Lên núi 'tu thân'

Ngày càng nhiều người trẻ lên núi tập tu
Ngày càng nhiều người trẻ lên núi tập tu
TP - Không phải du lịch nghỉ dưỡng hay vào bar, pub nhảy nhót xả năng lượng. Nhiều người trẻ hiện nay chọn cách lên chùa trên núi tập tu như một giải pháp lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Nhiều người trong số họ khẳng định: kiệt sức, bế tắc vì công việc, thậm chí stress cũng có thể chữa lành bằng cách này.

Những người đột nhiên “bốc hơi khỏi thành phố”

Năm ngoái, tôi đang điều trị viêm dạ dày với một bác sĩ trưởng khoa rất nổi tiếng ở Hà Nội thì thấy anh nhắn: “Tuần sau em đừng đến phòng khám, cứ dùng thuốc theo đơn cũ, 10 ngày sau anh điều chỉnh”. Trong 10 ngày ấy, tôi gọi anh vài lần nhưng điện thoại, messenger và cả zalo đều trong chế độ không làm việc. Cứ như anh đột nhiên bốc hơi khỏi thành phố.

Sau gặp lại, anh kể: Công việc bác sĩ quá nhiều áp lực, anh từng nhiều lần bị stress, sau nghe bạn bè xui mỗi năm dành chút thời gian (trung bình 1-2 tuần) lên chùa trên núi tập tu, đỡ lắm. Anh làm theo, thấy có hiệu quả thật, thế là năm nào cũng đi. “Giống như xóa bảng viết lại ấy. Đầu mình đang hỗn loạn đủ thứ. Rồi ngừng lại toàn bộ, ngồi thiền, nhìn lại những hỗn loạn ấy, thấy quá nhiều thứ “linh tinh”. Rồi cứ bỏ dần những cái “linh tinh” ấy, đầu nhẹ đi, áp lực cũng tiêu trừ”, anh nói thêm.

Theo như vị bác sĩ này kể lại, những người làm trong ngành y tham gia tu tập định kỳ khá đông. Vì họ đều là những người trưởng thành và có nhu cầu refresh (làm mới) thực sự nên sẽ không đi theo các khóa tu đại trà. Những chọn lựa ưu tiên của họ là các chùa ở núi xa như: Yên Tử, Tây Thiên, Bảo Sái, Lôi Âm (Quảng Ninh)... và tránh mùa hành hương.

Chị Hélène Lan (giáo viên yoga tại Hà Nội) cho biết: Học viên của chị (đa số là người làm việc ở các tập đoàn nước ngoài và không lạ gì với burnout – một hội chứng quá tải vì công việc) coi việc lên núi tập tu “như một liều thuốc an thần và chữa mất ngủ”.

Anh Trần Thanh Tuấn (tập đoàn Lotte Việt Nam) từng có thâm niên 8 năm tập tu cho biết: Mỗi lần lên núi giống như đi ở ẩn thật sự. Tôi nhờ nhà chùa giữ điện thoại và ví tiền. Thời gian ở chùa dài bao lâu thì cũng chừng đó cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi sinh hoạt, giao tiếp... chỉ gói gọn từ cổng chùa trở vào. Trong thời gian đó, tôi chỉ tập thiền, ăn chay và tham gia một vài công việc tay chân nhẹ nhàng.

Chị Lê Mai (ngân hàng HSBC) chia sẻ: Mấy năm trước, thỉnh thoảng sếp của tôi biến mất khoảng 1 tuần, ngay cả người nhà cũng cắt liên lạc. Sau 1 tuần, chị ấy xuất hiện với một thần thái khác hẳn khiến chúng tôi cứ đồn đoán lung tung. Về sau, biết được lý do chị biến mất là đi tập tu, tôi cũng học theo. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ở chùa tập tu, thế mà có rất nhiều thanh niên trẻ, có người đang là sinh viên...

Cuộc sống khổ tu dậy từ ba rưỡi sáng

Tất cả những người từng đi tập tu đều khẳng định: “Lên chùa không phải ung dung hưởng thụ trăng thanh gió mát, mà chính là khổ tu”. Khi đã chấp nhận lựa chọn này, tất cả những “khách ở chùa” đều phải sinh hoạt theo giờ giấc của các tăng ni. 3h30 sáng đã dậy (có nơi là 3h), 8-9h tối đi ngủ, mỗi ngày tập quỳ lạy 100-300 lần, ăn chay, thậm chí có nơi chỉ ăn hai bữa một ngày, nghe giảng pháp, ngồi thiền, thời gian còn lại thì giúp nhà chùa làm công quả: nấu cơm, trồng rau, cuốc đất, quét dọn sân vườn...

