Lê Thành Nhơn với đất thiêng nghệ thuật Huế

Lê Thành Nhơn với đất thiêng nghệ thuật Huế
TP - Một phòng trưng bày tác phẩm, kỷ vật và tọa đàm về cuộc đời, sự nghiệp của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn được tổ chức ngày 4-11 nhân 10 năm ngày mất của ông.

> 'Cô gái Việt Nam' về với Huế

Lê Thành Nhơn sinh 1940 tại Thủ Dầu Một; tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963; từ 1964 là giảng viên ngành điêu khắc tại nhiều trường nghệ thuật từ Sài Gòn ra Huế.

Ông góp phần đào tạo nhiều điêu khắc gia ở Huế, được bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học sinh tôn vinh là người thầy tận tụy, tấm gương lao động nghệ thuật.

Ông thiên về những tác phẩm đồ sộ, hoành tráng. Như pho tượng Phật bằng xi măng trắng cao 6m, dựng ở chùa Huệ Nghiêm (TPHCM); chân dung cụ Phan Thanh Giản cao 4,5m; chân dung Quan Thế Âm chất liệu đồng, cao 1,6m, đặt ở Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán (Huế)...

Sau 1975 Lê Thành Nhơn nổi tiếng ở Australia nơi ông định cư, và ở Pháp, Đức, Mỹ... với hơn 10 cuộc triển lãm và nhiều tác phẩm độc đáo.

Tác phẩm Phật Thiền tọa (1987) bằng đồng, đường nét tạo khối đơn giản nhưng hiện đại, thanh thoát thể hiện sinh động từ nếp áo đến gương mặt từ hòa, bình dị.

Tác phẩm Phật Thiền tọa cùng lọ gốm men gương, một số bức sơn dầu của Lê Thành Nhơn được đưa vào trưng bày thường trực tại Bảo tàng quốc gia Australia.

Tượng đồng Đức Mẹ được tôn trí ở nhà thờ cộng đồng công giáo Việt Nam tại Melborne. Tượng đồng Niềm hân hoan dựng ở công viên đại học Monash.

Ông để lại khá nhiều tác phẩm hội họa giàu tính triết lý, nhân sinh và kinh dịch như Xoắn ốc, Con sò, Chiếc áo quàn, Mùa đông, Hướng mặt trời lặn.

Đặc biệt bộ tranh trừu tượng Đất, Nước, Lửa, Gió thể hiện sinh động quan niệm vũ trụ trong hiện tượng thiên nhiên.

Hoạ sĩ Vĩnh Phối nhận xét: Xuất phát từ kinh dịch ngũ hành nhưng Lê Thành Nhơn không đề cập kim mà lấy gió tượng trưng cho mộc cùng với đất, nước, lửa.

Nghệ thuật tạo hình của Lê Thành Nhơn giàu triết lý và nhân văn, tổng hợp nhiều tư tưởng phương Đông tiềm ẩn trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Nhóm tượng Sinh, Lão, Bệnh, Tử là một cách biểu hiện tính nhân văn theo tư tưởng Phật giáo. Đặc biệt ở Lê Thành Nhơn có cái nhìn rất khoáng đạt về tôn giáo.

Sinh ra lớn lên ở miền Nam nhưng Lê Thành Nhơn “như đã có một tiền kiếp với Huế”.

Sinh thời, tâm sự với bằng hữu, Lê Thành Nhơn gọi Huế là đất thiêng của nghệ thuật. Thời gian ở Huế tuy ngắn (5 năm) nhưng là thời gian đẹp nhất, để lại những tác phẩm tâm đắc nhất. Như tượng đồng chân dung Phan Bội Châu, ra đời trong phong trào đô thị miền Nam những năm 1972 - 1974.

Pho tượng miêu tả được thần thái của một nhà chí sĩ yêu nước. Nét mặt đầy khí tiết của một sĩ phu trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Hai bên là hai mảng phù điêu; mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức tù đày của chế độ thực dân; mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình, hạnh phúc.

Trước 1975, tượng Phan Bội Châu và tượng Quán Thế Âm được xem là hai di vật, hai món quà tặng của Lê Thành Nhơn đối với Huế. Những năm tháng cuối cùng ông tặng Huế tác phẩm Chân dung thiếu nữ - còn có tên khác là Cô gái Việt Nam (xi măng trắng, cao 2,8m).

Pho tượng này tạc năm 1970 ở Sài Gòn. Năm 2002 Lê Thành Nhơn ký thác cho bạn bè tìm cách đưa pho tượng về Huế. Và quà tặng thứ ba dành cho Huế của ông được đưa về Huế nhân dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2011.

Cả ba tác phẩm tiêu biểu của Lê Thành Nhơn dành cho Huế đều được dựng bên bờ sông Hương, ở những vị trí trang trọng nhất. Đó là một ứng xử văn hoá với một người nghệ sĩ có nhiều duyên nợ với Huế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.