Vượt nghìn cây số tham gia Mùa hè xanh
Những ngày sục sôi khí thế tình nguyện Mùa hè xanh 2024, nhóm du học sinh Nga do Trần Mai Tuấn Phong (SN 2004) theo học ĐHQG Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, phụ trách vượt nghìn cây số từ xứ sở Bạch Dương về Việt Nam, khoác áo xanh, mũ tai bèo. Họ trở thành mảnh ghép đặc biệt của Đội Sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh do Đoàn Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội phối hợp Ban Cán sự Đoàn tại LB Nga tổ chức, cống hiến sức trẻ ở xã Thượng Giáp (huyện Na Hang, Tuyên Quang).
Thượng Giáp là xã sơn cước được ví “địa đầu xứ Tuyên”, “nơi một tiếng gà gáy bốn tỉnh cùng nghe” khi tiếp giáp với Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn. Toàn xã có 6 thôn bản với hơn 2 nghìn người, thuộc các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng, Hoa, Thái.
Đội Sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh tại Thượng Giáp thực hiện lễ chào cờ. Ảnh: Xuân Tùng |
Khung cảnh rừng núi, nếp nhà sàn đơn sơ lưng chừng đồi… và cung đường khúc khuỷu đèo dốc phía Bắc mang đến trải nghiệm mới đối với nhiều bạn trẻ trong đội, càng thêm “chất lừ” với bốn thành viên là du học sinh.
Tuấn Phong cho biết, nhóm du học sinh tham gia đội đều thế hệ gen Z, theo học trường đại học, học viện khác nhau tại Thủ đô Moscow (LB Nga); là những gương mặt tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội. “Lịch nghỉ hè của các trường ở Nga khác nhau, phần lớn bắt đầu từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8. Hiện không có đường bay thẳng, các thành viên đều bay nhiều chặng với hơn 12 giờ di chuyển. Việc các bạn về nước dành 15 ngày tham gia tình nguyện là sự nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng”, Phong bộc bạch.
Ngoài Phong lần thứ hai về nước tham gia tình nguyện Mùa hè xanh, ba thành viên còn lại đều lần đầu tiên. Đặc biệt, cả ba đều “muốn dành những trải nghiệm, kỷ niệm những ngày tình nguyện ở Tuyên Quang làm món quà tặng gia đình và ghi dấu cho lần đầu tiên về nước”.
Lê Khánh Linh (SN 2003, quê Lào Cai) sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga, cho biết: “Ở Nga tôi vẫn tham gia nhiều chương trình tình nguyện, quảng bá văn hoá Việt Nam…, nhưng tôi luôn mong muốn được khoác áo xanh, hoà mình vào hoạt động trên quê hương, đất nước. Điều này đã thôi thúc tôi tham gia Mùa hè xanh trong lần đầu về nước”, Linh nói.
Kết liên lại thanh niên…
Tình nguyện viên Nguyễn Văn Hữu thực hiện công trình vườn hoa cho em tại Thượng Giáp Ảnh: Xuân Tùng |
Đều đặn mỗi sáng, khi núi đồi và các bản làng yên bình giăng mắc sương mây, từ điểm đóng quân của đội tình nguyện - sân trường TH&THCS xã Thượng Giáp, vang lên khẩu lệnh “Chào cờ…!”. Cả đội chỉnh tề đồng phục, trang nghiêm hướng về cờ Tổ quốc và cờ Đoàn, hào sảng cất cao lời bài Quốc ca, Thanh niên làm theo lời Bác.
“Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên… Đi lên thanh niên làm theo lời Bác/Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên?”.
Lời hát đã nói hộ tâm niệm, ý chí đoàn kết tạo thành khối lớn mạnh của 24 thành viên trong đội đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc, đang theo học nhiều chuyên ngành khác nhau ở trong và ngoài nước.
