Làng ‘ba không’

Làng ‘ba không’
Chỉ vì chưa thống nhất việc thu hồi đất để quy hoạch thôn mới mà người dân thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan, H. Ea Sup, Đắc Lắc) phải cam chịu cuộc sống thiếu nhiều tiện nghi văn minh: không điện thắp sáng, không trạm y tế và không trường học.

Làng ‘ba không’

> Những cuốn từ điển tiếng dân tộc thiểu số vô giá
> Thót tim cảnh 2.500 người 'đu dây' qua sông

Chỉ vì chưa thống nhất việc thu hồi đất để quy hoạch thôn mới mà người dân thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan, H. Ea Sup, Đắc Lắc) phải cam chịu cuộc sống thiếu nhiều tiện nghi văn minh: không điện thắp sáng, không trạm y tế và không trường học.

 Một góc làng An Kỳ với những mái tôn lúp xúp
Một góc làng An Kỳ với những mái tôn lúp xúp.

Làng tự cung tự cấp

Năm 1995, những người Mông và Dao đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng di cư vào vùng rừng rậm thuộc H. Ea Sup chọn tiểu khu 265 và 271, thuộc sự quản lý của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Cư Ma Lanh tìm lập làng. Lúc này, ngôi làng chưa thành hình, chỉ khoảng chục hộ dân sống giữa rừng già, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Năm 2003, dân số làng tăng lên 35 hộ và năm 2007 tăng thành 100 hộ. Đường vào làng là con đường mòn do người dân tự tạo ra, luồn giữa cây rừng mà đi. Làng vẫn chưa có tên gọi chính thức và không đặt trong sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương. Người dân hay gọi đây là làng bà An Kỳ, làng đất đỏ, làng người rừng... Sở dĩ có những cái tên như vậy là do làng này từ trước đến nay do bà Bàng Diệu An Kỳ làm trưởng làng, khu vực này toàn đất đỏ phì nhiêu và ngôi làng sống hoàn toàn dựa vào rừng.

Theo phong tục của làng, trẻ em sinh ra được người mẹ cúng gửi thần rừng, phó thác số mệnh của em cho núi rừng chăm sóc. Đến khi lập gia đình thì lại làm lễ cảm tạ trời đất, núi rừng đã cưu mang. Số mạng các em được trả lại về cho gia đình nắm giữ. Trẻ con sinh ra ở đây không được học hành. Khi lên 12 tuổi, các em làm lễ trưởng thành, thề sống trung thành với rừng, được người lớn dẫn đi rẫy, truyền cho nghề săn bắt thú rừng. Hai ba tháng, người dân trong làng rồng rắn kéo nhau ra chợ huyện, mang các sản vật họ tự sản xuất được là mì, ngô đổi lấy những thứ cần thiết. Nguồn sáng ban đêm vẫn là củi lửa, đèn dầu là thứ xa xỉ mà không phải nhà nào cũng đủ khả năng mua. Do đó, khi con gà lên chuồng cũng là lúc người dân lục đục đi ngủ.

Không chỉ thiếu điện thắp sáng, bệnh tật cũng là một nỗi ám ảnh với người dân trong làng. Bà An Kỳ cho hay: “Người dân bị bệnh thì kêu thầy về cúng, khi hết bệnh thì kêu thầy trả lễ. Cũng có khi bệnh nặng thì khiêng đi rừng, có người sốt chết giữa rừng trước khi kịp đến bệnh viện huyện”.

 Trẻ em làng An Kỳ thiếu học hành, lớn lên như con thú, cây rừng
Trẻ em làng An Kỳ thiếu học hành, lớn lên như con thú, cây rừng.

Cuộc kéo co người dân - chính quyền

Mãi đến năm 2011, chính quyền mới xây dựng con đường cấp phối hơn 35 km vào làng, với tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng, xóa đi sự cách trở về không gian địa lý. Từ đó, những người dân khấm khá mới sắm cho mình cái tivi chạy bình ắc quy. Nhưng cái văn minh hiếm hoi này lâu lắm mới được “nói” một lần. Bởi, chỉ khi có khách quý thì gia chủ mới thắp điện, mới mở tivi. Mà làm gì có người nào vào cái làng heo hút chốn rừng thẳm này. Thế nên có tivi, đèn ắc quy nhưng cả năm chỉ mở được đôi lần.

Cũng từ đây, làng có tên gọi hành chính là Bình Lợi thuộc xã Cư Mlan, H. Ea Sup. Theo bà An Kỳ, người đặt tên làng thì Bình Lợi có nghĩa là bình an và lợi lộc. Dù vậy người dân ở đây chỉ có mỗi tấm thẻ tạm trú. Người dân không được cấp sổ hộ khẩu dẫn đến nhiều thủ tục pháp lý cơ bản của người dân không được giải quyết, trẻ em sinh ra và lớn lên ở đây đến tuổi không được cấp chứng minh thư nhân dân, không thể đăng ký kết hôn, không thi lấy giấy phép lái mô-tô...

Ngôi làng đến nay vẫn không có điện, không trường học, không sự chăm sóc y tế. Gánh chịu hậu quả của sự chối bỏ văn minh này là thế hệ tương lai. Bà An Kỳ thống kê, cả làng có 270 cháu nhỏ hơn 15 tuổi. Số trẻ em đi học đếm chưa đủ đầu một bàn tay.

Lý giải về cuộc sống thừa sự thiếu thốn của người dân làng Bình Lợi, ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư Mlan cho biết: “H. Ea Sup tổ chức quy hoạch khu dân cư mới ở hai tiểu khu 271 và 265 với tổng diện tích gần 1.700 ha. Do đất đai của người dân là đất rừng lấn chiếm trái phép nên chúng tôi chủ trương thu hồi toàn bộ, cấp lại mỗi hộ dân 1.000 m2 đất thổ cư và 1 ha đất sản xuất. Diện tích đất còn lại của người dân, huyện chủ trương giao về cho chủ rừng quản lý. Nhưng người dân không chịu, quy hoạch chưa thực hiện được nên chưa có kinh phí xây dựng trường học, trạm xá và kéo điện về thôn”.

Về phía người dân, anh Lục Văn Ngọc cho biết anh và gia đình vào đây từ năm 2002. “Ba anh em khai phá được hơn 3 ha đất. Giờ chia mỗi người một ha ai làm nấy ăn. Xã thu lại đất và cấp đất theo hộ thì chúng tôi không đủ ăn”, anh Ngọc tính toán. Anh em của Ngọc trồng mì khéo lắm mới đủ ăn. Tương lai của cả nhà hơn chục miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy ha cao su vừa trồng được 2 năm.

Với lý giải như trên mà cuộc “kéo co” đất đai giữa chính quyền và người dân kéo dài đã 2–3 năm nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Ông Thước cho biết, chính quyền tổ chức nhiều cuộc họp dân thương thuyết nhưng chưa bên nào chịu bên nào. Sự việc sẽ không dây dưa, kéo dài nếu chính quyền kiểm soát dân di cư tự do tràn đến làng sau khi mở con đường cấp phối. Bởi số lượng dân gốc của địa phương chỉ gần 170 hộ dân đa phần đồng ý với quy hoạch, nhưng hơn 130 hộ dân mới đến 2–3 năm không đồng tình với phương án thu hồi đất.

Trong khi đó, người dân lại mong muốn có trường học và trạm xá để cải thiện chất lượng cuộc sống. Cuộc “kéo co” vẫn chưa ngã ngũ và trẻ em của làng đang phải chịu thiệt thòi rất lớn.

Theo Hoàng Táo
CAĐN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG