Người đưa Futsal Việt Nam đến World Cup:

Làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nhân

Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mừng đón ông Trần Anh Tú, Trưởng đoàn Futsal Việt Nam và Ðội trưởng Ðội tuyển Futsal Việt Nam Nguyễn Bảo Quân trở về từ vòng chung kết Futsal World Cup 2016, sáng ngày 23/9. Ảnh do ông Trần Anh Tú cung cấp.
Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mừng đón ông Trần Anh Tú, Trưởng đoàn Futsal Việt Nam và Ðội trưởng Ðội tuyển Futsal Việt Nam Nguyễn Bảo Quân trở về từ vòng chung kết Futsal World Cup 2016, sáng ngày 23/9. Ảnh do ông Trần Anh Tú cung cấp.
TP - Ðối với tôi, làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nhân, là một văn hóa doanh nghiệp. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (HFF), kiến trúc sư của nền bóng đá Futsal Việt Nam nói.

Tháng 12/2003, ông Trần Anh Tú lập Cty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam (Thái Sơn Nam), với hoạt động kinh doanh chính là phân phối thiết bị điện của tập đoàn LG (nay là tập đoàn LS, Hàn Quốc). Chỉ sau hơn 4 năm, Thái Sơn Nam đã thiết lập được một trong những hệ thống phân phối thiết bị điện lớn nhất tại khu vực phía Nam, năm 2007-2008 được công nhận là nhà phân phối thiết bị điện LS lớn nhất của tập đoàn LS tại 70 nước trên thế giới. Hiện nay, Thái Sơn Nam là nhà phân phối độc quyền thiết bị điện LS và cáp mạng, cáp viễn thông LS ở khu vực phía Nam.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân thành công của Thái Sơn Nam, ông Trần Anh Tú nói, kiến thức của một kỹ sư điện được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự giúp ông hiểu rõ tính năng của thiết bị, nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Nhưng, theo ông Tú, điều quan trọng nhất mang lại thành công của Thái Sơn Nam là triết lý kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Khách hàng của Thái Sơn Nam luôn được cung cấp hàng hoá và dịch vụ hậu mãi nhanh chóng, kịp thời, với chất lượng cao nhất. Mặt khác, phải làm cho người lao động của Thái Sơn Nam thấy có môi trường làm việc tốt, để họ gắn bó với công ty.

Ngay từ khi được thành lập, Thái Sơn Nam đã có đội bóng đá, để nhân viên vừa rèn luyện sức khỏe vừa giải trí. Khi đội bóng Thái Sơn Nam tham gia các giải bóng đá phong trào của TPHCM, lãnh đạo công ty bắt đầu đầu tư cho đội bóng để có thành tích, rồi lập đội bóng Futsal. Năm 2007, giải Futsal vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức, lúc đó thực chất là giải phong trào, đội Thái Sơn Nam dự giải từ đó đến nay. Sự thành công của đội Futsal Thái Sơn Nam cũng là tiền đề để ông Trần Anh Tú được bầu làm Phó Tổng thư ký HFF nhiệm kỳ 2008 – 2012, Chủ tịch HFF nhiệm kỳ 2012 – 2016.

Làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nhân ảnh 1

Ông Trần Anh Tú (cầm cup) trong lễ kỷ niệm 12 năm thành lập Cty Thái Sơn Nam, ngày 1/12/2015. Ảnh do ông Trần Anh Tú cung cấp.

Ông làm bóng đá Futsal là để quảng bá thương hiệu, phục vụ việc kinh doanh của doanh nghiệp hay để chơi?

“Tôi cho rằng, làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, là một văn hóa doanh nghiệp. Mặt khác, làm thể thao cũng là một cách thư giãn, xả xì-trét, để cuộc sống không bị nhàm chán”. 

Ông Trần Anh Tú

Tôi cho rằng, làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, là một văn hóa doanh nghiệp. Mặt khác, làm thể thao cũng là một cách thư giãn, xả xì-trét, để cuộc sống không bị nhàm chán. Tôi đầu tư vào bóng đá Futsal vì đã có đội bóng Futsal phong trào Thái Sơn Nam, vì thích Futsal.

