Làng chạy sóng

TP - “Hồi xưa nhà tôi nằm giữa làng, thế mà giờ sóng biển đã vào đến tận hiên rồi. Sóng nuốt trôi bao nhiêu nhà dân, nhiều người tháo chạy đi nơi khác. Còn mấy chục hộ bám trụ thì cứ mỗi năm lại gồng lưng xúc cát, đắp kè, nhồi cọc tre để chắn sóng nhưng cứ như dã tràng xe cát…”, ông Trương Công Trực thở dài.

Tình trạng sạt lở, xâm thực tấn công khiến nhiều người dân gọi làng Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là “làng chạy sóng”. Mỗi năm biển lại xâm thực, ăn sâu vào đất liền, “nuốt chửng” cả dãy nhà, dân nơm nớp nỗi lo làng bị xóa sổ.

Đến hẹn lại…chạy

Ngôi nhà ông Trương Công Trực (68 tuổi, ở thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) chỉ còn cách biển vài chục bước chân. Mỗi ngày nghe sóng xô rát rạt. Cạnh đó, ngôi nhà của anh Trương Công Tuân, con trai ông bị hư hại, bỏ không mấy năm nay. Ông kể, cơn bão năm 2002 dỡ mái, xô đổ cửa nhà và làm hỏng hầu như toàn bộ vật dụng của ngôi nhà cấp 4 chỉ mới xây được vài năm. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng con trai ông khăn gói vào Nha Trang để mưu sinh. Vợ chồng ông già rồi, chẳng đi đâu được nữa đành tiếp tục trú ngụ trong ngôi nhà cũ sát biển.

Làng chạy sóng ảnh 1

Bà Vân và ngôi nhà bị hư hỏng bởi mưa bão, sạt lở

Ngôi nhà với nhiều vết nứt, kính cửa vỡ là dấu vết của những mùa mưa bão đi qua. Ngay cửa chính ngôi nhà, mặt kính vị vỡ nát một góc được dán keo chằng chịt. Ông Trực nói đây là hậu quả của cơn bão năm ngoái. Dù trước khi di dời ông đã lo dọn đồ, chằng chống vậy nhưng sức công phá của gió bão vẫn gây thiệt hại cho gia đình.

Gia đình thuộc diện di dời đến khu tái định cư mới nhưng qua nhiều lần làm việc giữa chính quyền và người dân không thống nhất được. “Vợ chồng tôi già rồi, quanh năm làm lụng vừa đủ sống chứ tiền đâu mà dành dụm. Giờ đến nơi ở mới, họ cấp cho vỏn vẹn một trăm mét vuông đất và 20 triệu đồng thì xây nhà kiểu gì?!”, ông nói.

Để bảo vệ nhà cửa, hằng năm mấy hộ dân lại hùn sức xúc cát đắp bờ, rồi thì đóng cọc tre gia cố. Năm ngoái dân làng đắp 600 bao cát để kè, có người chở tre về đóng cọc để làm kè chống sạt nhưng rồi qua một mùa mưa bão đâu lại vào đấy.

Gương mặt bạc phếch, đôi mắt ông đăm chiêu nhìn ra trước nhà. Đập ngay vào mắt là hình ảnh nham nhở bờ biển đã bị sóng ngoạm sâu. Những gốc cây phi lao bật chỏng gọng, gạch đá móng công trình nhô ra trước từng đợt sóng hắt. Ông kể, khi vợ chồng ông về đây nhà ông nằm giữa làng. Phía trước là cả mấy dãy nhà san sát, muốn ra biển phải đi cả cây số. Nhưng tình trạng xâm thực bờ biển ngày một nghiêm trọng, mỗi năm lại tiến gần vào, “nuốt” cả loạt nhà dân.

Nhà bà Nguyễn Thị Vân (66 tuổi) cũng trong tình cảnh tương tự. Bà nói giờ đang phải ở ké nhà của con, còn ngôi nhà của bà bị sóng biển đánh sập cách đây mấy năm. Dẫn chúng tôi đi vòng ra phía sau, sát mép sóng là “xác” ngôi nhà cấp 4 chỏng chơ. “Đây mới là nhà của tui, nhưng mưa bão sóng lớn đánh sập rồi, cũng may mấy mẹ con chạy kịp”, bà Vân kể.

