Đến giờ phút này, gần 2 tuần kể từ khi trường nhận được thông tin một giáo viên có kết quả mắc COVID-19, tôi vẫn chưa hết hồi hộp, tim đập nhanh vì quá áp lực. Khi đó, tôi bật khóc vì trường có đến hơn 1.800 học sinh. Nếu các em cũng nhiễm bệnh, sẽ ra sao. Đầu óc tôi quay cuồng nhưng cũng phải trấn an để tổ chức họp ngay ban giám hiệu để triển khai các bước tiếp theo”, cô Thủy nhớ lại.
Kết quả, có thêm 3 giáo viên mắc COVID-19. Học sinh, giáo viên của trường hoảng sợ vì giáo viên thể dục dạy rất nhiều lớp. Thậm chí, khi hay tin, một vài phụ huynh đã đến trường bắt đền thầy cô vì chính giáo viên đã “đưa” dịch về trường khiến con họ có nguy cơ mắc bệnh. Khi được giải thích, động viên, họ dần hiểu ra và chấp nhận cùng nhà trường xét nghiệm COVID-19 cho học sinh. “Điều may mắn nhất là hơn 1.800 học sinh nhưng không có em nào nhiễm bệnh. Có lẽ, có được may mắn này là do trước đó, trường tuân thủ quy tắc 5K, nhất là giáo viên, học sinh đều phải đeo khẩu trang trong quá trình dạy học”, cô Thủy nói.
Trắng đêm rà soát, nhà trường trở thành khu cách ly F1 của 15 giáo viên; 24 học sinh được cách ly tại dãy nhà trọ gần trường. Qua tuần đầu tiên, giáo viên trong khu cách ly phân công nhau dọn vệ sinh trường học, cắt tỉa cây cảnh, chăm sóc vườn hoa và bắt đầu dạy học trực tuyến. Đến nay, học sinh thích ứng nhanh khi chuyển sang học trực tuyến, giáo viên là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
“Ngày Nhà giáo năm nay rất đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, trường sẽ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến để học sinh gửi lời chúc mừng tới những người thầy, người cô dìu dắt nhiều năm”, cô Thủy nói. Trong giai đoạn khó khăn đó, thầy cô nhận được những lời yêu thương, những hi vọng về ngày trở lại trường. Đó chính là lời tri ân sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất với những người mang sứ mệnh “trồng người”.
Bật khóc trong khu cách ly
Trong hơn 20 năm làm nghề giáo, năm nay là lần đầu tiên TS Nguyễn Gia Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Albert Einstein (Hà Tĩnh) tổ chức lễ 20/11 để chia sẻ, động viên thầy cô trong chính khu cách ly. Tất cả giáo viên mặc trang phục bảo hộ, ngồi giãn cách, nghe những lời chúc mừng, tri ân từ thầy hiệu trưởng. Không khí và không gian đặc biệt ấy khiến nhiều cô giáo cảm động, bật khóc.
Trước đó, qua rà soát, có 70 giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng vào khu cách ly để chăm sóc con. “Điều mình xúc động nhất là ngoài những giáo viên F1, có nhiều cô thầy đã xung phong tình nguyện ở lại khu cách ly để chăm sóc học sinh vì các em còn nhỏ, chưa tự lo được cho bản thân. Trong đó, giáo viên có nhiều hoàn cảnh éo le. Có cô giáo con mới 7 tháng, 10 tháng tuổi, mẹ ở khu cách ly phải vắt sữa đổ đi, con ở nhà khóc đòi mẹ. Cũng có người phải nuôi bố ốm liệt giường nhưng đành chịu hay có cô chỉ 2 tuần nữa đến ngày sinh em bé cũng phải ở lại trường”, thầy Việt nói.
Tất cả giáo viên mặc trang phục bảo hộ, ngồi giãn cách, nghe những lời chúc mừng, tri ân từ thầy hiệu trưởng. Không khí và không gian đặc biệt ấy khiến nhiều cô giáo cảm động, bật khóc.
Hôm nhận tin học sinh của trường mắc COVID-19, với vai trò hiệu trưởng, thầy Việt không khỏi cảm thấy lo lắng, áp lực. Ban giám hiệu có 4 người, cần 1 người ở ngoài để chạy việc, còn lại 3 người đều ở lại khu cách ly cùng thầy cô, học sinh để hỗ trợ lẫn nhau. Sau khi xét nghiệm, lần lượt có 4 học sinh và 1 giáo viên mắc COVID-19 được chuyển đi điều trị, số còn lại đều có kết quả âm tính. Qua những hoang mang, bối rối ban đầu, thầy trò đã tổ chức dạy học trong khu cách ly để học sinh vào nề nếp và đỡ nhàm chán.
Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Qúy Đôn, huyện Trực Ninh, Nam Định, tâm sự, thầy thương học sinh đến bật khóc khi hay tin có học sinh mắc COVID-19. Khi đó, để chuẩn bị cho 61 thầy cô, học sinh phải đi cách ly tập trung, thầy Đằng thức đến 1-2 giờ sáng để viết tâm thư kịp gửi đi động viên thầy và trò.
“Động viên các con, khó khăn cho ta kinh nghiệm, nghịch cảnh cho ta môi trường để rèn luyện bản lĩnh, người có ý chí luôn dám đương đầu với mọi thử thách, luôn bền gan vững chí trước mọi sóng to, gió lớn, thế nhưng trong lòng người thầy như tôi lại vô cùng lo lắng, áp lực. Những ngày sau đó, thầy cô thay nhau quan tâm, lo lắng cho học sinh trong khu cách ly, an ủi học sinh điều trị trong bệnh viện để các em bình tĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn”, thầy Đằng nói.