Lee Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm với Công Phượng

Lee Nguyễn từng chứng kiến Công Phượng (áo cam) tập luyện ở Học viện HAGL Arsenal JMG, nên không ngạc nhiên với tố chất kỹ thuật của sao trẻ này. Ảnh: Lâm Thỏa.
Lee Nguyễn từng chứng kiến Công Phượng (áo cam) tập luyện ở Học viện HAGL Arsenal JMG, nên không ngạc nhiên với tố chất kỹ thuật của sao trẻ này. Ảnh: Lâm Thỏa.
Hơn một năm ăn tập tại Hàm Rồng, Lee Nguyễn rất ấn tượng với phẩm chất kỹ thuật của lứa gà nòi của bầu Đức.

Lee Nguyễn đến HAGL vào ngày 18/1/2009 và rời khỏi đội bóng phố núi ngày 22/2/2010, tức là có 13 tháng sống cùng các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG tại trung tâm Hàm Rồng. Lúc này, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã tập luyện cùng HLV Guillaume Graechen được gần ba năm.

Năm 2014, nhân lúc rảnh rỗi trong thời gian về Dallas (Mỹ) nghỉ ngơi, Lee Nguyễn cùng cha anh, ông Nguyễn Văn Phẩm, có xem vài trận tuyển U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa HAGL Arsenal JMG, thi đấu các giải khác nhau. Ấn tượng đầu tiên của Lee Nguyễn về các cầu thủ này là kỹ thuật cá nhân điêu luyện, nhưng anh không hề ngạc nhiên.

"Tôi nói điều này để mọi người dễ hình dung. Năm 13 tuổi khi trúng tuyển đội U13 Dallas Texans cho đến khi rời Texans năm 18 tuổi, chúng tôi chỉ được dạy một tuần hai buổi và mỗi buổi hai tiếng mà thôi, buổi còn lại vào cuối tuần chúng tôi đi thi đấu, trong ba tháng liền. Mỗi năm có hai mùa thi đấu. Ngược lại, các cầu thủ HAGL JMG lại tập luyện một tuần sáu buổi suốt gần bảy năm ròng, đương nhiên kỹ thuật của các em phải rất điêu luyện. Điều khác biệt là ở Mỹ, chúng tôi được thi đấu từ nhỏ còn ở Học viện HAGL Arsenal JMG thì không", Lee Nguyễn lý giải.

Ông Nguyễn Văn Phẩm, với vốn kinh nghiệm từ khi dạy con trai đá bóng lúc nhỏ cho đến đích thân đi tìm thầy dạy bóng đá cho Lee Nguyễn sau này, cũng cho biết có nhiều khác biệt căn bản giữa cách đào tạo bên Mỹ và Việt Nam cũng như HAGL Arsenal JMG.

"Ở Mỹ, các đội bóng trẻ không tuyển quân kiểu nuôi tập trung như ở Việt Nam, mà họ cho cầu thủ trẻ sống cùng gia đình, cứ đến buổi tập là cha mẹ chở đến hay các em đón xe tự đến đội tập, sau đó lại về nhà. Đối với các cầu thủ nhí ở địa phương khác đến, CLB sẽ khuyến khích các phụ huynh của cầu thủ nhí bản địa nhận nuôi em đó trong nhà, hoặc tìm một gia đình bảo trợ để nuôi em đó trong suốt quá trình đào tạo. Mục đích của việc này là giúp các em nhỏ không bị thiệt thòi vì thiếu thốn tình cảm, sự chỉ bảo từ cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này. Kế nữa là rèn tính ý thức giờ giấc và kỷ luật một cách tự giác cho cầu thủ trẻ", ông Phẩm chia sẻ.

Ông sau đó lý giải thêm về việc vì sao bóng đá Mỹ ít chú trọng đào tạo kỹ thuật: “Tại Dallas Texans, tuy tiếng là CLB trẻ nổi tiếng ở Mỹ, các thầy cũng chỉ tập cầu thủ mỗi tuần hai buổi nên không có thời gian mà uốn nắn hay dạy kỹ thuật cá nhân. Họ chỉ chú trọng dạy cầu thủ chiến thuật, cách phối hợp đồng đội, chạy chỗ như thế nào đúng và tại sao lại trật. Chuyện rèn kỹ thuật cá nhân thì mỗi cầu thủ phải tự rèn luyện thêm, hoặc nhờ thầy tư phụ đạo. Với Lee, lúc mới 12 tuổi, tôi đã đưa cháu đến lớp của HLV Theodore, cầu thủ cùng thời với Pele ở Santos, học mỗi tuần hai buổi. Bản thân tôi, khi rảnh rỗi, cũng phải ra sân để dợt cho Lee những động tác kỹ thuật cơ bản. Đó là sự kết hợp giữa ý chí cá nhân cầu thủ phải phấn đấu và tinh thần tập thể đồng đội".

Lee Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm với Công Phượng ảnh 1

Ngôi sao gốc Việt cho rằng bên cạnh kỹ thuật, các cầu thủ trẻ còn cần nhiều phẩm chất khác để có thể cạnh tranh được trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Ảnh: Đức Đồng.

Lee Nguyễn, bên cạnh việc thi đấu cho Dallas Texans, còn tập luyện và thi đấu cho đội bóng Trung học East Plano Senior tại Dallas. Như vậy, dù thời lượng tập luyện ít hơn hẳn các cầu thủ HAGL Arsenal JMG và kỹ thuật cá nhân không bằng, các cầu thủ nhí ở Mỹ lại có kinh nghiệm chơi bóng, va chạm thực tế và ý thức chiến thuật rất cao.

Lee Nguyễn (Nguyễn Thế Anh) sinh ngày 7/10/1986 tại Texas là một cầu thủ bóng đá người Mỹ gốc Việt. Năm 2004, anh chơi cho câu lạc bộ bóng đá Dallas Texans và được bầu là Cầu thủ trung học hay nhất nước Mỹ. Năm 2005, Lee Nguyễn gia nhập đội bóng đá của trường Đại học Indiana và được bầu là Cầu thủ sinh viên hay nhất nước Mỹ. Cùng năm đó, Lee Nguyễn vào đội tuyển bóng đá quốc gia U20 Mỹ tham dự giải vô địch bóng đá trẻ thế giới ở Hà Lan.

Hai năm sau, vào tháng 6/2007, Lee Nguyễn được gọi vào đội tuyển quốc gia, thi đấu bốn trận. Sau một thời gian thi đấu ở châu Âu, năm 2009 Lee Nguyễn về Việt Nam khoác áo Hoàng Anh Gia Lai rồi Bình Dương nhưng không thành công. Từ năm 2012 Lee Nguyễn trở về giải bóng đá Mỹ và thi đấu cho New England Revolution. Mùa trước anh là một trong những cầu thủ hay nhất giải. Đầu năm 2015, Lee Nguyễn được gọi trở lại đội tuyển Mỹ.

Lee Nguyễn nói: "Tôi rất thích cách chơi bóng của cầu thủ HAGL Arsenal JMG vì nó giống phong cách của tôi là cầm bóng, dẫn bóng và qua người. Các em rất tự tin ở điều này vì được tập luyện nhiều năm với quả bóng. Cầu thủ thi đấu đỉnh cao là phải có kỹ năng cầm bóng, kể cả hậu vệ, và đây là điều tôi thấy HAGL Arsenal JMG làm rất giỏi. Tuy nhiên, trong bóng đá thì có rất nhiều phong cách chơi bóng khác nhau nên các cầu thủ phải thích nghi được hết”.

Về câu chuyện cầu thủ trẻ xuất ngoại như Công Phượng, Lee Nguyễn là một ví dụ điển hình khi sang PSV Eindhoven lúc vừa qua 18 tuổi. "Cuộc sống ở châu Âu rất khác biệt, từ cuộc sống, ngôn ngữ đến bóng đá, nhưng tôi phải tự lập tất cả dù ở tuổi teen. Tại PSV, cạnh tranh vị trí khốc liệt, áp lực từ đồng đội lẫn HLV vô cùng lớn. Bạn phải thích nghi và vượt qua được nếu không muốn thất bại. Tôi không hối tiếc gì về thời gian ở PSV, vì ở đó tôi học được quá nhiều điều từ những cầu thủ đẳng cấp như Philipp Cocu, Alex, Farfan. Nhưng nếu cần một lời khuyên cho các đàn em, tôi nghĩ họ không cần phải vội vàng. Cứ chơi một hoặc hai mùa ở trong nước, rồi đi nước ngoài cũng tốt, khi bạn đã cứng cáp và có thể học hỏi được nhiều thứ".

Ông Phẩm chia sẻ theem: "Sau này, nhiều người nói Lee sang PSV sớm là sai lầm,  nhưng thời điểm đó chúng tôi không có lựa chọn khác. Ở Mỹ, chẳng ai có kinh nghiệm về chuyện này để tôi xin lời khuyên, trong khi danh tiếng PSV lẫn HLV Guus Hiddink quá lớn, làm sao từ chối được. Tôi vẫn nghĩ đời cầu thủ, nếu gặp HLV phù hợp hay có những may mắn thì tỏa sáng, còn không gặp xui rủi, chấn thương dễ tàn lụn. Bóng đá nhà nghề vô cùng khắc nghiệt".

Đã có nhiều cầu thủ trẻ của Mỹ tỏa sáng ở MLS rồi sang châu Âu thử sức. Nhưng sau đó, rất nhiều người phải quay về vì không thích nghi nổi. Break Shea (sinh năm 1992), đàn em của Lee Nguyễn ở Dallas Texans, đá cho FC Dallas và tuyển Mỹ rồi sang Stoke City nhưng sau hai năm phải về đá cho Orlando City. Tiền đạo Juan Agudelo, đồng đội của Lee Nguyễn tại New England, cũng từng sang Stoke City và FC Utrecht (Hà Lan) năm 2014. Lee Nguyễn đúc kết: "Để đá được ở châu Âu, ngoài tài năng bạn cần phải có vận may nữa".

Lee Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm với Công Phượng ảnh 2

Chật hòa nhập với cuộc sống mới và không thể giữ chỗ đứng ở PSV, nhưng Lee Nguyễn vẫn xem thời gian chơi bóng ở châu Âu là một trải nghiệm quý giá cho bản thân trên bước đường sự nghiệp về sau. Ảnh: MLS Soccer.

Dẫu vậy, Lee Nguyễn nói rằng anh vẫn may mắn hơn bạn bè cùng lứa: "Ở Dallas Texans năm 2005, có bốn cầu thủ được chọn vào tuyển U20 Mỹ, nhưng chỉ có tôi sau đó được đi châu Âu rồi sau đó đá cho tuyển Mỹ ở Copa America 2007. Trong các đồng đội của tôi ở tuyển U20 Mỹ năm 2005 đá giải thế giới tại Hà Lan, rất nhiều bạn giỏi nhưng giờ chẳng còn mấy người chơi tại MLS".

Tiền vệ New England Revolution tiết lộ, năm ngoái, hai CLB Nhật Bản ở J-League 2 đã liên hệ với anh và đề nghị mức lương năm dao động từ 60.000 – 120.000 đôla nhưng anh từ chối. "Đá bóng ở Nhật Bản là điều tuyệt vời nhưng tôi muốn đá ở giải J-League 1, chứ không phải J-League 2", Lee Nguyễn nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.