>> Bán đứng người lao động
>> Đỏ mắt tìm người hái cà phê
Ông Sơn và cậu con trai vừa được chuộc về. |
Ngày 30-11, ông Nguyễn Hữu Sơn (trú tại xã Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên) cho biết ông phải trả 1 triệu đồng cho chủ vườn cà phê ở xã Hoài Đức, Lâm Hà để chuộc con trai mình là Nguyễn Hữu Sang (19 tuổi).
Lý do chủ vườn đưa ra là để thuê được một lao động hái cà phê, họ phải chi 500.000 đồng cho trung tâm giới thiệu việc làm và 650.000 – 700.000 đồng tiền môi giới, tàu xe, ăn uống, bảo lãnh công lương. Nhiều gia đình đồng cảnh ngộ với ông Sơn cũng phải vay mượn tiền để lên Lâm Hà chuộc người thân, riêng những hộ nghèo túng đành để con cháu ngậm đắng nuốt cay làm công trả nợ.
Năm ngày trước, Sang cùng hơn 30 người khác được chở bằng ô tô từ Đồng Hòa tới Lâm Hà. Theo Sang, những tay cò nói hái cà phê sẽ được trả công 3 – 3,5 triệu đồng/tháng; được ăn uống miễn phí và chủ ứng trước 1 triệu đồng; song thực tế các chủ vườn cà phê chỉ đồng ý trả lương 1,7 triệu đồng/tháng.
Hàng chục người khác trú tại huyện Vạn Ninh cũng bị cò lao động lừa lên Lâm Hà và một số địa phương khác ở Tây Nguyên và rơi vào tình trạng tương tự. Họ bị sang tay từ cơ sở này sang chủ vườn cà phê khác với mức lương 1 - 1,7 triệu đồng/tháng.
Theo một cán bộ nông nghiệp ở huyện Lâm Hà, mỗi khi vào mùa thu hoạch cà phê, nhu cầu về người hái cà phê thuê rất lớn. Dịch vụ cung ứng lao động vì thế nở rộ kèm theo nhiều chuyện phức tạp.
Trước thực tế không ít người lao động bỏ trốn đi làm việc ở nơi khác, trong khi chủ vườn cà phê đã phải ứng tiền trả cho bên môi giới nên ban đêm nhiều chủ vườn thường khóa chặt cửa, không cho người làm thuê ra khỏi nhà.
Nhiều người làm thuê, đặc biệt là thanh niên cảm thấy bị thiệt thòi, tù túng nên đòi trở về quê, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp hoặc điện thoại, cầu cứu người nhà.
Công an huyện Lâm Hà đang tiến hành kiểm tra Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hiếu Nghĩa (xã Hoài Đức, Lâm Hà) để làm sáng tỏ những vấn đề người lao động phản ánh; đồng thời phối hợp cơ quan chức năng làm rõ, xử lý cò lao động có sai phạm.