Lên kịch bản chi tiết ứng phó với siêu bão Mangkhut

TP - Dự kiến ngày 17-19/9, bão Mangkhut sẽ đổ bộ ở Bắc bộ, trong đó khu vực ảnh hưởng trực tiếp là Quảng Ninh đến Thanh Hóa và trọng điểm là Quảng Ninh. Các địa phương phải cấm biển trước 10 giờ, sơ tán dân khỏi lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản trước 17 giờ ngày 16/9; xem xét cho học sinh ven biển nghỉ học ngày 17/9.

Bán kính bão rộng tới 500 km

Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với 27 tỉnh, thành từ Nghệ An trở ra ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 14/9, siêu bão Mangkhut cách đảo Luzon (Philippines) khoảng gần 300 km về phía Đông, với cường độ cấp 17, giật trên cấp 17.

Theo ông, vùng ảnh hưởng của bão có gió cấp 6 trở lên có tới 400-500 km, còn cấp 10 trở lên bán kính 200-250 km. Bão đang di chuyển ổn định hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/h với cường độ cấp 16-17, hướng tây tây bắc.

Lên kịch bản chi tiết ứng phó với siêu bão Mangkhut ảnh 1 Đường đi của siêu bão Mangkhut Ảnh: TTXVN

“Các đài dự báo như Mỹ, Hongkong, Bắc Kinh, Nhật nhận định bão đang mạnh cấp 16-17. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, khi bão đi qua đảo Luzon sẽ suy yếu 1-2 cấp và khi vào vịnh Bắc bộ ở cấp 11-12”- ông Cường nói.

Theo dự báo, khoảng trưa và chiều 15/9, siêu bão Mangkhut sẽ vào biển Đông và giảm còn cấp khoảng 15. Đến đêm 16/9, bão bão vào vịnh Bắc bộ,và đến trưa, chiều 16 có thể ảnh hưởng đến vịnh Bắc bộ. Cùng ảnh hưởng có gió cấp 6 trở lên là 500 km.

Dự kiến trong ngày 17-19, bão sẽ đổ bộ ở Bắc bộ và gây mưa lớn ở khu vực này. Thời gian đổ bộ khả năng vào chiều 17, hoặc muộn là sáng - trưa ngày 18/9. “Khu vực ảnh hưởng trực tiếp là Quảng Ninh đến Thanh Hóa và trong đó Quảng Ninh là trọng điểm của cơn bão”- ông Cường nhận định.

Cũng theo chuyên gia dự báo khí tượng, trước khi bão vào Lôi Châu, có thể gây sóng biển cao 12-14 mét, tuy nhiên khi vào vịnh Bắc bộ, sóng có thể 6-7 mét, mức nước biển dâng khoảng 2 mét ở khu vực Móng Cái.

Cơ quan dự báo Việt Nam nhận định, cơn bão Mangkhut sẽ gây mưa lớn thời gian 17-19/9 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, lượng mưa 200-300 mm. Ông Cường lưu ý, sau khi đổ bộ vào đất liền,  bão có thể gây mưa ở thượng nguồn ở sông Lô và sông Thao, gây đợt lũ lớn có thể lên báo động 3.
Còn trên hệ thống sông Đà, lượng mưa có thể không lớn, nhưng lưu ý có thể mưa tập trung quanh khu vực hồ Hòa Bình.

Lên kịch bản chi tiết ứng phó với siêu bão

Theo ông  Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) siêu bão Mangkhut gây sóng cao tới 14m ở khu vực Bắc biển Đông, cao 5m ở quần đào Hoàng Sa, giữa biển Đông. Nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m. 

Đặc biệt, ông Hoài lưu ý siêu bão này cũng có nét tương đồng với các cơn bão gây thiệt hại lớn trước đó. Chẳng hạn bão số 10 năm 2017 đổ bộ Hà Tĩnh cấp gió 10-11, đã gây thiệt hại nặng nề hệ thống đê biển trên phạm vi rộng từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Hay bão số 7 năm 2005 có cường độ tương đương bão Mangkhut, triều cường cao hơn 0,5m đã làm vỡ đê biển ở Hải Phòng và Nam Định. Bão số 1 năm 2016 gió chỉ cấp 9-10, làm gần 16.000 cột điện bị gãy đổ, gây mất điện hoàn toàn 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương kiên quyết gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, hướng dẫn tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 10 giờ ngày 16/9.

Các địa phương gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn và hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/9.

Đối với các tỉnh khu vực ven biển, xem xét cho học sinh nghỉ học vào ngày 17/9; cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển… Cùng đó, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tiêu gạn nước đệm để chống úng.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Mangkhut là cơn bão rất mạnh, lại đi vào khu vực đông dân cư, hạ tầng kinh tế, xã hội rất quan trọng, nên nếu ứng phó không kịp thời, thiệt hại rất khôn lường; Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án chi tiết kịch bản, trong đó chủ động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện vật tư để ứng phó với cơn bão. Các địa phương tuân thủ nghiêm việc cấm biển, đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển, kể cả tàu cá, tàu du lịch, vận tải, trên các lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản. Những khu vực nguy hiểm ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở cần tổ chức di dân sớm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo việc vận hành liên hồ chứa và đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập thủy điện và thủy lợi, đặc biệt hồ chứa nhỏ, đập đất lâu năm đã đầy nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lập các đoàn ở T.Ư đi chỉ đạo công tác phòng chống bão ở khu vực trọng điểm. “Với lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban, giám đốc các sở ngành phải có mặt chỉ đạo những địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão để chỉ đạo, giúp dân giảm thiểu thiệt hại tính mạng, của cải”- Phó Thủ tướng nói.

Trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.