Làm thế nào để sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm?

Cấp điện nuôi tôm cho người dân tại Trà Vinh.
Cấp điện nuôi tôm cho người dân tại Trà Vinh.
TP - Cùng với sự bùng nổ diện tích nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL, tình trạng tai nạn do sử dụng điện không an toàn khi nuôi tôm của người dân khu vực này cũng tăng cao trong những năm gần đây, nhất là tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu…Riêng tại Sóc Trăng, trong 7 tháng đầu năm 2017 có 18 vụ tai nạn điện trong đó có tới 13 vụ tai nạn xảy ra trong khu vực nuôi tôm.

Lắp đặt, sử dụng tùy tiện

Theo các Công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), qua khảo sát tại các vùng nuôi tôm, nhiều trường hợp đường dây điện kéo từ bình hạ thế hoặc từ đồng hồ điện trong nhà đến các ao nuôi tôm rất dài nhưng người dân không sử dụng các cột xi măng, cột gỗ chắc chắn để làm trụ đỡ mà chỉ sử dụng những cây gỗ tạp hoặc treo móc trên cây xanh. Trong khi đó, dây điện được mắc trực tiếp vào trụ đỡ, không có sứ cách điện, nhiều nơi để dây điện treo lòng thòng trên đầu người, thậm chí rải dây điện trên mặt đất dọc theo bờ ao tôm.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng điện bằng một dây (dây nóng), còn dây nguội được dẫn xuống đất để tiết kiệm chi phí dây điện. Dây điện không được kiểm tra, thay thế định kỳ mà để bong tróc, có nơi chỉ còn lõi dây đồng. Mối nối giữa các dây điện không được quấn băng keo cách điện cẩn thận, rất nguy hiểm do vô tình chạm phải.

Đa số các hộ nuôi tôm khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố xảy ra. Sử dụng mô-tơ kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn. Mô-tơ điện trong quá trình sử dụng không được bảo quản tốt, che chắn không kỹ, vị trí đặt lắp đặt ở nơi ẩm thấp rất dễ dẫn đến bị hư hỏng, chạm chập, rò điện. Hơn nữa, việc lắp đặt cầu dao ngắt điện ở nơi quá xa, khiến cho việc xử lý khi có tại nạn xảy ra không kịp thời.

Biện pháp sử dụng điện an toàn trong vùng nuôi tôm

Theo ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng Ban An toàn EVN SPC, để phòng tránh tai nạn điện, sử dụng điện được an toàn trong nuôi tôm, cần tuân thủ một số quy định sau:

Đường dây sau công tơ phải dùng dây bọc cách điện. Tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng tối thiểu không nhỏ hơn 2.5mm2. Trường hợp đường dây dài trên 50 mét, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng không được nhỏ hơn 4mm2 đối với dây nhiều sợi, không nhỏ hơn 7mm2 đối với dây một sợi. Phải kéo đủ 2 dây nóng và nguội có cùng tiết diện để bảo đảm dòng điện cung cấp cho phụ tải. Không để hoặc kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao với bất cứ lý do gì.

Khi nối dây dẫn phải dùng kẹp hoặc ống nối, kỹ thuật nối dây phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dây. Không được nối dây dẫn ở chỗ võng nhất của khoảng cột vì sẽ tích tụ nước tại mối nối. Khi nối dây dẫn điện phải nối so le và quấn kín băng cách điện.

Cột đỡ dây điện có thể làm bằng thép, bê tông cốt thép, gỗ hoặc tre già. Đường dây phải mắc trên sứ cách điện, độ võng thấp nhất của dây dẫn cách mặt đất từ 2,5 m trở lên nhằm tránh người đi dưới đường dây có thể chạm vào. Lắp đặt đường dây, thiết bị cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán trại qua 1 Aptomat (AT) tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao đầm mà phân ra các AT nhánh. Tùy vào phụ tải mỗi thiết bị và máy móc cụ thể mà chọn dây thích hợp.

Tất cả các thiết bị điện sau khi lắp đều phải để nơi khô ráo, trong nhà, chòi hoặc trong hộp nhựa (nếu để ngoài trời), tránh mưa gió làm ẩm nước. Các thiết bị đóng cắt (cầu dao, AT) phải bố trí hợp lý để thuận tiện cho thao tác, cô lập. Nghiêm cấm kéo điện, dùng điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống giếng, ao hồ, vào đường ống nước. Khi lắp đèn chiếu sáng trong các ao, đầm phải sử dụng máng che bảo vệ nhằm tránh nước mưa làm ẩm ướt gây dẫn điện.

Sử dụng mô-tơ phù hợp với công suất sử dụng, do nhà sản xuất uy tín cung cấp. Nên đặt mô tơ tại một vị trí cố định, nguồn điện đấu vào mô tơ phải qua cầu dao riêng (hoặc AT) để chủ động ngắt nguồn điện khi có sự cố. Khi sử dụng mô-tơ điện nên lắp đặt thiết bị chống giật; cần sử dụng dây nối đất an toàn cho thiết bị để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần bảo quản tốt, che chắn kỹ mô-tơ điện, vị trí đặt máy ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước.

Các chủ hộ nuôi tôm phải kiểm tra định kỳ mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra phải thực hiện kiểm tra ngay sau mỗi đợt thiên tai, sự cố đường dây (cháy, chạm chập…). Kịp thời thay thế, sửa chữa thiết bị, đường dây nếu thấy có hiện tượng bất thường để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

MỚI - NÓNG