Chị Lê Mai nhớ về quãng thời gian tập tu đầu tiên của mình: “Mình thuộc dạng cú đêm, 2-3h sáng đi ngủ là thường, thế mà lên chùa 8h đã đi ngủ, 3h dậy. Nhịp sinh học thay đổi loạn lên, mấy ngày đầu stress còn nặng hơn khi ở nhà. Nhưng chỉ ba ngày sau là quen dần. Cả ngày gần như không nghĩ gì đến công việc, chỉ thiền và nghe giảng đạo Phật là chính. Mình nhận ra được khá nhiều điều, ví dụ như hạnh phúc là gì, ví dụ như vì sao không nên cưỡng cầu, không nên đặt mục tiêu... Một lần chưa thuộc bài đâu, phải sau khoảng ba bốn lần mới nhớ, giờ mình sống cũng nhẹ nhõm hơn”.

Một điều giống nhau nữa, tất cả những người tập tu không theo khóa thì đều không phải đóng tiền sinh hoạt, khi về, có thể tùy tâm công đức cho nhà chùa. Một sư thầy của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho biết, những năm gần đây, số lượng khách lẻ xin vào chùa tập tu tăng lên rõ rệt, đặc biệt là khách trẻ tuổi. Năm trước còn có một cặp đôi dắt nhau lên chùa xin sư trụ trì “cứu giúp”. Vào chùa thì nam nữ phải tách ra ở hai khu khác nhau. Hết 10 ngày, hai người xin về, khách nữ bảo may mà chúng em đi tu mấy ngày, chứ trước đó đã nghĩ đến chuyện chết; vì gia đình cô gái ở Đà Nẵng muốn con về quê lập nghiệp, trong khi bạn trai ở Hà Nội là con một, mối tình của họ không được sự đồng thuận của bố mẹ hai bên.

Anh Trần Thanh Tuấn cho biết thêm: “Tôi từng đi tập thu theo khóa do nhà chùa mở ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, nhưng không thấy hợp vì khóa tu thì đông và không phải ai cũng tình nguyện. Nhiều trường hợp là do bố mẹ bắt buộc (để con ngoan, để con cai game...) nên đến tối thì khá lộn xộn. Bằng cách nào đó các em vẫn lén mua được đồ ăn mặn từ các cửa hàng bên ngoài và tối mang ra “cải thiện”. Nhiều em cũng giấu điện thoại, máy chơi game. Sau đó tôi rút kinh nghiệm, chỉ đi lẻ thì thanh tịnh hơn nhiều”.

Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ tâm lý Đinh Văn Thiện (phòng khám Tâm An) cho biết: “Với những người có vấn đề về sức khỏe tâm lý, chúng tôi ủng hộ họ tập tu (thực chất là tập thiền trong một không gian hoàn toàn tách biệt với cuộc sống thường nhật). Một số người có kết quả điều trị tốt, đặc biệt là những người có thời gian stress ngắn. Còn đi tập tu theo phong trào tôi cũng thấy nhiều, nhưng hiệu quả ít vì phương pháp này đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao”.

Hiệu quả chữa lành của thiền

Theo bác sĩ Thiện, ngay từ giây phút đầu tiên của việc thiền là bạn đã phải “ngắt điện”, “ngắt kết nối” với những rắc rối, bế tắc, hỗn loạn và cả những hưng phấn, hân hoan. Bởi vì bản chất của việc thiền là “không nghĩ gì”. Đầu óc, tâm trí của bạn được đưa về một trạng thái ngủ đông, và sự ngủ này có tác dụng làm giảm áp lực cũng như căng thẳng. Giống như khi ta đang rất lo lắng về một chuyện gì đó, rất có thể sẽ làm những hành động sai lầm, nhưng sau một giấc ngủ, sáng hôm sau, mọi chuyện đã không còn “nguy hiểm” như tưởng tượng. Người ta nói, 50% nỗi buồn sẽ tan biến sau một giấc ngủ là vì vậy.

Nhờ tác dụng này, việc thực hành thiền hàng ngày và tạm dừng lại mọi công việc (vốn là nguyên nhân chính gây ra burnout) có tác dụng chữa lành và trấn an rõ rệt. Cộng thêm những bài giảng về buông bỏ, sân si... (một dạng chữa lành tâm lý của tôn giáo), nên việc tu tập có thể giúp giải tỏa áp lực cuộc sống là điều có thể lý giải.

Để khẳng định tác dụng chữa bệnh của thiền, bác sĩ Thiện dẫn lại nghiên cứu của Tiến sĩ Fabrice Midal: “Thiền định giúp mình tự biến cải một cách tích cực, nhìn thấy được nỗi khổ đau riêng tư và vượt lên trên những nhầm lẫn của chính mình. Giúp chúng ta biết mở rộng lòng mình để đón nhận một thực tại to rộng hơn so với cái tôi nhỏ bé và đầy lo âu của chính mình”...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa burnout là “hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc”. WHO khuyên các “nạn nhân” nghỉ ngơi một chút hoặc nghỉ phép đi du lịch, cố gắng ngủ nhiều hơn, tập thiền, tập thể dục và dành thời gian cho gia đình, bạn bè là có thể giải quyết được vấn đề.

MỚI - NÓNG