TPO - Những ngày này, đến làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) dể dàng nhận ra không khí làm việc rộn ràng, tất bật của những cơ sở làm bún, bánh để kịp thời sản xuất những mẻ bún, bánh đủ lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước dịp Tết Nguyên đán này.
Tại làng An Thái hiện có hàng chục hộ gia đình, cơ sở sản xuất bún - bánh. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc. "Hút hàng" nhất là các thị trường phía Nam và Tây Nguyên.
Nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất bún - bánh phải tranh thủ cho kịp đáp ứng nhu cầu Tết.
Thời gian cuối năm, hoạt động sản xuất bún - bánh thêm phần nhộn nhịp tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hộ ông Võ Văn Tâm – một trong những hộ gia đình có nhiều năm trong nghề làm bún chia sẻ: Đây là nghề gia truyền của gia đình. Công việc này thì làm quanh năm, nắng thì làm mưa thì nghỉ. Những ngày này phải tranh thủ làm để kịp đáp ứng cho thị trường.
Để làm ra một mẻ bún gồm rất nhiều công đoạn. Tuy nhiên, các công đoạn này không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ đều có một bí quyết riêng.
Bột sau khi được cho vào một dụng cụ dạng hình cái phễu để cho ra những sợi bún, trong nồi nước nóng sẽ được vớt ra.
Bún sau khi vớt ra sẽ được ngâm sơ qua nước lạnh, cho ra tấm phênh bằng tre và đem đi phơi nắng.
Tùy vào mỗi loại bún, bánh mà bột nguyên liệu sẽ khác nhau, có thể là bột mỳ (sắn), đậu xanh hoặc bột gạo.
Thông thường, bún hoặc bánh sẽ khô sau 4 - 5 tiếng nếu nắng đẹp.
Chị Lê Thị Thủy cho biết, mỗi ngày chị kiếm được 165.000 đồng từ công việc phơi bún - bánh.