Nhắc đến Futsal Việt Nam là phải nhắc đến “bầu Tú”, và ngược lại. Ông thấy sao về điều đó?

Tôi không thích người ta gọi tôi là “bầu Tú”, vì cách gọi như thế không phản ánh đúng mối quan hệ của tôi với đội bóng và các cầu thủ. Nhiều lúc, tôi chăm cầu thủ như chăm con, đó là niềm vui của tôi. Việc người ta nhắc đến Futsal Việt Nam mà chỉ nhắc đến tôi cho thấy một hiện thực đáng buồn, còn quá ít doanh nghiệp, quá ít mạnh thường quân đầu tư cho Futsal. Vừa rồi, có người nói ý này ý nọ về việc đội bóng đá Futsal của tỉnh Cao Bằng tham dự các giải đấu, mà thành phần cầu thủ cũng như ban huấn luyện là của Thái Sơn Nam. Nhưng việc các cầu thủ trẻ Thái Sơn Nam ký hợp đồng với Cao Bằng vừa giúp cho họ được thi đấu, vừa là cơ sở ban đầu để xây dựng đội Futsal Cao Bằng, trong lộ trình phát triển Futsal ở các tỉnh phía Bắc. Chúng ta đang quá thiếu cầu thủ Futsal chuyên nghiệp, nếu không tạo điều kiện cho các cầu thủ này thi đấu thì thiệt thòi cho các cầu thủ, cho Futsal Việt Nam. Tôi hy vọng, tới đây sẽ có thêm nhiều người tâm huyết đầu tư cho Futsal.

Người ta đánh giá cao tâm huyết của ông và các cộng sự đối với sự phát triển của Futsal Việt Nam, tinh thần thi đấu trung thực, hết mình của các cầu thủ đội tuyển Futsal Việt Nam, đó có phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành tích lịch sử của đội, lần đầu tiên có mặt tại vòng chung kết Futsal World Cup 2016 và vào đến vòng 1/16?

Trong thể thao, cũng như trong kinh doanh đều cần sự trung thực, tâm huyết, nhưng chỉ vậy không đủ. Cần có cách làm việc khoa học, hợp lý, có chiến lược, lộ trình bài bản. Thành công của Futsal Việt Nam vừa qua là kết quả của 9 năm xây dựng và phát triển theo một lộ trình có tính toán. Mục tiêu đội tuyển Futsal Việt Nam có mặt ở vòng chung kết Futsal World Cup 2020 cũng nằm trong lộ trình chúng tôi đã đặt ra. Trong những việc phải làm, có việc xây dựng nhiều CLB với lực lượng cầu thủ và huấn luyện viên chuyên nghiệp, từ đó tổ chức giải vô địch quốc gia có chất lượng chuyên môn cao.

Hầu hết chi phí của đội tuyển Futsal Việt Nam là của cá nhân ông, của Thái Sơn Nam?

Vâng. Chi phí đó lớn hơn chi phí cho đội Futsal Thái Sơn Nam. 

Có người nói, ông mê Futsal đến mức sao nhãng cả việc kinh doanh?

Có lẽ họ thấy tôi bỏ nhiều thời gian và tiền bạc cho Futsal nên nói vậy, thực ra việc kinh doanh chi phối tâm sức của tôi rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ bộ máy của Thái Sơn Nam vận hành khá trơn tru nên tôi có thể kiểm soát và điều hành từ xa, trong lúc đang theo đội Futsal. Và như tôi đã nói, làm thể thao là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cũng là một cách để thư giãn, để xả xì-trét trong công việc kinh doanh. Ngoài đội Futsal, Thái Sơn Nam đã xây dựng đội bóng rổ Hochiminh City Wings, đang thi đấu tại giải vô địch bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam - VBA 2016.

MỚI - NÓNG