Làn sóng rót trăm triệu đô mở trường đua ngựa

Kỵ sĩ đua ngựa ở trường đua Đại Nam (Bình Dương). Ảnh: Thành Nguyễn
Kỵ sĩ đua ngựa ở trường đua Đại Nam (Bình Dương). Ảnh: Thành Nguyễn
Sau một thời gian dài im ắng, nhiều dự án trường đua ngựa được các nhà đầu tư khởi động hoặc xin cấp phép, chủ trương đầu tư. 

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Dự án này thực tế là một tổ hợp trường đua ngựa, khu biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị... trên diện tích 125 ha, vốn đầu tư gần 9.600 tỷ đồng (khoảng 420 triệu USD). Riêng hạng mục trường đua ngựa, dự án này có vốn đầu tư gần 350 triệu USD.

Đây không phải là dự án mới bởi chủ đầu tư đã được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm từ hơn chục năm trước. Tuy nhiên, sau đó do vướng khung pháp lý chưa hoàn thiện nên dự án bị dừng lại suốt từ năm 2007 và rục rịch khởi động lại từ cuối năm ngoái. 

Không riêng dự án gần 500 triệu USD tại huyện ngoại thành Hà Nội, một số nhà đầu tư khác cũng rục rịch khởi động, rót vốn vào mở trường đua ngựa gắn với khách sạn, nghỉ dưỡng và kèm hoạt động cá cược...

Cách đây vài ngày, Đà Nẵng đã trao quyết định đầu tư dự án trường đua ngựa và trung tâm huấn luyện, nhân giống ngựa khoảng 200 triệu USD cho Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam.

Việc bỏ hàng trăm triệu USD để đầu tư các dự án giải trí kết hợp bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ sôi động tại đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, tại một số tỉnh phía Nam số dự án được nhà đầu tư muốn rót vốn cũng không ít. Dự án trường đua ngựa tại Phú Yên quy mô đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016. Cuối 2018, Phú Yên có văn bản xin ý kiến Thủ tướng, các bộ, ngành bổ sung kinh doanh cá cược đua ngựa, đua chó cho dự án này.

Cần Thơ cũng cho phép nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng trường đua ngựa và tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng quy mô 150 ha, trị giá 500 triệu USD trên địa bàn tỉnh.

Trong số các dự án đã đầu tư, được cấp phê duyệt, hiện duy nhất trường đua ngựa Đại Nam (Bình Dương) của ông chủ khu du lịch này vận hành, hoạt động từ cuối 2017.

Khung pháp lý hoạt động cá cược đua ngựa được cởi trói khi Nghị định 06 có hiệu lực từ năm 2017 được giới phân tích cho là cơ sở để các nhà đầu tư mạnh dạn rót hàng trăm triệu USD. Nhưng lực hút các nhà đầu tư chính là khoản doanh thu, lãi "khủng" dự tính thu về mỗi năm khi dự án vận hành.

Với dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn (Hà Nội), nhà đầu tư tính toán doanh thu bình quân thu về hơn 4.800 tỷ đồng mỗi năm nhờ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, nghỉ dưỡng. Phía địa phương cũng có lợi khi các dự án dạng này vận hành.

Trong một báo cáo gửi các bộ, ngành, TP Hà Nội tính toán nếu tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (có hoạt động cá cược) tại Sóc Sơn vận hành, số thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình địa phương thu 40-50 triệu USD một năm. Khoản này chưa gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động đua ngựa 100-200 triệu USD mỗi năm. Như vậy, bình quân mỗi năm cơ quan quản lý có thể thu về 140-250 triệu USD tiền thuế (khoảng 5.700 tỷ đồng).

Chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright cho rằng, việc các nhà đầu tư "đua" rót vốn mở các trường đua ngựa đơn thuần là hoạt động kinh doanh bình thường theo quy luật cung cầu thị trường, nên khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. "Việc đầu tư một hay nhiều dự án nên để cho thị trường quyết định, vì chuyện họ đầu tư lỗ hay lãi là do cung cầu thị trường và họ chịu trách nhiệm với dự án của mình", ông Du nói.

Thay vào đó, giảng viên Đại học Fulbright lưu ý tới rủi ro của hoạt động kinh doanh trường đua có cá cược, ngay cả khi đã có khung pháp lý, bởi đây là hình thức kinh doanh mới dễ biến tướng.

Đồng tình việc nên khuyến khích nhà đầu tư kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhiều ý kiến lại tỏ ra thận trọng hơn và cho rằng việc cấp phép các dự án kinh doanh trường đua gắn với đặt cược cần được tính toán tổng thể để hạn chế tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới xã hội địa phương nơi đặt dự án. Chưa kể lĩnh vực kinh doanh này Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, phát triển.

Cảnh báo này có cơ sở khi chính cơ quan tham mưu kế hoạch phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong văn bản trình Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Hà Nội cũng nêu những tác động tiêu cực của dự án. Một trong số đó là diện tích trồng lúa, thu hồi đất dự án trường đua ngựa ở Sóc Sơn lên tới 80 ha nhưng chỉ tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng hơn 3.200 người.

"Đây là một lĩnh vực nhạy cảm nên cơ quan quản lý cũng rất thận trọng. Để thực sự phát triển được thì còn rất nhiều việc phải làm rõ ràng hơn kèm theo những hướng dẫn cụ thể", một chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn các dự án đầu tư nêu.

Dù vậy, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du tin số việc làm, thu nhập mà các dự án đầu tư kinh doanh dạng này đem lại vẫn lớn hơn nhiều nếu quỹ đất đó để trống, hoặc chỉ để đầu tư nông nghiệp hiệu quả thấp.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG