Nhiều hạng mục xuống cấp, hoang hóa
Nhóm PV Tiền Phong trở lại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam sau 1 năm Làng văn hóa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thay đổi mô hình quản lý và hoạt động. Mặc dù khu cổng vào đã khang trang hơn nhưng đập vào mắt chúng tôi là những dãy nhà chờ xe buýt chỉ còn trơ lại bộ khung sắt hoen gỉ. Những trạm thông tin ốp kính cũng hoang tàn không kém khi phần mái đã vỡ kính, xiêu vẹo, cỏ hoang mọc ngập ống chân.
Tiếp chuyện du khách, người bán vé than: “Ít khách quá chú ạ!”. Quả thật, khoảng gần 10h sáng, không thấy ai mua vé ngoài phóng viên báo Tiền Phong. Vì khuôn viên Làng văn hóa khá rộng, nên có hai cách để du khách có thể tham quan. Một là mua vé đi xe điện của ban quản lý. Hai là đi xe máy cá nhân. Nếu không muốn tham quan mà chỉ muốn vào thưởng thức ẩm thực các dân tộc, du khách thực sự gặp khó khi vẫn phải mua vé tham quan, rồi mua vé xe điện, rồi phải chờ có người xác nhận vào khu vực ăn uống... thì mới được đồng ý cho vào.
Sau khi có vé, phóng viên Tiền Phong đi dọc theo con đường lát đá khá đẹp mắt. Theo lịch trình, xe điện của ban quản lý vẫn đưa đón du khách. Ngay bên đường là ngôi nhà đặc trưng của dân tộc Pu Péo. Không có người ở, khoảnh sân rộng trước nhà mọc đầy cỏ dại. Cửa chính khóa kín, cửa nhỏ cũng không mở.
Trên hiên nhà bỏ một đống củi khá to. Xung quanh nhà, nhiều hạng mục đã bị mối mọt. Một số ngôi nhà bên cạnh cũng vậy. Cách xa xa, có một vài người sinh sống trong làng văn hóa dân tộc Dao. Trong nhà, hai phụ nữ đang ngồi làm đũa. Nhà cũng bày biện nhiều loại thuốc đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Những người này cho biết, họ sinh sống, ở hẳn trong Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong Làng văn hóa. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều khu vực vẫn bỏ hoang nhiều, cỏ dại mọc um tùm hiện đã xuống cấp trầm trọng, có khu vực bị cháy, bị mối mọt đang sửa sang. Khu vực làng văn hóa của dân tộc Bana, Vân Kiều... bị mối mọt, nghiêng sắp đổ. Xung quanh, gỗ làm nhà và các hạng mục khác đã gần mục nát.
Không chỉ có các ngôi nhà bị hư hại, nhiều cơ sở vật chất tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam cũng bị xuống cấp. Khu vực chợ đặc trưng văn hóa nằm trong Làng văn hóa các dân tộc phần lớn thời gian không có người buôn bán. Trong khi đó, các hạng mục phòng cháy chữa cháy nhiều năm phơi mưa nắng đã hư hỏng.
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết hệ thống PCCC ở các ngôi nhà đặc trưng văn hóa đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hệ thống điện, quạt trần cũng trong tình trạng tương tự. Hệ thống đường kết nối một số khu vực vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí bị sụt lún, đang phải sửa chữa, rác thải khắp nơi.
Khó thu hút đầu tư
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Quang Anh, quyền Trưởng Ban quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTT&DL cho biết, nhiệm vụ chính của làng là tạo ra không gian như là ngôi nhà chung cho đồng bào các dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết.
Về nguyên nhân khó khăn, ông Quang Anh cho rằng, chưa xác định được hướng phát triển lâu dài của làng, mới chỉ có được các giải pháp tình thế. Đầu tư đến đâu khai thác đến đó do ngân sách khó khăn. Vừa qua đã rà soát lại các hạng mục, dự án. Hiện nhiều dự án chưa hoàn thành nhưng Ban quản lý vẫn tìm cách để đưa vào khai thác vận hành để tránh lãng phí.
Ban quản lý thừa nhận, quá trình đầu tư kéo dài, nhiều công trình làm bằng vật liệu như tre, gỗ, nứa nên rất dễ xuống cấp bởi thời tiết, mưa gió. Tổng đầu tư từ năm 1999 đến nay là 1.600 tỷ đồng tương đương với 50% kế hoạch ban đầu. Chi thường xuyên cho quản lý, vận hành hiện nay Nhà nước cấp khoảng 30-40 tỷ đồng. Hiện có đại diện 13 cộng đồng dân tộc hoạt động thường xuyên tại làng.
Về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 427 ngày 6/10/2017 về chuyển đổi mô hình hoạt động và thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách, ông Quang Anh nói: “Riêng trong năm 2018 chúng tôi đã tiếp hơn chục nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là việc rất khó khăn. Đặc trưng là làng văn hoá các dân tộc nên không phải doanh nghiệp xin đầu tư cái gì cũng được mà phải gắn với hoạt động chung của làng, phù hợp với tính văn hoá truyền thống. Cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào làng văn hoá hiện chưa có”.
Về giải pháp, Ban quản lý cho biết đang thực hiện chuyển mô hình hoạt động của Ban quản lý từ quản lý nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập. Đề án chuyển đổi mô hình đã trình cơ quan chức năng. Vừa qua, Làng văn hoá đã đa dạng hoá các hoạt động thông qua các lễ hội truyền thống, tạo tính hấp dẫn cho hoạt động của làng để góp phần quảng bá sản phẩm, văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Xây dựng nhiều chương trình cuối tuần với các chủ đề riêng hấp dẫn du khách. Số lượng du khách đến với làng ngày càng tăng, chủ yếu là học sinh, sinh viên.
5 khu chức năng thu hút đầu tư gồm: Khu di sản văn hoá thế giới, khu công viên mặt nước bến thuyền, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô. Hiện đã có một nhà đầu tư đề xuất xây dựng cụm công trình du lịch tổng hợp với giá trị lên tới 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn là đề xuất vì các bộ ngành đang thẩm định dự án này.
Một ngôi chợ được xây khá kiên cố trong Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam nhưng hoang vắng Ảnh: Trường Phong
Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đầu tư ngày 21/8/1997, có diện tích 1.544 ha tại khu vực Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với nhiều hạng mục lớn. Làng văn hóa - du lịch được đưa vào hoạt động đón khách thăm quan vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm 2010.
Thất bại do mô hình không phù hợp thực tế
TS Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam thất bại do mô hình không còn phù hợp với thực tế. Mô hình này từ thế kỷ 20 có thể là phù hợp nhưng đến giờ không thể khuôn cứng theo mô hình này được nữa. Ngay cả những mô hình làng dân tộc tương tự ở Trung Quốc cũng đã gặp khó khăn. Cái sai từ tầm nhìn, không phải chỉ mang những ngôi nhà dân tộc về để trưng bày, nếu không có người ở, thì không khác gì những “cái xác không hồn”. Rồi cũng không khác gì tiêu chí của Bảo tàng Dân tộc học, mang những ngôi nhà ấy về để bảo tồn mà thôi. Ông Sơn cho biết, những ngôi nhà văn hóa do đồng bào các dân tộc tự làm, vật liệu đơn giản tranh tre nứa lá. Nếu nhà có người ở sẽ không xuống cấp hoặc chậm xuống cấp.Trần Hoàng