Trần Mai Tuấn Phong (đứng đầu hàng), Hoàng Trần Hương Giang (thứ hai) là hai trong 4 du học sinh tại LB Nga tham gia tình nguyện Mùa hè xanh tại xã Thượng Giáp, cùng đồng đội thực hiện lễ chào cờ. Ảnh: Xuân Tùng |
Trong dòng cảm xúc trào dâng, Hoàng Trần Hương Giang (SN 2003, quê Đà Nẵng) sinh viên ngành Tâm lý Trường ĐH Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga, cho biết thời gian học ở Nga, đã có nhiều dịp được đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đoàn và tự hào hát vang khúc hát thiêng liêng đã in sâu vào tâm trí của hàng triệu người con đất Việt. Nhưng được chào cờ trên dải đất hình chữ S là một điều rất đặc biệt. “Ngay từ buổi đầu chào cờ trong đợt tình nguyện, tôi đã vỡ oà hạnh phúc, cảm thấy thực sự được trở về, hoà mình vào những điều bình dị mà thiêng liêng của quê hương đất nước”, Giang nói.
Nguyễn Huy Tâm - Ủy viên BCH Đoàn Trường ĐH Quốc tế, thành viên Ban Chỉ đạo Chiến dịch TNTN Hè 2024 Trường ĐH Quốc tế, cho biết, lễ chào cờ là một trong những hoạt động sinh hoạt ý nghĩa, quan trọng của đội. “Đây là hoạt động khởi động ngày mới, lan toả năng lượng tích cực; đặc biệt khơi dậy tình yêu Tổ quốc, tự hào dân tộc và tinh thần xung kích, trách nhiệm cho toàn đội. Hoạt động chào cờ còn góp phần duy trì thực hiện kỉ luật, chuẩn bị công việc trong ngày bảo đảm tiến độ, an toàn và hiệu quả”, Tâm nói.
“Tham dự lễ chào cờ trong những ngày tham gia tình nguyện ở xã miền núi còn nhiều khó khăn là trải nghiệm rất đặc biệt. Rất nhiều cảm xúc trân trọng, tự hào đã được lắng lại để tâm trí hướng về cuộc sống xung quanh mình và dậy lên mong muốn được góp sức trẻ dựng xây đất nước” . Nguyễn Văn Hữu– sinh viên tình nguyện
Hạnh phúc về bản giúp dân
Trong hai tuần tham gia chiến dịch tại xã Thượng Giáp, nhóm du học sinh và các thành viên của đội liên tục triển khai các công trình, phần việc.
Từ tổ chức sinh hoạt văn hoá hè, trang bị kỹ năng cần thiết bảo vệ an toàn cho thiếu nhi, đến xây dựng “Tủ sách cho em” với 3.000 đầu sách, công trình “Thắp sáng đường quê”, thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách, cấy lúa giúp gia đình chính sách.
Chứng kiến những nụ cười, cái bắt tay vồn vã của bà con và lũ trẻ quấn quýt, gọi tên nhiều thành viên đội tình nguyện, chẳng mấy ai nghĩ họ mới quen biết nhau vài ngày. Hoạt động của các “áo xanh” trở thành chủ đề trong những câu chuyện rôm rả của bà con, từ quán bán đồ ăn sáng, tiệm tạp hóa, nhà văn hóa.
Bạn Nguyễn Văn Hữu (SN 2005, quê Bắc Giang) - Trưởng nhóm Dân vận và công tác xã hội hồ hởi, ngay khi đặt chân đến địa phương, cả đội đã nhận được sự nồng hậu, sẵn sàng hỗ trợ của chính quyền, bà con để sớm ổn định nơi ăn, chốn ở. Đội đã xuống từng thôn bản, đến nhiều nhà để gặp gỡ, thăm hỏi bà con, phát tờ thông tin và giới thiệu các hoạt động trong thời gian chiến dịch.
“Cảm xúc hồi hộp, lo lắng và khoảng cách lần đầu gặp nhau khi chúng tôi xuống gặp người dân nhanh chóng bị xoá nhoà. Có những em nhỏ lúc đầu lạ lẫm nép sau lưng bố mẹ hay cánh cửa lén nhìn lúc sau đã quấn theo các anh chị áo xanh, háo hức tham gia các hoạt động”, Hữu nói.
Qua từng ngày thực hiện các công trình, phần việc trong chiến dịch, đội tình nguyện càng thêm gắn bó với bà con, thanh thiếu nhi ở Thượng Giáp. Nhiều thành viên có chung cảm nhận được sống chậm lại, tách biệt được thế giới ảo với máy tính, điện thoại và “có thể làm được rất nhiều việc ý nghĩa giúp ích cho người khác cho bản thân”.