Lễ hội vứt tiền

Lễ hội vứt tiền
TP - Nước ta hằng năm có hàng trăm lễ hội truyền thống, tâm linh. Nhưng xét theo một thành tố chung nhất thì vẫn một lễ hội bao trùm. Tạm gọi là hội vứt tiền. Cứ đến hẹn lại vứt. Ở đâu người ta dát vàng lên chùa, còn ở ta, chùa và khu phụ cận dứt khoát phải được “tô điểm” bằng tiền lẻ.

> Lễ hội phản chiếu nhân tâm xã hội
> Bán Ấn tại đền Trần

Cảnh rửa những đồng tiền bị “cúng” xuống đất ở một ngôi chùa vào dịp lễ hội. Ảnh: N.M.Hà
Cảnh rửa những đồng tiền bị “cúng” xuống đất ở một ngôi chùa vào dịp lễ hội. Ảnh: N.M.Hà.
 

Đọc báo thấy du lịch Tết trong nước có tín hiệu khởi sắc, du khách thảnh thơi hơn, ít còn bị bắt chẹt. Vì sao? Chẳng qua người ta đổ xô đến các lễ hội có tính chất tâm linh rồi còn đâu. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta đổ xô đi theo con đường tâm linh, mà thực ra thì vẫn là con đường “xin cho” được thần Phật hóa.

Trong hàng trăm vạn người đi lễ chùa, mấy ai cầu giải thoát, cầu Phật pháp… mà không phải là cầu thành đạt, cầu quan lộc, cầu buôn may bán đắt… Một đồng tiền gọi là công đức họ bỏ ra là để mong thu lại gấp trăm, gấp vạn lần.

Cầu xin những điều tốt đẹp cho bản thân là tâm lý rất bình thường. Hẳn thần Phật từ bi độ lượng cũng sẽ cố hết sức để thỏa mãn những mong nguyện của chúng sinh trong khả năng của các ngài. Vấn đề ở đây là cái cách người ta đi cầu cúng, cách người ta ném những đồng tiền lẻ đi lung tung một cách bất lịch sự.

Cứ mỗi độ đầu năm, các bà các cô lại xôn xao đổi tiền lẻ để đi lễ. Không hiểu sao người ta không tính tổng cộng mỗi đền/chùa sẽ lễ ngần này rồi giữ nguyên tiền chẵn bỏ hòm công đức cho gọn nhỉ?! Hay là rải tiền (lẻ) ở nhiều “cửa”, độ an toàn và hiệu quả sẽ cao hơn. Nhưng mọi người nghĩ sao khi dâng tiền cho thần, Phật lại vứt vạ vứt vật, vứt cả xuống suối, xuống giếng, vứt từ mặt đất vứt lên mái nhà… như thể vứt đi.

Nó có giống như kiểu thách thức: “Này lấy được đồng tiền dù là lẻ của tôi cũng không phải dễ dàng đâu nhé! Các ngài có tay thì tự đi mà lượm nhé…”. Đây là hành động không những khó chấp nhận với thần, Phật mà còn xúc phạm cả… đồng tiền của Nhà nước. Nhưng mà Nhà nước “làm ngơ” không bắt phạt thì cũng chả biết làm sao. Cũng theo tinh thần đó, nếu phong tục cổ truyền khi đưa đám là ném tiền vàng mã dọc đường thì bây giờ người ta ném những tờ tiền thật, mà theo thời giá giờ đã thành tiền nghìn chứ chẳng phải trăm.

Trong các vật phẩm cúng dường lên Phật chỉ mới nghe nói có hương, hoa, đăng, trà, quả, thực… mà chưa thấy có tiền. Mà cúng lễ xong, người đem lộc về hưởng chứ không phải vứt đi. Hành động đặt tiền một cách ngẫu hứng ở bất cứ khe kẽ xó xỉnh nào gần nơi thờ tự đơn giản chỉ là vứt tiền đi. Một đằng vứt tiền đi, một đằng lại mong tiền vào như nước quả là mâu thuẫn.

Theo nguyên lý nhân quả trong đạo Phật, nếu bạn muốn nhận thì hãy làm cho người khác cũng được nhận, tức là bạn phải biết cho. Thế nhưng người ta lại đang thực hành cái kiểu: vứt tiền đi, và bạn sẽ thu về nhiều gấp bội! Tâm lý con người thật càng ngày càng khó hiểu.

Lại nói đến cách cho. Nhìn sang các nước theo đạo Phật trong khu vực, khi thấy một nhà sư đi khất thực, dân chúng sẽ chạy đến, cung kính quỳ lạy và dâng vật thực. Đưa thứ cần thiết đến tận tay người cần nó với cả tấm lòng thành - công đức đó chắc cũng không kém gì cúng tiến những số tiền lớn để “tô tượng đúc chuông”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG