Làng khoa bảng bên bến Tam Soa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không chỉ biết đến là ngôi làng cổ có trên 600 năm tuổi mà Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) còn là một trong 20 làng quê đứng đầu khoa bảng của Việt Nam.

Nôi đất học

Khép mình bên bến Tam Soa hiền hoà, làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi đúc kết tinh hoa hội tụ từ ba con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và sông La. Có sông uốn quanh, có núi bao bọc, vì những yếu tố đó mà khí hậu nơi đây ôn hoà, làng quê bình yên, con người đầy khí chất nho nhã, văn chương.

Trong các triều đại phong kiến, làng Đông Thái được biết đến là làng khoa bảng khi có 24 người đỗ tiến sĩ. Trong đó phải kể đến nhiều danh nhân nổi tiếng đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực cho đất nước như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng… Đến nay, sau hơn 600 năm hình thành và phát triển, Đông Thái vẫn giữ di tích, đền thờ ghi công những con người quê hương có công trạng với làng, với đất nước.

Làng khoa bảng bên bến Tam Soa ảnh 1

Cổng dẫn vào làng khoa bảng Đông Thái.

Không còn nuôi tằm, không còn dệt vải, nhưng tiếp nối truyền thống vùng đất học, những người phụ nữ xưa đã hóa thân vào người mẹ Tùng Ảnh hôm nay để tiếp tục nuôi giấc mơ con đỗ đạt thành tài từ những hạt lúa ngoài đồng.

Khi hỏi về làng, ánh mắt ông Phan Tự Hùng (72 tuổi, trú làng Đông Thái) sáng rực đầy tự hào. Với ông Hùng được sinh ra và sống ở mảnh đất truyền thống hiếu học này là điều hạnh phúc.

Cũng như nhiều gia đình ở làng Đông Thái, niềm vui của người đàn ông ở tuổi xế chiều là 3 người con được nuôi ăn học, nay đều thành đạt. Người con đầu đang giảng dạy tại một trường THPT ở huyện Lộc Hà, người con thứ 2 đậu tiến sĩ năm 30 tuổi và đang làm việc tại một trường Đại học ở Anh, còn cô con gái út cũng đang làm kiểm toán tại một đơn vị Nhà nước.

Làng khoa bảng bên bến Tam Soa ảnh 2

Ông Phan Tự Hùng tự hào khi mình được sinh sống ở mảnh đất học Đông Thái.

Ông Hùng chia sẻ, từ năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ cùng những thanh niên trai tráng ở làng. Trong khoảng thời gian 15 năm ông đi bộ đội, bà Phan Thị Sơn (vợ ông Hùng) đảm nhận việc đồng áng và nuôi 3 người con ăn học. Một mình cáng đáng làm 6 sào ruộng, kiêm thêm nghề bán đậu phụ, từ những hạt thóc ngoài đồng bà Sơn lần lượt nuôi 3 người con ăn học, đậu vào những trường tốp của cả nước.

“Nuôi con ăn học ngày ấy gian nan lắm. Tôi đi bộ đội nên chủ yếu ở nhà vợ chăm lo cho con ăn học đủ đầy. Hầu như cả làng này truyền thống hiếu học vì thế để nói đến số người con đỗ đạt giáo sư, tiến sĩ… thành công ở làng đếm không xuể. Đi đến đâu nghe nhắc đến tên làng Đông Thái là lòng rạo rực đầy tự hào”, ông Hùng chia sẻ.

Xã có hàng ngàn giáo sư, tiến sỹ

Từng là nơi đứng chân của nhiều trường học trong kháng chiến chống Pháp nên với người dân nơi đây, sự nghiệp giáo được họ coi đó là nhiệm vụ của mỗi gia đình, dòng họ và cá nhân.

Chính vì thế, việc học ở đây được quan tâm nhiều nhất, nó ăn sâu vào tâm trí từ cụ già đến các em nhỏ. Người Đông Thái thường động viên nhau, ngoài làm nông thì nghề chính là “nuôi con ăn học”. Những năm qua, việc xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được các làng đưa vào hương ước.

Gia đình ông Mai Quốc Tề (64 tuổi) được nhiều người làng Đông Thái nhắc đến, thậm chí lấy thước đo làm chuẩn mực khi có 4 người con ăn học thành tài. Người con trai đầu của ông đang công tác tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật quân sự, con trai thứ hai đang làm trong một công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cậu ba là giáo viên, con gái út đang làm ngân hàng. Ông Tề tự hào nói rằng, dù làm nghề nông nhưng vẫn cố gắng nuôi được các con ăn học đến nơi đến chốn.

Làng khoa bảng bên bến Tam Soa ảnh 3

Nhà văn hoá làng Đông Thái, cạnh bên là ngôi nhà trí tuệ vừa được xây dựng.

“Thời điểm 4 con vào đại học, vợ chồng bán lúa, cầm cố tiền lương nhiều lúc vẫn không đủ để nộp học phí cho con. Dù cuộc sống lúc đó khó khăn, nhưng vẫn luôn cố gắng động viên các con học hành”, ông Tề kể lại.

Việc các con em học hành thành tài, đỗ đạt cao không phải là câu chuyện hiếm có tại làng Đông Thái. Nhiều gia đình trong làng đều có con em là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Trong số đó, có những người đang giữ nhiều vị trí quan trọng ở Trung ương hoặc đang công tác, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Chỉ tay vào ngôi nhà trí tuệ vừa được xây dựng xong, ông Phan Trọng Nhượng (74 tuổi) chia sẻ: “Nơi đây giờ lưu giữ hàng ngàn đầu sách và những vật dụng gắn bó với nông nghiệp từ thời trước đến nay. Chúng tôi mong muốn con em tiếp tục phát huy được tinh thần hiếu học tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hoá vốn có của làng từ bao đời nay”.

Làng khoa bảng bên bến Tam Soa ảnh 4

Ngôi nhà trí tuệ tại thôn Đông Thái nhằm giáo dục truyền thống của tất cả các thế hệ đối với tầng lớp trẻ.

Ông Nhượng trước là giáo viên dạy Toán trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ), kể từ khi nghỉ hưu, hai vợ chồng cựu giáo viên chọn cho mình cuộc sống bình yên ở quê, thi thoảng giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Dù khá tiếc nuối khi hai người con không ai theo nghề của bố mẹ, nhưng hiện tại đều đã thành công ở công việc ngoài xã hội.

Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh chia sẻ: "Tiếp nối truyền thống, Tùng Ảnh luôn lấy sự nghiệp giáo dục làm mục tiêu hàng đầu. Mỗi năm huy động quỹ khuyến học, khuyến tài lên đến hàng tỷ đồng. Mới đây địa phương xây dựng thêm ngôi nhà trí tuệ tại thôn Đông Thái nhằm giáo dục truyền thống của tất cả các thế hệ đối với tầng lớp trẻ".

Ở xã Tùng Ảnh người dân không đặt nặng việc học hành để thoát nghèo mà học vì danh dự bản thân. Từ thời Cần Vương đến nay, toàn xã Tùng Ảnh đã sản sinh hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, trong đó nhiều người đóng góp lớn cho xã hội. Ngoài đầu tư xây dựng hệ thống trường học khang trang, đầy đủ, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được xã Tùng Ảnh đặc biệt quan tâm.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.