Lê Tự Quốc Thắng, niềm tự hào của Toán học Việt Nam

GS Lê Tự Quốc Thắng.
GS Lê Tự Quốc Thắng.
Giành huy chương vàng IMO 1982, Lê Tự Quốc Thắng hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về topo vi phân, đa tạp 3 chiều.

Lê Tự Quốc Thắng giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1982 với điểm tuyệt đối 42/42. Trước đó một năm, anh lọt vào top 4 học sinh giỏi nhất quốc gia, nhưng năm 1981 Việt Nam không tham dự IMO. Thay vào đó, Bộ Giáo dục tổ chức hội nghị bồi dưỡng học sinh giỏi ở Huế và có một cuộc thi đặc biệt dành cho học sinh xuất sắc. Lê Tự Quốc Thắng dẫn đầu.

Anh Quốc Thắng sinh năm 1965 ở Huế, trong gia đình có truyền thống toán học. Cha anh - ông Lê Tự Hỷ - từng là giảng viên toán tại Đại học Huế. Mẹ anh - bà Đinh Thị Quý Hương - từng là giáo viên toán cấp 3 ở Huế. Anh trai Lê Tự Quốc Hùng từng là giảng viên chuyên ngành Toán - Tin tại Đại học Wroclaw (Ba Lan). Truyền thống gia đình, ước muốn của cha cùng với sự đam mê của bản thân đã chắp cánh cho Lê Tự Quốc Thắng quyết định gắn bó với toán.

Với huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1982, anh được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU - Liên Xô cũ), một trong những trung tâm toán học tốt nhất thời bấy giờ. Mới hết năm học thứ nhất, Quốc Thắng đã học rất nhiều kiến thức của các năm sau đó. 

Khi bạn bè còn đang vật lộn với đại số tuyến tính, hình học giải tích thì anh đã nói về topo, giải tích hàm, hình học vi phân. Đặc biệt, anh có kiểu giải toán không cần dùng giấy. Trong 8 năm học tại Liên Xô, anh đã 2 lần đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học của trường.

Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, anh bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành toán hình học topo dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ nổi tiếng Sergei Novikov năm 1991. Đầu năm 1992, anh công tác tại Viện Toán học Steklov, Nga. 

Sau nhiều năm công tác ở các viện và đại học danh tiếng như Viện Toán học Max - Planck (Đức), Viện Vật lý lý thuyết Trieste (Italy), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Viện nghiên cứu khoa học Toán (Berkeley, California, Mỹ), Lê Tự Quốc Thắng về Đại học Buffalo (Mỹ), là phó giáo sư từ 1999 đến 2003.

Từ năm 2004, anh là giáo sư của Học viện Công nghệ Georgia (một trong 5 trường mạnh nhất nước Mỹ về các ngành kỹ thuật). Chuyên ngành của anh là topo vi phân, đa tạp chiều thấp và quasi-crystals.

Điểm đặc biệt ở Lê Tự Quốc Thắng là làm gì cũng muốn tốt nhất. Vì thế, khi chọn thầy hướng dẫn, anh chọn viện sĩ S. P. Novikov, một trong những nhà toán học nổi danh nhất Liên Xô thời đó. Thầy rất khắt khe khi chọn học trò và chọn rồi cũng yêu cầu rất cao. Sau nhiều vòng phỏng vấn, viện sĩ Novikov đã nhận Thắng và sau này ông biết mình không lầm.

Năm 1995, anh cùng hai nhà khoa học người Nhật phát minh ra bất biến lượng tử mang tên Le - Murakami - Ohtsuki, mở ra hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều. Anh cũng là thành viên của hội đồng tác giả cuốn Encyclopedia of Mathematical Physics (Bách khoa toàn thư về toán lý) do nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) ấn hành, xuất bản năm 2006. Các tạp chí quốc tế, trong đó có Inventiones Mathematicae, Uspekhi Mat. Nauk, Adv. Math đều đăng hàng trăm bài báo của anh.

Hiện nay, anh là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về topo vi phân, đa tạp 3 chiều, lý thuyết nút và quasicrystal; là thành viên Ban biên tập của các tạp chí The Journal of Knot Theory and its Ramifications và Acta Mathematica Vietnamica, Trưởng ban biên tập của Quantum Topology.

Tuy sống và làm việc ở nhiều nước như Đức, Italy, Nhật, Pháp, Mỹ và từ năm 2004 trở thành giáo sư chính thức của Viện công nghệ Georgia (Mỹ), nhưng Lê Tự Quốc Thắng vẫn luôn dành tình cảm cho quê hương. Anh dìu dắt nhiều học trò Việt Nam thành tài. Trong số đó có TS Huỳnh Quang Vũ, nay là Phó trưởng khoa Toán - Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. 

Năm 2007, anh cùng với nhiều nhà toán học Việt Nam từng dự thi toán quốc tế dùng nguồn kinh phí riêng để về tham dự thành phần Ban giám khảo kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam. Điều này góp phần tạo nên một trong những cuộc thi có chất lượng chuyên môn tốt nhất lịch sử IMO và một cuộc hội ngộ quy mô của các cựu IMO Việt Nam. 

Sau 2007, hàng năm anh đều về nước để tổ chức hội nghị hay giảng bài ở Viện Toán, Viện Toán cao cấp và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu toán học ở Việt Nam.

Anh cũng viết bài cho Epsilon (tạp chí online của cộng đồng những người yêu Toán Việt Nam), gửi tài liệu toán Olympic, phỏng vấn các huấn luyện viên và học sinh đội tuyển Mỹ để viết bài về cách thức huấn luyện, tuyển chọn đội tuyển của Mỹ, từ đó giúp Việt Nam rất nhiều về định hướng và kinh nghiệm tổ chức. 

Ngoài niềm đam mê cho toán học, Lê Tự Quốc Thắng còn rất mê du lịch và đặc biệt là chụp ảnh. Hầu như tất cả bức ảnh của thành viên khoa Toán - Cơ thời kỳ 1983-1992 đều do anh chụp. Các môn thể thao, môn nào anh cũng chơi được, nhưng xuất sắc vẫn là cầu lông. Anh biết chơi đàn guitar classic, nhưng bạn bè nhận xét “Thắng chơi đàn như một nhà khoa học, rất đúng quy cách, nhưng không hấp dẫn như Khánh Trình”.

Thời còn học đại học, khi video và trò chơi điện tử xuất hiện ở Việt Nam, sau đó du nhập sang Nga thì anh là một trong những tín đồ của games và phim chưởng. Có hai trò chơi nổi tiếng nhất lúc đó là Xếp gạch (tetris) và Bắn tăng (Battle city) đã được anh và các bạn chơi nhuần nhuyễn. 

Lê Tự Quốc Thắng cũng là kỷ lục gia Việt Nam về trò xoay cubic rubik truyền thống ở thập kỷ 80. 

TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM
Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG