Vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: N.Đ.T |
Mỗi lần nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội là mỗi lần đám bạn bè của chị (trong đó có tôi) lại có dịp “vui như Tết” í éo gọi điện thoại cho nhau hoặc hẹn hò đãi đằng nhà thơ ở đâu đó, ở nhà ai đó…
Cứ thế, sau mỗi kỳ họp hành hay công tác, chị ở lại ồn ào khuấy động không khí bận rộn nhưng buồn tẻ của đám bạn văn nữ Hà Nội vài ngày rồi mới trở về Huế để tròn phận sự của mình với người chồng nổi tiếng chẳng may phải ngồi một chỗ đã gần chục năm nay - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Gần chục năm nay mỗi lần thu xếp được một chuyến đi như thế là cả một cố gắng lớn đối với Lâm Thị Mỹ Dạ. Phải nhờ người đến trông nom anh Tường, thay chị trong ít ngày làm tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ.
Một vài năm chúng tôi mới lại gặp nhau trông ai cũng già đi vậy mà đều không dám nói, chỉ im lặng nhìn hoặc động viên nhau “còn trẻ chán!” để còn chịu khó mà sống.
Ngày xưa còn trẻ, khi xa cách nhau mà gọi điện về sẽ chỉ toàn nói chuyện nhớ thương. Bây giờ dù chưa phải là già nhưng nghe Dạ gọi cho chồng không khỏi rầu lòng với những âu lo “Anh ăn được không? Có rau không? Còn bị “táo” không? Nhớ uống thuốc đều nhé!”.
Cứ thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của nhà thơ hiện nay thì dù có nổi tiếng thế giới hay được rất nhiều giải thưởng danh tiếng cũng không bù đắp lại được với sự mệt nhọc, vất vả khi phải chăm sóc người bệnh như chị gần chục năm trời.
Tâm không nhàn, đầy rẫy lo toan thử hỏi làm sao có thể viết ra thơ cho được? Cho nên chả có gì lạ khi thấy nhà thơ “kéo cờ trắng” trước thơ (tên một bài thơ của chị).
Hơn ai hết, những người làm thơ đều hiểu rằng Thơ là một thứ xa xỉ khủng khiếp, diệu vợi khủng khiếp. Viết thật lòng mình trong hoàn cảnh ấy, không nỡ, không thể. Viết khác đi thật khó làm sao! Trước trang giấy không thể viết những điều giả dối.
Ấy vậy mà chị vẫn vượt lên tất cả để ra sách. Ra Hà Nội lần này chị có quà tặng bạn bè không chỉ hũ mắm trưng đặc sản của Huế mà còn có tập thơ mới in “Hồn đầy hoa cúc dại” với phần bìa vẽ rất sặc sỡ, mát mắt.
Tôi không khỏi kinh ngạc khi chị nói chị còn viết nhạc. Để chứng minh chị tặng luôn một đĩa nhạc do chị vừa mới sáng tác. Cả nhà tôi đều hớn hở ngồi nghe. Một bài hát về Tây Nguyên. Nghe cũng hay.
Xưa nay trong tất cả các loại hình nghệ thuật tôi ngả mũ kính phục nhất đám viết nhạc. Chữ thì ai chả biết vì thế làm một nhà văn hoặc nhà thơ thì cũng… thường thôi!!! Nhưng để làm một nhạc sĩ thì đâu có dễ! Những nốt nhạc đồ mi son đố tròn tròn, be bé cứ nhảy múa loạn sạ cả lên, có phải ai cũng điều khiển được đâu!? Nhất là lại nghe nói chỉ cần học vài bữa nhạc lý cơ bản là viết được tất!
Ấy thế mà Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết bài hát, viết nhạc! Quen nhau đã mấy chục năm nhưng càng ngày tôi càng ngạc nhiên trước những tài năng thiên bẩm, bất ngờ của chị.
Tôi bảo: “Bà không nói phét đấy chứ? Làm sao mà ghi giai điệu một cách chính xác được khi mình mù nhạc?” (trong thâm tâm tôi cứ nghĩ là chị cũng giống như tôi - dân “mù nhạc”) - “Thì mình cứ âm ư cái giai điệu vừa lóe ra trong đầu xong nhờ một người biết nhạc lý chỉnh lại rồi phối khí hộ! Nghĩ ra bài hát mới khó chứ ghi nhạc với phối khí thì khó gì! Mình còn chơi được cả ghi ta nữa đấy!”.
À, ra là thế. Hình như một số bài hát rất hay, rất nổi tiếng gần đây nghe nói cũng được viết theo cách thức như vậy thì phải. Có cái gì giông giống cách của các nghệ sĩ dân gian ngày xưa… Đúng là cách thức để viết ra một bài hát không quan trọng. Điều quan trọng là nghĩ ra, gọi ra được cái hồn, cái cốt lõi, cái giai điệu.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, tôi và chị đã quen biết nhau qua cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Năm ấy chị trúng giải to. Giải Nhất với chùm thơ trong đó có bài “Khoảng trời và hố bom” còn tôi chỉ được giải Khuyến khích với bài “Theo anh vào Trường sơn”.
Năm ấy là năm 1973. Đất nước còn chiến tranh nên không lấy gì làm lạ khi các bài thơ được trao giải trong các cuộc thi thơ đa phần đều phản ánh về cuộc chiến. Phải mang ít nhiều hương vị của chiến trường anh dũng, của hậu phương thủy chung…phải có mùi súng đạn, hy sinh, mất mát…
Nếu có viết về yêu đương thì cũng phải mang tính chiến đấu!!! Những bài thơ về nỗi buồn trong tình yêu nhớ nhung, xa cách nhưng ủy mị, thất vọng, đớn đau… nghĩa là về cái TÔI riêng thuần túy thì hầu như không được hoặc không dám đăng trên mặt báo những năm đó.
Tối hôm trước Mỹ Dạ vẻ vang trong đêm trao giải bao nhiêu thì tối hôm sau tưng bừng trong hạnh phúc ngày cưới với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bấy nhiêu. Khi ấy ông Tường không chỉ là nhà văn, Trưởng ty văn hóa Quảng Trị mà còn là một nhân sĩ trí thức từ bỏ kinh thành Huế cổ kính ra chiến khu đi theo cách mạng.
“Đại Đăng Khoa hôm trước - Tiểu Đăng Khoa liền tay”. Tôi đã viết như thế trong bài thơ “Chiều muộn rồi, Dạ ơi …” in trong tập “Gió thổi tràn qua mặt” để tặng chị, đáp lại bài “Cốm non“ chị viết tặng tôi mấy năm về trước mà chị lấy luôn làm tên tập thơ của chị. Tập thơ “ Cốm non” được chuyển ngữ sang cả tiếng Anh...
Hơn 30 năm trôi qua mà những ngày vẻ vang, hãnh diện của Mỹ Dạ vẫn hiện lên rõ mồn một như mới hôm nào. Trong 10 năm cơ cực chạy chữa và chăm sóc ông Hoàng Phủ, không biết những ngày vui ấy, hạnh phúc ấy có là niềm động viên để chị vượt qua không? Chắc là có.
Khi ấy toàn những tên tuổi lớn của giới văn hóa nghệ thuật đến dự… Nhà thơ Xuân Diệu làm chủ hôn. Văn sĩ trí thức ngày ấy sao mà có giá thế. Oai thế. Hãnh diện thế. Không khí thơ văn lúc ấy sao mà cao sang thế. Hai anh chị đều ở “Khúc ruột miền trung” (anh Quảng Trị - chị Quảng Bình) nơi đang phải hứng chịu nhiều hòn tên mũi đạn nhất nên ai cũng xúm vào chăm sóc, chia sẻ.
Mỗi lần gặp nhau, tôi vẫn thường tấm tắc với Mỹ Dạ, khen chị có đám cưới thật là đình đám đã “đi vào lịch sử” của giới văn nhân nước nhà. Các nhà thơ nổi tiếng ở Hà Nội khi đó cũng không tạo được tiếng vang cho đám cưới của mình như thế! Mỹ Dạ chỉ cười.
Tôi hỏi thăm con gái của Mỹ Dạ - nhà thơ nhí Hoàng Dạ Thi ngày nào nổi tiếng với tập “Cái chuông vú”, giờ còn làm thơ nữa không? Chị kêu lên bằng chất giọng Quảng Bình bao năm không đổi khác “Chu cha, hắn nhìn gương bố mẹ làm văn, làm thơ vất vả quá nên đi làm việc khác rồi…!!! Có thế mới có tiền nuôi bố mẹ chứ, lại còn thuốc thang cho bố nữa”.
Phải, bây giờ thì cuộc sống của Mỹ Dạ cũng đã khá hơn trước nhiều. Đã có nhà mới cho anh Tường ở cho thoáng mát. Tiền tiêu pha xem chừng cũng có vẻ rủng rỉnh hơn.
Vừa rồi cả hai vợ chồng chị đều được nhận giải thưởng Nhà nước, được những 120 triệu đồng! Mỹ Dạ ra Hà Nội, chị em xúm đến chúc mừng nhưng cũng không ai dám “bắt” chị khao bữa nào bởi nghĩ tiền vào nhà chị bao nhiêu cho đủ được! Bao nhiêu thứ chị đang còn cần đến.
Nhìn chị nhiều người cứ nghĩ chị sống hồn nhiên vui vẻ thế thì dường như ít biết căn cơ thu vén gia đình nhưng sự thực lại không phải vậy. Ngoài lúc tâm hồn văn thơ, nhạc họa lãng đãng ra, chị cũng là một người phụ nữ đảm đang, rất biết thu vén, lo liệu cho cuộc sống gia đình. Không thế làm sao trụ được đến ngày nay? Không thế làm sao bao nhiêu năm qua chị đã cùng bạn bè, người thân cứu chữa được cho chồng qua cơn bạo bệnh?
Anh sống được đã là mừng lại còn vẫn viết hay, viết đều. Thế chả đã “anh dũng” lắm rồi sao? Rồi chị lại còn xây được nhà, mua được xe, gây dựng được cuộc sống cho con cái. Đứa nào cũng có nghề nghiệp ổn định, chồng con đàng hoàng.
Nói cho cùng thì người phụ nữ làm thơ, làm văn nào cũng phải vậy thôi. Ngoài chuyện văn chương chữ nghĩa nó là cái nghề, cái nghiệp thì cạnh đó họ cũng cần có cuộc đời thường nhật như mọi người.
Đi chợ, nấu ăn, chi li từng đồng sao cho vừa đủ gìn giữ nhịp sống gia đình lại còn dôi dư phòng khi ốm đau không phải phiền lụy đến bạn bè, xã hội… Bài toán ấy mới thật khó - khó hơn làm thơ nhiều - nhưng mà bất cứ người phụ nữ ở lĩnh vực nào cũng phải trải qua, trừ những nhà tỷ phú. Nhưng tôi đồ rằng tỷ phú có khi còn căn cơ hơn.
Và, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng các bạn thơ nữ của mình ngoài THƠ ra, họ đã và đang sống một cuộc sống đời thường dung dị như vậy đấy.
10/2007