Lãnh đạo phải trực tiếp đối thoại với dân

Người dân phải xuống sát lòng hồ Đống Đa để tập thể dục Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân phải xuống sát lòng hồ Đống Đa để tập thể dục Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng là vấn đề nóng của Hà Nội đã được “mổ xẻ” tại Hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện và các sở, ban, ngành ngày 27-9.

> Phải lùi tiến độ thêm 5 năm

Khiếu nại về đất đai, GPMB là chủ yếu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, trong 9 tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng về số lượng và số đoàn đông người. Trong đó, khiếu nại về đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm tỷ lệ 75%.

Điển hình một số đoàn có tính chất phức tạp, khiếu kiện gay gắt, nội dung chủ yếu liên quan đến GPMB, giao đất nông nghiệp, đất dịch vụ hoặc chuyển đổi mô hình chợ thành trung tâm thương mại…

Cá biệt, một số trường hợp có tổ chức, có sự liên kết giữa các đoàn, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục, lôi kéo tập trung đông người làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng tại trụ sở một số cơ quan nhà nước.

Theo đánh giá, tình trạng khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, triển khai nhiều dự án xây dựng như: Hà Đông, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai…

Và do buông lỏng công tác quản lý đất đai ở một số huyện trong các giai đoạn như: Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh.

Sai sót làm gia tăng khiếu nại

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo về quản lý đất đai và GPMB trên địa bàn gia tăng trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, do cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, GPMB chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi dẫn đến tâm lý chờ đợi, so bì, khiếu kiện về quyền lợi, gây khó khăn cho các địa phương trong áp dụng các chính sách.

Theo ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên, có 3 nguyên nhân chính. Đó là có sai sót trong bộ máy chính quyền khi thực hiện; Sự bất cập trong cơ chế chính sách khi thực hiện; sai sót của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt, có tâm lý né tránh, ngại va chạm.

“Khi có khiếu nại đông người, lãnh đạo các quận, huyện phải trực tiếp đối thoại với người dân, giải quyết các kiến nghị của dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại khi mới phát sinh”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị.

Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, người giải quyết đơn thư phải có tinh thần giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không nói là mình làm đúng thẩm quyền, đúng thủ tục.

“Kể cả người dân khiếu kiện sai thì phải giải thích rõ cái sai đó. Những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải đứng ra giải quyết khiếu nại. Đồng thời công tác khiếu nại tố cáo phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng”- ông Nghị nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG