Làn sóng trả mặt bằng chưa dứt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) cùng với thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng... tác động không nhỏ đến kinh doanh bán lẻ truyền thống. Thay vì đến cửa hàng, cửa hiệu để mua sắm, ăn uống, nhiều khách hàng đã chuyển sang đặt hàng trực tuyến.

Từ nhiều tháng nay, nhiều cửa hàng ở những tuyến phố sầm uất, trung tâm thương mại nổi tiếng tại Hà Nội, dù nằm ở các vị trí đắc địa, liên tục treo biển cho thuê nhưng vẫn ế khách thuê. Không ít tuyến phố có hàng chục cửa hàng treo biển sang nhượng, xả hàng để trả mặt bằng trong bối cảnh kinh doanh không mấy thuận lợi.

Làn sóng trả mặt bằng chưa dứt ảnh 1

Mặt bằng ở các phố lớn, trung tâm Hà Nội bỏ trống nhiều tháng vì không có người thuê. Ảnh: Đỗ Dương

Dọc phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), theo ghi nhận của PV Tiền Phong, có khoảng 20 mặt bằng bỏ trống, treo biển cho thuê. Các tuyến lân cận như Giảng Võ, Kim Mã, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, các phố mua sắm sầm uất như Bà Triệu, phố Huế, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, hay khu vực trung tâm phố cổ… cũng trong tình trạng “mặt bằng bỏ trống ngóng khách thuê”.

Theo người dân sinh sống trên phố Hàng Ngang, trước có căn nhà mặt tiền 6m vốn có giá thuê rất cao, nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, khách cũ trả mặt bằng, đến nay vẫn chưa tìm được người thuê dù giá cho thuê đã giảm một nửa.

Nằm ngay sát các khách sạn phố cổ, hằng ngày chứng kiến du khách quốc tế ra vào tấp nập, hàng quán xung quanh buôn bán khá hơn, nhưng bà Tô Quỳnh Trang (chủ cho thuê mặt bằng ở phố Hàng Gà) vẫn ngán ngẩm khi nhiều tháng nay chưa thể cho thuê căn nhà 2 tầng có cửa hàng diện tích tới 90m2 của gia đình.

Theo bà Trang, giá cho thuê cả căn nhà là 80 triệu đồng/tháng và giữ nguyên, không tăng trong suốt 5 năm qua. “Tôi cho thuê qua môi giới và rao trực tiếp nhiều tháng nay nhưng chưa tìm được người thuê”, bà Trang cho biết. Bà đang tính cho thuê theo tầng, chia nhỏ mặt bằng để dễ cho thuê với giá thấp hơn.

Tình cảnh đìu hiu cũng xảy ra ở nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng ở Hà Nội. Không ít quầy, ki ốt bỏ trống, không khí mua sắm ảm đạm, có nơi chỉ lác đác người đi dạo, tránh nóng. Khu vực mua sắm, thời trang, gia dụng… đặc biệt vắng vẻ, có tầng khoảng một nửa mặt bằng để không.

Chị Vân Anh (bán hàng tại một trung tâm thương mại ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: ‘Ngày thường, khách ra vào rất ít, chứ đừng nói đến khách mua. Thông báo sắp mở cửa dán ở các quầy bỏ trống đã có từ cả năm trước, nhưng chỉ là thiết kế có sẵn của bên cho thuê, chứ thực tế mặt bằng vẫn đang trống, không ai thuê vì bán hàng cả tháng không đủ tiền trả mặt bằng”.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, phần nhiều mặt bằng bỏ trống trước đây được dùng làm cửa hàng quần áo, phụ kiện, và một số là ăn uống. Đây cũng là những lĩnh vực ghi nhận thay đổi đáng kể trong thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng thời gian gần đây.

Kiểm tra ứng dụng mua sắm trực tuyến hay dùng, chị Phương Anh, nhân viên văn phòng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị bị bất ngờ khi phát hiện mình đã đạt hạng thành viên kim cương chỉ sau nửa năm tham gia mua sắm trên mạng. Chỉ 10 ngày đầu tháng 7, chị Phương Anh đã đặt 13 đơn hàng qua ứng dụng chỉ hết 2,5 triệu đồng cho các nhu cầu ăn uống, thời trang, mỹ phẩm.

Khảo sát thói quen tiêu dùng tại Việt Nam do PwC thực hiện năm 2023 cho thấy, hình thức mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. 64% người khảo sát dự kiến ​​sẽ tăng tần suất mua sắm trực tuyến.

Đối lập với sự ảm đạm của những tuyến phố hoạt động kinh doanh mua sắm sầm uất một thời, doanh thu các sàn TMĐT liên tục khởi sắc. Theo dự báo của nền tảng số liệu Metric, quý II/2024, tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop) sẽ đạt khoảng 85.000 tỷ đồng.

Sức mua còn yếu

Một khảo sát thực hiện trên 30.000 doanh nghiệp vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, sức mua yếu. Điều này phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,6% (thấp hơn con số 11% của năm trước).

MỚI - NÓNG