- Ra ba album "Khúc tình xưa", đến giờ chị cảm nhận khả năng hát dòng nhạc bolero của mình thế nào?
- Khi còn rất nhỏ, tôi đã thấm nhuần các ca khúc trữ tình, cải lương, chèo và chầu văn vì bố mẹ và người thân thường nghe những thể loại này. Năm 8-9 tuổi, tôi có thể hát trọn vẹn một trích đoạn cải lương và thuộc lòng các bản bolero mà tôi ra album từ trước đến giờ. Với những gì đã ăn sâu trong máu và sự am hiểu, tôi thấy mình có sự tự tin nhất định khi hát dòng nhạc này. Tuy nhiên, tôi phải mất một thời gian dài để hát sao cho điêu luyện và cảm xúc hơn.
- Trong "Khúc tình xưa 3" mới phát hành, chất giọng của chị không còn trong trẻo như hai album trước. Điều gì đã làm nên sự thay đổi này?
- Nếu nghe kỹ, khán giả có thể nhận ra độ trong của giọng hát ở "Khúc tình xưa 3" không còn như cách đây 5 năm. Từ khi có con, chất giọng của tôi khác xưa. Không biết những người khác thế nào, riêng tôi, một trong những điều thay đổi lớn nhất sau khi sinh con chính là giọng khàn hơn trước. Bù lại, giọng hát của tôi có sự đằm thắm, điêu luyện và thong dong hơn. Tôi thấy mình thể hiện không còn bị căng cứng như album đầu tiên, thu âm cách đây bốn năm.
- Không ít ca sĩ chuyển sang hát dòng nhạc xưa nhưng không thành công. Chị thấy con đường mình chọn thế nào?
- Tôi là người yêu nhạc xưa và nó dường như ngấm vào máu. Với tôi không phải ai muốn hát nhạc xưa cũng được. Tôi khẳng định một điều là, không phải ca sĩ nào hát điêu luyện, hát hay đều có thể hát được nhạc xưa. Dù họ có kỹ năng hát tất cả dòng nhạc như jazz, blue, cổ điển... nếu không yêu và có khả năng bẩm sinh thì cũng không hát được. Bolero là thể loại khó hát. Tôi lấy ví dụ, nếu giọng khàn, tôi hát nhạc trẻ không ai nhận ra nhưng nếu hát nhạc xưa thì ngay lập tức bị lòi ra ngay. Chỉ cần độ luyến láy chưa đủ, khi nghe sẽ thấy bấp bênh.
- Chị cảm nhận tình cảm khán giả dành cho mình ra sao từ khi chuyển sang dòng nhạc này?
- Tôi được khán giả yêu thích nhiều hơn. Ngày xưa, khán giả của tôi chủ yếu ở phía Bắc và Nam. Hiện nay, khán giả của tôi dàn trải khắp nơi. Những nơi tôi chưa lần nào đến như miền Tây cũng có nhiều người yêu mến tôi. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ thu xếp chương trình biểu diễn ở mảnh đất này.
Lệ Quyên tâm sự cô đã làm quen với dòng nhạc bolero từ năm 8-9 tuổi.
- Chị gặp khó khăn gì khi thực hiện các album nhạc xưa?
- Tôi nghĩ mình phải làm cho nó mới mẻ nhưng không làm mất đi tính truyền thống vốn có, sự hoà quyện giữa mới và cũ phải hài hòa và hợp lý. Bản thân mỗi ca sĩ vô hình trung bị ảnh hưởng bởi cách thể hiện của ca sĩ đi trước cho nên người hát sau phải thoát ra khỏi cái cũ đó. Nếu mình lặp lại lối mòn thì chắc chắn sẽ không bao giờ được đón nhận và thành công.
Khi hát nhạc xưa, việc đầu tiên là tôi thay đổi cột hơi để xử lý mỗi ca khúc thật cẩn thận. Tôi phải nắn nón từng câu chữ chứ không hát một cách phóng túng giống như trong nhạc trẻ. Các kỹ năng ca hát được lồng ghép khéo léo mà không bộc lộ lộ liễu bởi vì như thế sẽ mất đi sự gần gũi của dòng nhạc này.
- Chị đánh giá thế nào về sức sống của dòng nhạc borelo hiện nay?
- Khi tôi đến những quán cà phê "sang chảnh", hay quán vỉa hè, tôi đều thấy mọi người nghe nhạc trữ tình. Những người tài xế, công nhân hay thậm chí công chức nhà nước đều yêu thích nó. Không chỉ riêng bản thân tôi mà nhiều khán giả trẻ hiện nay bị ảnh hưởng một cách vô thức khi nghe dòng nhạc này khắp nơi. Nhạc thì không có phân biệt sang hay sến. Tôi hy vọng dòng nhạc xưa sẽ thịnh hơn thời hoàng kim của nó.