỗ mình ngồi dùng chiếc xoong nhôm hì hục tát nước. Ít nhất thì chiếc thuyền vẫn còn là niềm hi vọng cuối cùng.

Dù không thể đi xa thì nó vẫn là vật duy nhất có thể nổi. Nhưng tốc độ tát nước của hắn chỉ đúng bằng cơn mưa. Nước chẳng vơi đi tẹo nào. Con thuyền lì lợm trĩu nặng ngâm mình. Chán nản, hắn buộc sợi dây lên xà nóc bỏ mặc cho dòng nước đưa đẩy. Bụng thuyền ngoe nguẩy chà xát lên mái cỏ phát ra tiếng kêu loạp roạp như đánh vẩy một con cá lớn.

Lũ chuột ướt lướt thướt cũng tìm cách trèo được lên quanh chỗ hắn ngồi. Run lẩy bẩy. Chẳng con nào còn tỏ ra sợ hãi hắn như mọi ngày. Như vừa mới ban chiều thôi. Một phản xạ lướt qua trong đầu. Hắn rút thanh tre trên tấm lợp. Lũ chuột vẫn run rẩy co cụm lại gần chỗ hắn ngồi liếm láp. Những con mắt tròn đen nhánh ngây ngô nhìn hắn dưới ánh sáng nhờ nhợ trong màn mưa.

Chùn tay nghĩ ngợi. Hắn gài lại thanh tre vào chỗ cũ. Chẳng phải vì chợt nảy lòng hiếu sinh. Rất có thể mấy con chuột này sẽ là thực phẩm dự trữ cho hắn. Cũng như lũ chuột đồng ngày hắn còn ở trại cải tạo thôi mà.

Cơn mưa tạm ngớt. Nhưng nước vẫn không ngừng nhích lên. Chầm chậm mà quyết liệt. Cần phải nhanh chóng kéo con thuyền lại gần. Nước mưa đã đầy gần đến cạp. Mạnh tay kéo thêm chút nữa. Mũi thuyền ngóc lên mái nhà dốc bớt nước ra. Hối hả múc. Con thuyền dần dần nổi lên lộ ra lớp sàn gỗ nan thưa sát đáy. Dừng tay. Cuộc “chuyển nhà” bắt đầu. Không phải hắn mà là mấy con chuột ướt. Chúng phóng vút lên mạn thuyền tranh nhau tìm kiếm chỗ chui rúc dưới gậm sạp.

Thật ngạc nhiên là chúng lại bắt đầu tỏ ra sợ sệt con người? Nhưng không phải. Lúc hắn hì hụi kéo chiếc hòm gỗ sang thuyền chợt phát hiện ra một con rắn nằm khoanh tròn trên nóc nhà ngay đầu hồi. Khúc trắng khúc đen trông rất hãi. Con rắn dường như mệt lả. Chiếc roi tre hắn rút vội trên nóc nhà quất vào mình nó đến lần thứ hai mới có tác dụng. Con rắn uể oải trườn mình xuống mặt sông biến mất vào dòng nước.

Buộc ngắn lại dây neo, hắn bước sang thuyền. Mệt lả. Giấc ngủ kéo đến trĩu con mắt. Hắn gối đầu lên chiếc hòm gỗ kê cao. Tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền lộp rộp như ru. Bải hoải. Đắng cay. Hắn mơ màng thấy ngôi sao hôm ướt sũng le lói cuối chân trời…

* * *

Ì ầm váng vất tiếng máy những con tàu. Những đợt sóng ập vào chao đảo con thuyền nan rệu rã. Hắn bừng tỉnh. Bầu trời chói lóa. Trong khoảnh khắc hắn chưa xác định được cái gì đã đánh thức giấc ngủ. Nhìn ra mênh mông. Hồi tưởng. Cái chóp nhọn của mái nhà vẫn còn nhô lên khỏi mặt nước chừng một gang tay.

Trên ấy vẫn con rắn cuộn tròn đen trắng giấu đầu im lặng nằm. Nó cũng chẳng biết đi đâu dù bị đánh đuổi. Nước không lên nữa. Chỉ cao hơn ban đêm chút ít. Không có ánh mặt trời, hắn tìm chiếc đài trong hòm bật lên ghé tai nghe giờ. Chiếc đài im tịt. Một dòng nước chảy ra từ những lỗ nhỏ li ti trên mặt loa. Ngược xuôi trên sông lặc lè những chiếc xà lan chở hàng nhả khói.

Tiếng còi trầm đục sủi trên sóng vô hồi dằng dặc loang xa. Hắn vô tình trở thành chiếc cọc tiêu báo hiệu bãi bồi. Hình như chẳng ai muốn đến quá gần chiếc cọc tiêu ấy dù đó là một con người. Hắn giơ tay vẫy vô vọng…

Khát cháy cổ. Hắn vục tay xuống sông làm một ngụm nước phù sa ngây ngây chát. Vã nước lên mặt cho tỉnh táo. Mở vung nồi cơm ăn dở. Một con chuột lom khom trong ấy. Hắn lựa tay bốc cả con chuột và lớp cơm dưới bụng nó bỏ ra sàn. Con chuột ung dung ngồi nhấm nháp tiếp tục. Hắn cũng làm vài vốc trệu trạo nhai. Những hạt cơm chưa chín hẳn gặp nước mưa đêm qua rã rời trong cổ họng.

Chiếc xà lan quen thuộc rồi cũng xuất hiện phía hạ lưu khi hắn đã mệt nhoài ngồi ngây như đóng cọc trên nắp chiếc thùng gỗ. Nó chầm chậm ghé vào gần hắn hết mức có thể. Thằng Tám đứng trên boong toe toét cười, không nhớ ra mày thì mai chúng tao mới lên!

Hắn buồn bực văng tục, từ sáng đến giờ vẫy chẳng thằng đéo nào ghé vào, mấy giờ rồi mày? Gần bốn giờ chiều rồi, chèo vài nhát sang đây uống rượu thôi! Hắn rút dây buộc dùng cây chèo đơn đẩy nhẹ lên mái nhà. Gấp gáp chèo ra chiếc xà lan chầm chậm gần như dừng hẳn. Thằng Tám lôi hắn lên mặt boong buộc chiếc thuyền vào cọc bích cho xà lan kéo theo.

Hắn thầm ngẫm nghĩ, hóa ra cái bến đỗ lênh đênh của thằng Tám trên xà lan lại là thứ vững bền hơn đất đai nhà cửa. Nó chẳng cần đỗ ở đâu cả. Nó chính là cái bến rồi. Chiếc thuyền nan ọp ẹp của hắn chẳng đang neo ở đấy là gì.

Bữa rượu trong khoang đã được sắp đặt bày biện rôm rả. Lại có thêm mấy em mắt xanh mỏ đỏ ríu rít lả lơi cười. Thằng Tám đùa, vụ vừa rồi thế nào, thu hoạch được mấy triệu? Hắn ầm ừ, may mà nhổ bán kịp toàn bộ mấy đám lạc, vẫn còn hơi non! Đám đàn ông ùa vào chiếu rượu. Những gương mặt quen đã có lần hắn ngồi uống rượu cùng. Họ chẳng cần khách sáo. Rượu tu ừng ực. Bốc bải nhồm nhoàm.

Thỉnh thoảng thò tay sang bốc cả vào trong cổ áo mấy mắt xanh mỏ đỏ. Chí chóe ngả nghiêng. Thằng Tám bảo, cứ thoải mái uống đi, các em phục vụ trọn gói cả chuyến trên tàu đừng ngại. Mai tao ghé vào bờ cho mà về! Hắn cười buồn, mấy năm không lụt lội đã tưởng…! Tao bảo rồi, được vụ nào biết vụ ấy, sông nước thất thường là lẽ đương nhiên phải chịu. Nước lớn thì thuyền tao chạy.

Nước cạn thì mày trồng trọt. Thế là công bằng! Hắn cự lại, nghe nói xây thủy điện thì sẽ không bao giờ lụt nữa? Xin bố, đến cả cái nhà máy thủy điện ấy cũng phải trông chờ vào con nước. Đúng ra là trông chờ vào lòng hảo tâm lương thiện của những kẻ ở đầu nguồn điều hòa dòng chảy! Hắn rơi vào hoang mang tột độ. Câu chuyện chế ngự dòng sông không còn là chuyện của con người với tự nhiên nữa rồi.

Rượu say mềm. Hắn ngả mình ngủ ngay cạnh mép chiếu. Gần sáng thức giấc, hắn nghe khò khè tiếng ngáy ngủ rải rác trong khoang thuyền âm u gió. Tiếng máy rù rì lợn cợn trong đầu. Trở mình. Hắn thấy vướng víu. Có một bàn tay mềm mại đâu đó mơn man rất gần. Ran ran bụng dưới. Một hơi thở nóng rẫy bên tai. Mùi hương thảng hoặc mông lung nhớ. Rất lâu rồi hắn đã quên mất mình vẫn là một đàn ông…

Hà Nội 9-2011

Truyện ngắn của Đỗ Phấn

 

Bãi hoang. Một con người vật vã (hay ung dung?) sống, sau những năm tháng lỗi lầm và tù ngục. Dòng sông êm ả rồi trở mặt hung hãn. Những con chuột bị dồn đuổi sống chung với con người trên “con thuyền lì lợm trĩu nặng ngâm mình”...

Lênh đênh bến bờ ảnh 2

 

Thế giới bị cô lập hay chính con người tự cô độc hóa mình, dưới ngòi bút của Đỗ Phấn, trở nên cuốn hút theo từng dòng chữ. Người ta bị lôi vào theo từng chi tiết, bị bao phủ dần bởi một không khí, hay một ám tượng.

Điều đáng nói ở truyện ngắn này, chính là thứ ám tượng đó, nó được sinh ra, không hẳn (không chỉ) do tài viết. Nó đi ra từ tác giả, từ một cái gì ám ảnh thần kinh, tới người đọc qua một phương tiện rất tầm thường: câu chữ.

Đỗ Phấn xuất thân họa sĩ, ở nhiều bức tranh của anh, cũng lẩn quất thứ này, dĩ nhiên, nó tới bằng (qua) hình ảnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG