Thương vụ này đang tạo sự chú ý của dư luận khi thị trường thương mại điện tử phân khúc cao cấp tại Việt Nam và dự báo sẽ có cuộc đua lớn phân chia lại thị phần khi nền tảng này chính thức quay lại thị trường Việt Nam vào quý 3 tới.
Với thương vụ M&A này, Society Pass (Sopa) mua lại quyền sở hữu thương hiệu Leflair từ chủ sở hữu thực sự là Tập đoàn GoodVentures SEA Ltd. tại Hồng Kông (Trung Quốc) sau khi đơn vị từng mang Leflair về Việt Nam thông qua đơn vị vận hành có đăng ký pháp nhân tại Việt Nam, có tên gọi theo đăng ký kinh doanh là Công ty Cổ phần Leflair – điều hành bởi hai doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun chính thức thoái lui khỏi thị trường, đệ đơn công bố phá sản và được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo luật.
Trao đổi với Tiền Phong về thương vụ mua bán sáp nhập này, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, với bất cứ mô hình kinh doanh nào, việc phải công bố phá sản với hoạt động kinh doanh của một thương hiệu mà mình dày công xây dựng và tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng như Leflair là điều khá đáng tiếc nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế và vận hành chuyên nghiệp khác.
Theo ông Thịnh, dịch COVID-19 bùng phát 2 năm qua là dịp tốt để các quỹ đầu tư, startup ngoại thâu tóm, mua lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Đây sẽ là cơ hội đầu tư sinh lời rất tốt nếu được tái cơ cấu, cải tổ về quản trị, kinh doanh thành công về sau. Sau khi chuyển nhượng, đơn vị sở hữu mới sẽ có cơ hội kinh doanh ngay lập tức trên thị trường do đã có sẵn tên tuổi, quen với thị trường Việt Nam và mạng lưới phân phối.
Bên cạnh đó, đơn vị sở hữu mới là Society Pass được đánh giá có thế mạnh riêng khi tận dụng được hạ tầng và mạng lưới bán hàng sẵn có, đồng thời bổ sung các nền tảng công nghệ, chiến lược kinh doanh cũng như tận dụng kết nối thương hiệu này vào hệ sinh thái Sopa. Chỉ riêng việc kinh doanh được ngay trên cơ sở tên thương hiệu sẵn có Leflair và sự hỗ trợ từ hệ sinh thái Sopa cũng là một khoản tiết kiệm đầu tư khá đáng kể với bất cứ nền tảng thương mại điện tử nào khi tiếp cận thị trường.
Về hoạt động và nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi chuyển nhượng, theo ông Thịnh, pháp nhân từng kinh doanh và điều hành Leflair tại Việt Nam là Công ty Cổ Phần Leflair sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn tất toàn bộ công nợ trước đó của doanh nghiệp với các đối tác cũng như khách hàng. Vì vậy, chủ sở hữu mới là Society Pass sẽ không phải kế thừa trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ từng sử dụng thương hiệu Leflair. Những điều này sẽ được quy định trong hợp đồng chuyển nhượng.
Leflair sẽ chính thức quay lại thị trường Việt Nam vào quý 3 |
“Trong các thỏa thuận mua bán doanh nghiệp, luôn có các điều khoản rất cụ thể và chi tiết về các khoản công nợ. Khi đó mọi việc sẽ rất rõ ràng và các đối tác kinh doanh sẽ biết sẽ phải tìm đến ai để ký hợp đồng cũng như thanh toán công nợ”, ông Thịnh nói.
Về cơ hội với chủ sở hữu mới của Leflair, ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành cũa hãng nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research cho rằng Leflair là một thương hiệu quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Thị trường hàng hóa cao cấp đang là mảnh đất màu mỡ của nhiều thương hiệu ngoại. Hàng cao cấp tại Việt Nam năm 2020 đạt gần 1 tỉ USD và ước tăng trưởng kép hằng năm hơn 9% trong vòng 5 năm tới theo số liệu của Statista. Do đó, việc mua lại Leflair sẽ giúp Sopa tiến sâu hơn vào phân khúc hàng tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam.
Cơ hội lớn cho nhà đầu tư mới
Ông Ray Liang, Giám đốc vận hành của Society Pass, cho biết: “Chúng tôi đã mua lại quyền sở hữu thương hiệu Leflair với sự tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà thương hiệu này đã xây dựng trong 5 năm qua tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục mang theo trong tương lai. Thông qua việc xây dựng một trang TMĐT www.leflair.com mới, chúng tôi sẽ mang lại cho người tiêu dùng cơ hội sở hữu các sản phẩm cao cấp và một địa chỉ mua hàng trực tuyến uy tín, phục vụ các phong cách sống khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn bắt tay cùng cùng các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cao cấp, cùng nhau tìm ra các giải pháp tiếp thị, kinh doanh hiệu quả nhằm phục vụ và thoả mãn các phong cách sống và tiêu dùng ngày càng khắt khe và cấp tiến thông qua các một thế giới phẳng trong lĩnh vực thương mại điện tử”.
Theo ông Ray Liang, một đội ngũ quản lý mới từ Society Pass sẽ phụ trách quản lý vận hành của Leflair nhằm đảo bảo sự phát triển bền vững và kế hoạch mở rộng của công ty trong tương lai. “Phượng Hoàng” đã trở lại, tiếp tục cuộc đua trong lĩnh vực TMĐT thuộc phân khúc cao cấp, người dùng sẽ lại có thêm những cơ hội mua hàng hiệu uy tín với giá cả cạnh tranh cùng Leflair!