> Thanh tra vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng
Ông nói đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền cấp cơ sở, vấn đề cụ thể ông muốn nói ở đây là gì?
Cách đây 15 năm chúng ta đã có sự kiện ở tỉnh Thái Bình, đó là một bài học lớn trong việc để xảy ra những sự tha hóa, hư hỏng của cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở. Từ đó đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc tốt, nhưng cũng có nhiều việc chưa đạt yêu cầu, chưa đạt mong mỏi của nhân dân.
Theo dõi vụ việc ở Tiên Lãng, chúng ta có thể đặt câu hỏi những ngày qua Ủy ban kiểm tra của Thành ủy Hải Phòng ở đâu, Ủy ban kiểm tra của Huyện ủy Tiên Lãng ở đâu, Hội đồng nhân dân đâu, cơ quan dân cử đâu, đoàn Đại biểu quốc hội Hải Phòng đâu? Các cơ quan này đại diện cho tiếng nói của người dân, nhưng tôi không thấy bóng dáng họ ở đâu cả?!
Sự việc ở Tiên Lãng đang đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai, cá nhân ông nghĩ sao?
Chúng ta không phải chỉ sửa Luật Đất đai mà phải sửa nhiều luật khác. Đầu tiên là Hiến pháp, sửa vào cái gốc, phải làm sao lấy lại được linh hồn, tinh thần của Hiến pháp, đó là mọi quyền lực thuộc về người dân, cơ quan công quyền sinh ra để phục vụ người dân.
Sự kiện ở Tiên Lãng gợi cho ông những suy nghĩ gì về công tác xây dựng Đảng hiện nay?
Vấn đề quan trọng bậc nhất theo tôi vẫn là dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Dân chủ là gốc rễ của mọi vấn đề hiện nay của Đảng, phải đảm bảo dân chủ, phải "sục sôi" như Lê nin từng nói, "Dân chủ sẽ như những dòng thác cuốn trôi đi những tha hóa của Đảng".
Tôi nghĩ Đảng ta đã nhận thức được tình hình. Vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị được thể hiện trong hành động.
Cao Nhật thực hiện