Đứng ngoài nhiều diễn đàn
Là nhà khoa học phát biểu đầu tiên, GS Nguyễn Quang Thái, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ, việc tư vấn, phản biện một cách chuyên sâu, có hệ thống với các vấn đề lớn của xã hội rất cần sự tham gia của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Thế nhưng, thời gian qua, đội ngũ trí thức vẫn chưa được tham nhiều vào việc tư vấn, phản biện này, nhất là với các diễn đàn lớn.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam nêu ví dụ, vào năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng dự án nghiên cứu và phát triển một triệu ha lúa lai ở Việt Nam với kinh phí 1200 tỷ đồng. Trong quá trình dự thảo, Bộ có công văn gửi Hội giống cây trồng Việt Nam đề nghị góp ý.
Các nhà khoa học của hội đã xem xét và đưa ra ý kiến thực hiện dự án chỉ với 46 tỷ đồng. Kết quả, dự án vẫn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhưng giúp Nhà nước tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo GS Long, đây là một ví dụ điển hình của phản biện xã hội. Thế nhưng từ đó, Hội giống cây trồng Việt Nam không được giao phản biện bất cứ dự án nào nữa. Ngay ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nơi có 19 viện trực thuộc với khoảng 3.000 nhà khoa học, hàng chục giáo sư đầu ngành nhưng vai trò thẩm định, phản biện về mặt khoa học nông nghiệp trong 10 năm qua cũng rất bị hạn chê.
Theo GS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam rất tâm huyết và mong muốn được đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội. GS Lương kể, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đưa hai chỉ tiêu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vào chỉ tiêu quốc gia nhưng đến 2010 lại loại bỏ hai chỉ tiêu đó.
Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam có gửi công văn cho MTTQ góp ý về vấn đề này. Quốc gia nào trên thế giới cũng có chỉ tiêu này tại sao Việt Nam lại không có nhưng công văn gửi đi không có hồi âm. Ông cho biết thêm, ngay bản thân ông nhiều khi muốn góp ý nhưng cũng không biết gửi cho ai. Có ý kiến ông gửi từ tháng 10/2011 nhưng đến tháng 5/2012 phía MTTQ mới thông báo nhận được.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, nhiều hội khoa học bị coi nhẹ trong việc tham gia xây dựng các dự án, chương trình. Chúng tôi đã từng xin Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một chương trình liên quan đến sách giáo khoa nhưng bộ không cho. Vấn đề chính ở đây là cần tạo điều kiện cho các hội được quyền làm giám sát phản biện thực sự.
Việc coi trọng khoa học vẫn là lý thuyết
Theo GS Nguyễn Quang Thái, muốn tận dụng được đội ngũ trí thức trong và ngoài nước tham gia vào giám sát, phản biện xã hội thì MTTQ với tư cách là người đại diện chung của các giới đồng bào cần có cơ chế để tin tưởng và tận dụng hơn đội ngũ trí thức. Cũng theo ông, ngoài cơ chế đặt hàng nên có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học chủ động đề xuất góp ý. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, làm sao để các hội khoa học được phát triển, trở thành một yếu tố của xã hội dân sự.
Theo GS Trần Đình Long, các nhà khoa học có muốn phản biện một vấn đề thì trước hết cần có thông tin đầy đủ. Nếu Bộ chủ quản không cung cấp đầy đủ thông tin cũng khó phản biện. Ngay việc tập hợp các nhà khoa học để tổ chức phản biện như thế nào cũng cần có cơ chế. Vì thế, theo ông, để vai trò giám sát, phản biện xã hội đi vào thực chất cần thể chế hóa nhiều nội dung.
Bên cạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội, các nhà khoa học cũng bày tỏ trăn trở khi khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành công cụ phát triển kinh tế xã hội. Theo GS Trần Đình Long, việc coi trọng khoa học công nghệ vẫn là lý thuyết, là bình hoa tiếp khách chứ chưa thực sự coi trọng KHCN là động lực để phát triển.
GS Nguyễn Lân, Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ lo ngại việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của chúng ta chưa quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ. Có một thực tế đang diễn ra là nhà sản xuất chỉ lo chạy dự án trong khi nhà quản lý lại coi việc có hay không có KHCN cũng không sao.
Giáo sư Lê Du Phong, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng: Muốn cho Việt Nam phát triển nhanh thì thay đổi lại nhận thức về đội ngũ trí thức, phải sử dụng đội ngũ trí thức là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Ông cho hay, nhân loại đã chuyển sang nền kinh tế trí thức rồi mà chúng ta vẫn xác định chủ thể của nền kinh tế giờ đây là giai cấp công nhân là lãnh đạo, nông dân là lực lượng chủ chốt thì sẽ không bao giờ có được chủ trương, chính sách đúng đắn để đẩy nước Việt Nam đứng lên so với thế giới.
Ghi nhận những kiến nghị của các nhà khoa học, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ tiếp nhận và báo cáo các cơ quan liên quan xem xét xác định Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội; đồng thời khẳng định MTTQ sẽ tích cực huy động đội ngũ chuyên gia tham gia một cách hiệu quả và kịp thời vào việc tổ chức diễn đàn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học, nhất là việc phản biện các văn bản chính sách pháp luật.
Tăng cường nhận thức về vai trò của KHCN
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, để đổi mới KHCN cần đổi mới về nhận thức và coi đây là tiền đề để phát triển KHCN. Để làm được việc này cần có chương trình truyền thông thay đổi nhận thức về KHCN.
Ông đề xuất nên có một quyển sách công bố hàng năm nói về sự phát triển đội ngũ trí thức, kiến nghị của đội ngũ này.
Việc này vừa để ghi nhận khuyến khích tôn vinh đóng góp của đội ngũ trí thức và chuyển tải thông điệp của đội ngũ tri thức đến với xã hội một cách thường xuyên.