Làng ô nhiễm: Những đứa trẻ mang chì trong máu

Làng ô nhiễm: Những đứa trẻ mang chì trong máu
TP - Hầu hết những đứa trẻ ở thôn Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) mang chì trong máu, hậu quả của nghề tái chế pin, ắc-quy hơn 30 năm nay của địa phương. Nhiều bé có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng cho phép 6-7 lần.

> 'Thoi thóp' bên Khu công nghiệp
> Khi nhà máy qua mặt chính quyền?

Đối mặt di chứng

Năm 2012, Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế) về thôn Đông Mai, làm xét nghiệm cho 109 trẻ em. Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống Bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu của trẻ em không được vượt quá giới hạn bình thường là 10mg/dl.

Đối chiếu tiêu chuẩn này, tất cả các bé đều vượt ngưỡng giới hạn, đa số vượt mức nhiều lần. Chỉ có sáu bé có hàm lượng chì vượt chuẩn chưa đến hai lần. 24 bé sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả hai có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 ở mức báo động, bốn ở mức cao và một ở mức ranh giới. Các trường hợp này đều nên đi sàng lọc chì.

Tất cả trẻ em nhiễm chì trong máu đều chưa đến 10 tuổi, trong đó những bé có hàm lượng chì thuộc mức nguy hiểm và báo động chủ yếu 5-7 tuổi, có bé chỉ 2-3 tuổi.

Lê Ngọc Chuẩn, con anh Lê Ngọc Hai (một hộ làm nghề trong thôn), mới bốn tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu bé lên đến 74,52 mg/dl, gấp hơn bảy lần mức cho phép. Hằng năm, anh Hai đưa Chuẩn lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Theo các bác sỹ, việc phục hồi hoàn toàn của Chuẩn là không thể. Bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc...

Bé gái Lê Phương Ly, con anh Lê Văn Quân, cũng bốn tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16 mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch. Nhiều bé khác, mới 2-3 tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 6-7 lần mức cho phép như Đỗ Hoàng Gia Bảo (ba tuổi), hàm lượng chì trong máu gấp 5,5 lần, bé Lê Gia Bảo (ba tuổi), hàm lượng chì gần sáu lần, Lê Viết Đức (hai tuổi), hàm lượng chì gấp hơn năm lần...

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em nhiễm độc chì đến 70mg/dl thì bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, tính tình.

Có thể ảnh hưởng thế hệ sau

Điều tra hàm lượng chì trong đất ở thôn Đông Mai ngày 13/8/2013. Ảnh: Nguyễn Hoài
Điều tra hàm lượng chì trong đất ở thôn Đông Mai ngày 13/8/2013. Ảnh: Nguyễn Hoài.
 

Làng Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy hơn 30 năm nay. Thời kỳ cao điểm, cả làng có gần 200 hộ làm nghề, giờ còn khoảng 60 hộ. Ông Nguyễn Văn Bải, kể, trước kia, người làng đi thu gom pin, ắc-quy ở khắp các vùng rồi mang về làng tái chế, hoàn toàn thủ công. Những hóa chất trong pin, ắc- quy như chì được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng. Hóa chất gây sủi bọt ở khắp các kênh mương khiến nhiều diện tích không cấy trồng được. Mỗi hộ làm nghề có một lò tái chế, nên cứ chiều chiều cả làng chìm trong khói bụi.

Năm 2009, dự án cụm làng nghề xã Chỉ Đạo được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt với diện tích 21ha nhằm tách nghề khỏi làng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện, nhưng hơn 40 hộ đã tự nguyện chuyển ra đó làm nghề, trong làng chỉ còn hơn chục hộ. Trước đó, Viện Y học và Vệ sinh Môi trường nghiên cứu mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo. Kết quả, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần. Có thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,6 lần. Theo TS Duệ, nhiễm chì ở trẻ có thể qua đường nước, không khí, đất, rau quả nhiễm chì. Bố mẹ làm nghề, quần áo dính chì, con cái cũng có nguy cơ nhiễm độc chì cao.

Trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tự đào thải chì trong máu, nhưng chắc chắn sẽ để lại di chứng, làm chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn, ngờ nghệch. Theo TS Duệ, có những bé bị nhiễm chì từ lúc hai tháng tuổi. Ba đến sáu tuổi, hàm lượng chì trong máu vẫn ở mức 30-40 mg/dl. Tinh thần và thể chất của các bé này đều thua các bé bình thường.

Nhiều trẻ bị nhiễm độc chì nhưng vẫn đi học, chơi đùa bình thường nên cha mẹ các cháu thường chủ quan, không đưa đi sàng lọc. Ngay ở thôn Chỉ Đạo, theo TS Duệ dù nhiều lần khuyến khích, nhưng cũng chỉ có hai cháu được đưa đi sàng lọc máu, trong khi số cháu được khuyến cáo là 24. Theo TS Duệ, khi mẹ mang chì trong máu thì con cũng mang chì trong máu qua đường bú sữa. Vì thế, nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau có thể xảy ra.

Còn nữa

Kiến nghị tách nghề khỏi làng

Góp ý cho Dự thảo lần bốn Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, nhiều chuyên gia môi trường khuyến nghị cần tách làng khỏi nghề. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, muốn môi trường làng nghề được cải thiện, cần tách làng (nơi sinh sống) ra khỏi nghề (nơi sản xuất) như kiểu thành lập các khu công nghiệp nông thôn. Như thế làng vẫn còn, nghề vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa lại không đồng tình với quan điểm này vì khái niệm “làng nghề” sẽ không còn.

Thời kinh tế thị trường, cả làng nghề lẫn nhà máy đều phát triển vô tội vạ. Và cái giá phải trả cũng không hề nhỏ: Có làng, hầu hết trẻ em đều nhiễm chì trong máu, có xóm dân đột nhiên ho ra máu, cá chết trắng ao, chó mèo biến dạng…

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG