Sáng kiến chăm sóc bệnh nhân
Võ Thị Văn Minh (SN 2000) là sinh viên lớp Điều dưỡng K15, Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Lâm Đồng. Gần nửa năm nay, nữ sinh quê Gia Lai này trở thành chiến sĩ chống COVID-19 và hỗ trợ những người gặp khó khăn tại khu cách ly, vùng dịch ở Lâm Đồng, Bình Dương. Những ngày tháng 10 này, Minh vẫn miệt mài tình nguyện kiểm soát, phòng chống dịch ở Đà Lạt mà cô đánh giá “nhẹ nhàng hơn nhiều” so với đợt tăng cường, làm nhiệm vụ ở khu cách ly Trường Tiểu học Phú Long, TP Thuận An, Bình Dương.
Minh cho biết, giữa tháng 7, cô viết đơn tình nguyện đăng ký ngay khi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm về tổ chức đội hình tăng cường chống dịch ở Bình Dương. Khu cách ly ở Trường Tiểu học Phú Long có một bác sĩ và năm tình nguyện có kiến thức về y tế, trong đó cô và một tình nguyện viên nữa học năm thứ ba. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân, người thuộc diện cách ly gần 500.
Võ Thị Văn Minh là nữ sinh năng động của Trường Đại học Yersin Đà Lạt Ảnh: NVCC |
Ngày làm việc của các tình nguyện viên bắt đầu từ sớm tinh mơ, gồm đưa cơm đến các phòng cách ly, hỗ trợ làm thuốc, chăm sóc bệnh nhân, tiếp nhận các trường hợp vào cách ly, kiểm tra sức khỏe, phun khử khuẩn... Họ đã quen bữa cơm lệch giờ, ngủ không đủ giấc hay thức trắng đêm để chăm sóc bệnh nhân...
Những ngày chăm bệnh nhân ở khu cách ly, Minh có sáng kiến đo chỉ số ôxy trong máu, SpO2, trực tuyến, giúp nhân viên y tế chủ động theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt phát hiện sớm những ca bệnh trở nặng để đưa ra hướng điều trị kịp thời. Việc đo SpO2 được tiến hành hai lần/ngày vào lúc 7h và 16h30, mỗi lần đo cả khu hết 2,5 - 3 tiếng đồng hồ. Để đảm bảo các biện pháp 5K trong phòng chống dịch, việc đo được thực hiện lần lượt từng phòng. Mỗi phòng cử người đại diện kết nối liên lạc để thông báo, nhắc người khác lượt đo.
“Dù mất thời gian, nhưng qua việc đo SpO2, chúng tôi đã tầm soát được những người đang có dấu hiệu trở nặng, những người có chỉ số oxy trong máu dưới 94 để chú ý hơn, chủ động can thiệp sớm hơn. Điều này càng hữu ích hơn khi khu cách ly của chúng tôi có nhiều người cao tuổi vốn có các bệnh nền. Qua đó, số lượng ca biến chuyển nặng phải đưa lên tuyến trên giảm nhiều so với khi chưa tiến hành đo; đồng thời khắc phục được việc chỉ có hai máy SpO2”, Minh kể.
Bản lĩnh “thép”
Cũng trong những ngày làm nhiệm vụ tại Bình Dương, Minh còn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “thép”, khi bất đắc dĩ trở thành người đứng đầu về chuyên môn y tế ở khu cách ly. Lúc đó, bác sĩ chính của khu cách ly mắc COVID-19 phải lên bệnh viện để điều trị. Minh đã nhanh chóng chuyển vai từ phụ tá thành người trực tiếp thực hiện y lệnh điều trị, chuyển tuyến và thủ tục hành chính... với sự hỗ trợ, tham vấn từ xa của y bác sĩ tuyến trên.
Cô tâm sự: “Lúc đầu, tôi thấy bối rối, sợ mình không làm được, nhưng đã tự động viên bản thân sẽ làm được vì là sinh viên y khoa, có gần nửa tháng sát cánh bên bác sĩ trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở khu cách ly, nên hiểu rõ các bước kiểm tra chẩn bệnh, các bước xử lý”.
Người bất ngờ nhất khi Minh và các tình nguyện viên "đóng thế" trơn tru là bác sĩ chính của khu cách ly. “Thời gian đầu, anh bác sỹ này nghĩ chúng tôi xuống tình nguyện chỉ hỗ trợ những công việc hậu cần như phát cơm, phun khử khuẩn... và chưa tin tưởng giao việc. Tôi là người đã “la” với bác sĩ rằng, sao anh cứ ôm nhiều việc như vậy mà không chia sẻ. Dần dần tôi đã tham gia hỗ trợ trong việc cắt thuốc, chăm sóc bệnh nhân”, cô kể.
Cũng trong khoảng thời gian khu cách ly vắng bác sĩ chính, Minh đã xử trí những tình huống khẩn cấp. Trong đó, có trường hợp nữ bệnh nhân F0 bị trầm cảm sau sinh (con nhỏ 6 tháng tuổi cũng mắc COVID-19) định tự tử. Việc con nhỏ ốm, quấy khóc khiến tâm lý người mẹ càng thêm kích động, và có tới ba lần nghĩ quẩn. Cùng với sự hỗ trợ của các bệnh nhân khác, Minh đã kịp thời trấn an tinh thần người mẹ và chăm sóc y tế, dỗ dành cháu nhỏ. Bên cạnh đó, có những lần cô phải “nuốt nước mắt vào trong” kiên quyết từ chối và thuyết phục những bệnh nhân điều trị trong khu cách ly muốn về nhà chịu tang người thân khi khăng khăng đòi về.
Minh nghẹn ngào: “Giờ nhìn lại quãng thời gian hơn một tháng tình nguyện tại Bình Dương, tôi không ngờ có thể cứng cỏi vậy khi đối diện với những khoảnh khắc chưa từng gặp khi thực tập, tập huấn, thậm chí chưa từng nghĩ đến. Tôi chẳng thể nào quên được giây phút bệnh nhân mất trước mặt mình, tự tay mình khâm liệm, chuyển lên xe; giây phút gấp gáp đưa bệnh nhân nặng chuyển tuyến...”.
Theo Minh, động lực để cô mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, yếu đuối là khát khao các bệnh nhân F0 khỏi bệnh và mọi người bình an về nhà; những lời động viên nhau của các tình nguyện viên, đồng đội và cả từ những người bệnh. “Kỷ niệm đẹp nhất là ngày được thông báo gần 300 người còn ở khu cách ly đều được về nhà. Ai cũng rất đẹp, ai cũng cười rạng rỡ... và dâng trào nước mắt của niềm hạnh phúc vỡ òa”, Minh nói. Chính điều này tiếp thêm tình yêu với công việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng mà Minh ước mơ từ nhỏ.
Với những đóp góp trong hoạt động tình nguyện phòng chống dịch COVID-19, Võ Thị Văn Minh đã vinh dự nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam trao tặng. Giải thưởng này trở thành dấu ấn mới đối với cô - “Sinh viên 5 tốt” của ĐH Yersin Đà Lạt, đội trưởng CLB Đại sứ sinh viên Yersin Đà Lạt.
Võ Thị Văn Minh là Đội phó Đoàn sinh viên tình nguyện chống dịch của tỉnh Lâm Đồng tại Bình Dương; kiêm Đội trưởng của đội sinh viên tình nguyện chống dịch trường Đại học Yersin Đà Lạt. Cô đã hỗ trợ chăm sóc, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, thực hiện y lệnh thuốc chữa trị… cho 350 - 450 bệnh nhân COVID- 19. Đồng thời, thường xuyên động viên, nhắc nhở các thành viên trong đoàn sinh viên tình nguyện tuân thủ nghiêm ngặt an toàn phòng dịch COVID-19.