Nghẽn lệnh chứng khoán kéo dài:

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận lỗi

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo UBCKNN thừa nhận, việc HoSE hơn 20 năm không làm chủ được hệ thống công nghệ có phần nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo UBCKNN thừa nhận, việc HoSE hơn 20 năm không làm chủ được hệ thống công nghệ có phần nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh minh họa)
TP - “Chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư (NĐT) một lời xin lỗi, mà nợ nhiều lời xin lỗi, tới cả các nhà khoa học, công ty chứng khoán, cơ quan báo chí vì chưa thể phản hồi hết những ý kiến gửi về”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng nói.

Liên quan sự cố nghẽn lệnh kéo dài nửa năm qua tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), lãnh đạo một số công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng, dù bất cứ lý do gì, quyền lợi NĐT cần được bảo vệ tối đa. Các thành viên thị trường nợ NĐT một lời xin lỗi, và HoSE nên xem xét giảm phí giao dịch vì dịch vụ cung cấp chưa tương xứng.

“Ở góc độ sở giao dịch chứng khoán, người tổ chức vận hành thị trường, để xảy ra nghẽn lệnh, tổ chức phục vụ thị trường, sở giao dịch chứng khoán phải nhận lỗi”.

Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà

Tại tọa đàm “Nghẽn lệnh HoSE: Thực trạng và Giải pháp”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng thừa nhận, việc HoSE hơn 20 năm không làm chủ được hệ thống công nghệ, có phần nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, HoSE. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các bên không lường hết được tình hình và chưa thật sự quyết liệt. Chủ tịch UBCKNN cho biết: “Xử lý nghẽn lệnh chứng khoán được coi là trường hợp khẩn cấp quốc gia. Dự kiến hệ thống tạm sẽ chạy chính thức vào tháng 7, không chậm hơn”.

Ông Dũng nhận định, việc chậm nâng cấp hệ thống giao dịch đến từ tính cầu toàn của cơ quan quản lý, muốn tạo ra hệ thống hiện đại, đồng bộ và toàn diện. Về dự án triển khai hệ thống KRX với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, ông Dũng nói rằng, các bên gặp nhiều điều không may, khi nhà thầu phụ bỏ cuộc, hệ thống vào giai đoạn kết nối, vận hành thử thì COVID-19 bùng phát...

“Hợp đồng không cho phép thay đổi chi phí dự án, do đó, nếu chuyên gia Hàn Quốc qua Việt Nam phải cách ly thì sẽ phát sinh chi phí. Chúng tôi lúc đó cũng không biết xử lý thế nào. Tuy nhiên, hệ thống hiện nay đã đi vào kết nối thử nghiệm, dự kiến tới cuối năm sẽ chính thức vận hành”, ông Dũng thông tin.

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, cho biết, hệ thống mới đã bước vào giai đoạn cuối cùng, đang trình Bộ Tài chính. Về việc kiểm soát hủy/ sửa lệnh sau sự cố đóng cửa giao dịch chiều 1/6, ông Trà tính toán, điều này giúp lượng lệnh thực tế được khớp có thêm 200.000 lệnh, giá trị giao dịch có phiên đạt trên 30.000 tỷ đồng. “Hiểu đơn giản, hệ thống như con đường được thiết kế cho 900.000 xe tham gia giao thông. Khi số xe vượt quá 900.000 thì giao thông tắc nghẽn. Tuy nhiên, lệnh giao dịch không hẳn giống xe (có xe lớn, xe nhỏ), dù lệnh 100 hay 10.000 cổ phiếu, lệnh sửa/huỷ đều tính là 1 lệnh. Tất cả được tính vào 900.000 lệnh. Do vậy, cùng số lượng lệnh khớp trên thị trường, nhưng giá trị giao dịch khác nhau”, ông Trà lý giải về hiện tượng HoSE nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau.

Ðề xuất giảm phí giao dịch

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI, nói: “Dù bất cứ lý do gì, chúng ta vẫn nợ NĐT một lời xin lỗi. Lãnh đạo UBCKNN, HoSE nên chính thức có lời xin lỗi NĐT, cam kết về hệ thống mới, và mong NĐT hiểu để cùng đồng hành với thị trường phát triển trong tương lai”.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc CTCK SHS, đề xuất HoSE giảm phí giao dịch (hiện là 0,03%) để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin với NĐT. “NĐT giao dịch thì HoSE được hưởng phí. Nếu dịch vụ tốt thì không sao, nhưng tình trạng nghẽn lệnh kéo dài lại gây ảnh hưởng cho NĐT”, đại diện SHS nói.

MỚI - NÓNG