Lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân
TP - Ngày 21-2, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến Huế dự Lễ hội đền Huyền Trân. Lễ hội tổ chức trong hai ngày mồng 8 và 9 tháng Giêng (21 và 22-2).
Lễ hội đền Huyền Trân ảnh 1
Các đoàn đại biểu vào dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa - Ảnh: Thanh Tùng

Mở đầu lễ hội là đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, diễn ra ở phía trước đền thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, do Giáo hội PGVN tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì.

Buổi chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đã tham dự Hội thảo Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc, do Hội KHLS Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Phụ nữ - Hội LHPN Việt Nam- tổ chức.

Khi đến thăm đền thờ Huyền Trân, bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước để lại lưu bút: Có những vấn đề của Phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ, mà sự hy sinh của Huyền Trân Công Chúa là một thực tế.

Năm 1306, Huyền Trân Công Chúa đã thu về cho Đại Việt đất Châu Ô và Châu Lý, làm tiền đề, bàn đạp cho người Việt mở mang bờ cõi về phía nam. Khắp nơi trên mảnh đất Thuận Quảng người người biết ơn bà, nhân dân nhiều địa phương lập miếu thờ Huyền Trân Công Chúa.

Sau khi vua Chế Mân băng hà, Huyền Trân Công Chúa về lại kinh thành Thăng Long rồi xuất gia tu hành nơi cửa Phật. Bà viên tịch ngày mồng 9 tháng Giêng năm 1340, sau 34 năm cống hiến cho dân tộc và đạo pháp.

Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) trị vì Đàng Trong vua Miên Chey Chattha II xin cầu hôn một ái nữ của chúa Sãi và tấn phong làm hoàng hậu để  nhận được sự ủng hộ toàn diện của chúa Nguyễn.Công chúa Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu của Cao Miên và được vua Cao Miên vô cùng yêu quý bởi bà vừa đẹp người vừa đẹp nết.

Công chúa Ngọc Vạn đã giúp vua Chey Chettha II rất nhiều việc hữu ích trong trị nước và phát triển sản xuất. Từ đó người Việt di cư đến các vùng thuộc lưu vực sông Đồng Nai làm ăn và định cư rất đông, dần dần bộ máy hành chính của chúa Nguyễn được hình thành ở vùng đất Nam Bộ ngày nay.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn có công chúa Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Thành Po Romé và công chúa Ngọc Hoa gả cho thương gia Nhật Bản Araki Sutaro.

Đó là thời điểm Đàng Trong mở cửa và hội nhập để phát triển rực rỡ, người Việt vừa vươn ra biển vừa đi thẳng về phía nam, đến tận mũi Cà Mau tạo nên một nước Việt Nam hình chữ S trên bản đồ thế giới.

Lễ hội rước sắc phong Vua Hàm Nghi

Ngày 20-2 (tức mùng 7 Tết), hàng ngàn người dân Hương Khê đã hội tụ về Thành Sơn Phòng Hàm Nghi thuộc xã Phú Gia (Hương Khê-Hà Tĩnh) tổ chức Lễ hội rước sắc phong Vua Hàm Nghi.

Lễ hội đền Huyền Trân ảnh 2
Những báu vật của Vua Hàm Nghi lưu giữ tại xã Phú Gia

Xã Phú Gia là nơi Vua Hàm Nghi hạ chiếu cần Vương lần thứ hai (1885), xây Thành Sơn Phòng, đắp lũy, chiêu binh, tuyển tướng, chuẩn bị lực lượng tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ẩn tích còn lại nơi này gồm đầy đủ các báu vật như: hai thanh bảo kiếm, áo Hoàng bào của Vua, voi vàng, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen và các đạo sắc bằng giấy bản còn nguyên vẹn và Thành Sơn Phòng Hàm Nghi đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

MỚI - NÓNG