Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô

Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô
Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan soạn thảo dự án Luật Thủ đô, đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý hoàn thiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thủ đô được thiết kế nhằm luật hóa vị trí, vai trò của Thủ đô và thể chế hóa các định hướng lớn trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thủ đô cũng như các biện pháp xử lý những vấn đề thực tiễn đối với Thủ đô trong tình hình mới.

Thực tế, một trong những vấn đề lớn đặt ra đối với công tác quy hoạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua là việc lập quy hoạch thiếu tính đồng bộ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Chưa kể việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt bị chậm và khó khăn, tình trạng xây dựng các công trình không phù hợp với quy hoạch còn rất phổ biến.

Bởi vậy, dự thảo Luật Thủ đô đã thiết kế 2 điều quy định về quy hoạch là Điều 10 - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Điều 11 - Quản lý quy hoạch Thủ đô. Trong đó, đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với quy định của Luật quy hoạch đô thị hiện hành và khác với dự thảo Luật Thủ đô đã trình Quốc hội trước đó.

Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Nếu như theo quy định, quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương do UBND thành phố đó tổ chức lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đối với Thủ đô Hà Nội, quy định trình tự lập quy hoạch chung chặt chẽ hơn so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Dự thảo yêu cầu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự thảo Quy hoạch chung phải được Quốc hội cho ý kiến và quyết định vị trí khu vực Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

Đồng thời, cũng để bảo đảm tính đồng bộ của các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô, trong đó lấy quy hoạch không gian Thủ đô làm tâm điểm, dự thảo Luật yêu cầu "quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến Thủ đô được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và phải được lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội".

Vấn đề di dời được chính thức quy định trong một đạo luật

Để hạn chế tình trạng quá tải đối với hạ tầng kỹ thuật và xã hội do tập trung quá đông dân cư ở nội thành, đồng thời làm căn cứ cho các tính toán trong quá trình lập quy hoạch, dự thảo Luật quy định, "UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành."

"Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật", dự thảo nêu.

Như vậy, so với dự thảo đã trình Quốc hội, dự thảo mới đã mở rộng hơn đối tượng phải di dời gồm cả trụ sở cơ quan trung ương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, việc di dời một số cơ sở ra khỏi nội thành là chủ trương đã có từ nhiều năm nay và đã được đề cập trong một số quyết định cá biệt của các cấp có thẩm quyền, nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề di dời được chính thức quy định trong một đạo luật của Quốc hội.

Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông quan trọng

Dự thảo Luật Thủ đô có nêu "Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông quan trọng, phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 mét mỗi bên, kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ý kiến của cộng đồng dân cư, UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố Hà Nội quyết định".

Quy định này vừa bảo đảm dân chủ trong việc lấy ý kiến của dân, vừa bảo đảm tính khả thi cho việc thực hiện các dự án xây dựng, chỉnh trang các trục đường giao thông quan trọng ở Thủ đô.

Quản lý dân cư

Thực tế, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh ở nội thành trong những năm gần đây là một trong những vấn đề lớn của Hà Nội, do cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện nay không thể đáp ứng được tốc độ tăng dân số cơ học đó.

Trong dự thảo Luật Thủ đô đưa ra một số cơ chế đặc thù, trong đó có điều kiện "Công dân đang tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tam trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên".

Bên cạnh đó, để góp phần xử lý tận gốc nguyên nhân tăng dân số cơ học nhanh ở nội thành, dự thảo luật giao "HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định, thực hiện các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong Vùng Thủ đô đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Hà Nội".

Mức phạt tiền vi phạm hành chính cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức phạt tiền tối đa

Về việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành, dự thảo đề xuất quy định áp dụng mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức phạt tiền tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực trật tự và an toàn xã hội, văn hóa, đất đai, xây dựng.

Trong đó, các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định thì cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định áp dụng trong nội thành.

Theo Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.