Tai họa ập xuống cách đây đúng 5 năm. Lúc đấy là nửa đêm, mưa như trút, rồi gió nổi lên bốc dỡ cả mái nhà đi, nước ngập ngang người. Mấy mẹ con quờ quạng, dắt díu nhau vừa khóc vừa tháo chạy. Cũng may người không việc gì nhưng tài sản thì mất hết. Nỗi ám ảnh kinh hoàng luôn hiện hữu mỗi mùa mưa về. Ngôi nhà của con trai nơi mấy mẹ con đang trú ngụ giờ cũng không còn cách biển là mấy. Gió vẫn thông thốc quật vào, cứ có mưa lớn là cả nhà lại kéo nhau chạy. Mùa này, đồ đạc trong nhà luôn gói sẵn trong bì nylon sẵn sàng dọn đồ tránh trú.

“Chính quyền kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho người dân. Phương án làm kè biển cũng được địa phương đề xuất nhiều năm nay nhưng chưa được duyệt. Để đảm bảo tài sản gia đình, nhiều người dân tự góp tiền, của, công sức để làm kè bảo vệ”.

Ông Trần Văn Siêm, Chủ tịch UBND xã Duy Hải

Bao giờ an cư?

Theo phương án được chính quyền công bố thì mỗi hộ dân đồng ý di dời sẽ được phân một lô đất và hỗ trợ tiền mặt 20 triệu đồng. Bà Vân nghĩ, bản thân đã lớn tuổi, giờ kinh tế dựa vào người con trai làm nghề biển nhưng nếu dời đi chỗ khác vừa không có tiền làm nhà, công việc của con trai cũng khó mà duy trì được. Anh Nguyễn Sen, con trai bà Vân cho hay, anh đi bạn cho tàu đánh bắt ở biển Cù Lao Chàm, tiền công tạm đủ nuôi gia đình. Ngôi nhà đang ở là tiền tích cóp và vay mượn cả thảy hơn 350 triệu đồng. Nợ còn chưa trả hết, giờ di dời đi chỗ khác chỉ với một mảnh đất và 20 triệu đồng thì không cách nào dựng nhà được. Chưa kể, chỗ ở mới cách đây 4 cây số khiến việc duy trì công việc hiện tại hết sức khó khăn.

Đi không được, ở cũng chẳng xong. Cứ mưa đến thì mấy chục hộ dân thôn Trung Phường lại góp tiền của công sức làm kè chống sạt lở. Chống sao được với sức gió, với những con sóng lớn cứ chồm vào mỗi ngày một hăng! Kè mềm bằng bao cát, hàng rào tre không chống được sức quật phá của sóng biển. Mới đây một người dân đã bỏ tiền thuê người làm kè cứng chạy dọc bờ biển.

Làng chạy sóng ảnh 2
Bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hoài Văn

Chủ tịch UBND xã Duy Hải Trần Văn Siêm cho hay, tình trạng xâm thực bờ biển xảy ra cả chục năm nay và ngày một nghiêm trọng. Nước biển dâng cao nuốt chửng nhà cửa, đất trồng trọt của người dân thôn Trung Phường, mức độ tàn phá khủng khiếp khoảng 3 năm gần đây.

Hiện nay, hơn 1km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục hộ dân trong diện bị ảnh hưởng. Biển ăn sâu vào đất liền khiến không chỉ người dân mà chính quyền cũng hết sức lo lắng, xã liên tục đề xuất làm kè bảo vệ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được triển khai. Lo sợ trước sự tấn công của sạt lở, xâm thực, nhiều người bán nhà hoặc đi nơi khác sống. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đến khu tái định cư để đề phòng những tình huống bất trắc do sạt lở gây ra, tuy nhiên một số hộ chuyển đi nhưng nhiều người không đồng tình vì đất vườn của họ rộng, muốn chia cho con cái nên không nỡ bỏ vườn tược dời đến khu tái định cư có diện tích nhỏ hơn.

“Các hộ dân không đồng ý với phương án hỗ trợ. Đúng là với thực tế hiện nay thì 20 triệu đồng khó mà dựng nhà, có những hộ đông khẩu (người) nên với 100m2 họ khó thể xoay xở đủ chỗ ở, nhưng quy định là như vậy rồi. Chỉ còn cách tuyên truyền cho bà con, làm sao phải an toàn tính mạng trước đã”, ông Siêm cho biết.

MỚI - NÓNG