Tổng công ty Điện lực miền Nam: Mạnh tay đầu tư cung cấp điện nuôi tôm

Trình diễn mô hình và giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại Sóc Trăng.
Trình diễn mô hình và giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại Sóc Trăng.
TP - Trước tình trạng diện tích nuôi và sản lượng tôm nuôi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng gia tăng, những năm qua Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) không ngừng đẩy mạnh đầu tư và vận hành tối ưu hệ thống điện; đồng thời triển khai các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất, nuôi tôm.

Tăng cường đầu tư

Ngoài việc sử dụng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (chủ yếu là nguồn điện một pha, công suất nhỏ), thời gian qua các hộ dân đã kết hợp sử dụng điện để phục vụ sản xuất, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nhất là trong giai đoạn năm 2010-2013 khi phong trào nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp phát triển rất mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam. Tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lập quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát rất phổ biến và việc sử dụng nguồn điện sinh hoạt để nuôi tôm đã dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, không đảm bảo kỹ thuật, an toàn điện, ... nên chất lượng điện không đảm bảo và gây ra nhiều tai nạn điện đáng tiếc.

Ông Nguyễn Phước Đức-Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, EVN SPC đã đầu tư thực hiện chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm tại các tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh, với tổng số vốn 876 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 đã tạm thời đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn các tỉnh này, song vẫn chưa đáp ứng đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát, phi tập trung. Vì vậy, EVN SPC tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện cho khu vực nuôi tôm giai đoạn 2017-2020 tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang với tổng kinh phí dự kiến gần 1.500 tỷ đồng. Trước mắt, trong năm 2017, EVN SPC đã bố trí 303 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh.

Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện

EVN SPC cho biết, phần lớn các hộ nuôi tôm vẫn chưa áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, vẫn còn sử dụng động cơ hiệu suất thấp, hao tốn điện năng nên năng suất và hiệu quả tiết kiệm điện chưa cao. Theo khảo sát tại 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, người dân vẫn còn sử dụng thiết bị điện hiệu suất thấp và chưa có giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Ông Nguyễn Phước Đức cho biết, để tăng cường tiết kiệm điện, từ cuối năm 2016, EVN SPC đã triển khai đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018”. Lộ trình thực hiện gồm ba giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (từ cuối năm 2016 đến tháng 8/2017); Giai đoạn 1 (trong năm 2017) sẽ triển khai tại một số tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau; Giai đoạn 2 (trong năm 2018) thực hiện tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận.

Việc thí điểm được triển khai tại tỉnh Sóc Trăng và giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn áp dụng là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo oxy nuôi tôm để tiết kiệm điện. Ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, Công ty đã thuê đất và thiết bị làm điểm trình diễn mô hình thực nghiệm các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm, tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu; đồng thời thực hiện thay thế con lăn cho các hộ nuôi tôm. Tính đến đầu tháng 8, Công ty đã thi công lắp đặt cho các địa bàn trên được 1.386 dàn quạt/tổng số dàn quạt đăng ký là 1.807. Kết quả khảo sát cho thấy, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đã tiết kiệm đến 27,33% lượng điện tiêu thụ.

Theo ông Huỳnh Minh Hải, việc thí điểm thực hiện chương trình chỉ trong phạm vi 161 hộ/110 ha tại thị xã thị xã Vĩnh Châu và các hộ nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hơn 50.000 ha  nuôi tôm toàn tỉnh. Để mở rộng thực hiện chương trình tại Sóc Trăng và ra các địa phương khác, Công ty đề xuất triển khai tiếp cho các hộ còn lại (đã đăng ký tham gia chương trình mà chưa lắp đặt được) cho vụ 2 nuôi tôm kế tiếp là đến tháng 10/2017.

MỚI - NÓNG