Đàn ông Nước Ka ai cũng miệng đỏ răng đen, cả đời không biết … đánh răng ! . Ảnh: Nguyễn Thành |
Làng Nước Ka trước ở xã Trà Giáp (Bắc Trà My - Quảng Nam) là nơi trú ngụ của hàng chục hộ gia đình người dân tộc Cor. Nay Nước Ka nhường đất cho thủy điện sông Tranh 2 tái định cư lên thôn 4 xã Trà Bui với 88 hộ dân được xem là thôn lớn trong vùng.
Hôm chúng tôi đến vào dịp dân làng đang chuẩn bị chuyển lên vùng tái định cư mới ở Trà Bui. Người Cor rất chú trọng đến tính cộng đồng nên mỗi lần nhà nào có việc là dân làng lại xúm nhau chung sức. Khi đàn bà lo chuyện nước nôi, bếp núc. Đàn ông vây nhau dưới gốc cây lớn nói chuyện râm ran. Giữa họ là một rổ lớn đựng đầy trầu cau. Rổ trầu cau loáng cái được chuyền tay chia hết cho mọi người.
Theo quan niệm của người Nước Ka, khách vào làng thì khách phải chào dân làng trước, dân làng mời dùng gì khách phải dùng thứ đó, nếu từ chối nghĩa là thiếu tôn trọng, dân làng không vui. Tiếp miếng trầu lá cau từ tay anh Hồ Văn Lời chủ ngôi nhà dân làng đang tháo dỡ, cố nhai nuốt, vị cay nồng của trầu, cau và vôi, trong chốc lát tôi nóng phừng mặt, hai vành tai nóng ran, choáng, đi đứng không vững. Tóm lại là đã bị say trầu. Mọi người thấy vậy cười vang.
Đi quanh làng Nước Ka, nhà nào cũng trồng cau và trầu. Trong nhà lúc nào cũng có sẵn trầu cau để mời khách. Cau người Cor không chẻ miếng, trầu không têm hình, cánh phượng như người miền xuôi. Tất cả được để nguyên, ai ưng ăn như thế nào thì ăn. Cách ăn trầu của người Cor cũng khác, không tuân theo quy luật nào, ăn nhiều ít tuỳ sở thích và độ nghiền.
Theo một nhà nghiên cứu văn hoá người dân tộc thiểu số Quảng Nam, đối với người người dân tộc Cor, lo trầu cau phải là việc của người phụ nữ thể hiện trách nhiệm của họ với chồng con, bạn hữu của chồng. Trầu cau khi ăn vào sẽ nóng người, gây hưng phấn ở đàn ông nên phụ nữ chú trọng đến chuyện này cũng là điều dễ hiểu.
Chuyển đến nơi ở mới, người dân luyến tiếc vườn cau, vườn trầu rồi sẽ bị chìm xuống lòng hồ thủy điện. Dọn nhà cửa, đồ đạc người dân không quên mang theo vài hạt cau giống, cây cau non, nhành trầu để trồng nơi ở mới. Cầm mấy hạt cau giống và vài nhánh trầu, già Ơn tiếc nuối: “Không biết bao giờ mới có được những vườn cau, vườn trầu dân làng thả sức ăn. Trầu cau mua từ xuôi lên làm sao ngon bằng dân làng trồng được”.
Đàn ông Nước Ka ăn trầu mọi nơi mọi lúc. |
Nước Ka có hộ người Kinh duy nhất là gia đình anh Trần Văn Thanh. Lên đây lập quán buôn bán ở đầu làng hơn 10 năm nay, giờ đây cũng nghiện ăn trầu. Anh Thanh vui vẻ: “Ban đầu tôi đâu có biết ăn. Lên đây ở gần bà con rồi nghiện lúc nào không hay. Đàn ông ngồi uống rượu cũng nhai trầu thay mồi nữa. Ở đây, mặt hàng gì mang lên cũng bán chạy. Duy chỉ mỗi kem và bàn chải đánh răng là… ế nặng !”. Nhìn dân làng Nước Ka ai cũng miệng đỏ, răng đen thì vụ kem bót đánh răng bị ế ẩm như anh Thanh nói là lẽ đương nhiên!