Lâm tặc tấn công kiểm lâm: Chưa đánh trúng kẻ cầm đầu

Lâm tặc tấn công kiểm lâm: Chưa đánh trúng kẻ cầm đầu
TP - Thống kê riêng của ngành kiểm lâm cho thấy trong năm 2009 có gần năm mươi vụ lâm tặc tấn công cán bộ kiểm lâm gây hậu quả nghiêm trọng.

10 ngày đầu năm 2010, tình trạng này lại càng nóng lên ở nhiều địa phương với hơn 10 vụ lớn nhỏ lâm tặc tấn công, bao vây kiểm lâm. Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Kiểm lâm cho rằng:

Lâm tặc tấn công kiểm lâm: Chưa đánh trúng kẻ cầm đầu ảnh 1

Đại diện Cục Kiểm lâm đi thăm cán bộ nhân viên bị lâm tặc tấn công. Ảnh: H.T.N

Tình trạng lộng hành, hành hung, chống người thi hành công vụ không chỉ xâm hại tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương phép nước, mà còn làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Vì thế, phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trừng trị và phòng ngừa; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm khắc đối tượng chống người thi hành công vụ; tiếp tục nghiên cứu để có chế tài nghiêm khắc hơn; nâng cao năng lực đối với kiểm lâm để có thể làm tròn nhiệm vụ.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phá rừng tràn lan  hiện nay? Làm thế nào để công tác bảo vệ rừng hiệu quả và hạn chế được những hành vi tấn công kiểm lâm của lâm tặc?

Bảo vệ rừng là lĩnh vực mang tính xã hội cao, do vậy nguyên nhân của tồn tại trên có rất nhiều, ở mỗi địa phương cũng khác nhau, tuy nhiên phổ quát nhất, tôi cho rằng có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Về khách quan: Do áp lực về dân số, đòi hỏi cao về đất ở và đất canh tác ở, giá cả một số mặt hàng nông, lâm sản tăng cao, nên một số người phá rừng lấy đất canh tác hoặc làm thuê cho bọn đầu nậu.

Về chủ quan: Chính quyền địa phương nơi có điểm nóng chưa kiên quyết chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 12/TTg, 08/TTg.

Địa bàn cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động bảo vệ rừng, nhưng chính quyền cơ sở thiếu năng lực về cán bộ, kinh phí, cơ chế . Việc xử lý vi phạm thường kéo dài, chế tài xử lý còn nhẹ; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc điều tra, xử lý vi phạm, chưa đánh trúng kẻ cầm đầu, xúi giục.

Lực lượng kiểm lâm mỏng, trang thiết bị, phương tiện mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, một bộ phận còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, dao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị mua chuộc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Để đáp ứng yêu cầu, cần tăng cường thực hiện các biện pháp trước mắt một cách quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sớm tạo giải pháp cơ chế chính sách lâu dài làm cho rừng có chủ thực sự; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở và năng lực của kiểm lâm để bảo vệ rừng tại gốc; giải quyết đời sống của người làm rừng và người dân sống trong rừng, gần rừng để họ không chỉ không vi phạm mà phải trở thành lực lượng căn bản trong bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng là việc xét xử không nghiêm minh của một số tòa án các cấp. Cục trưởng nghĩ gì về ý kiến này?

Tôi cũng được nghe kết quả xét xử một số vụ chống người thi hành công vụ mà dư luận cho rằng chưa thực sự nghiêm minh, chưa đáp ứng kỳ vọng trừng trị thích đáng người vi phạm pháp luật. Việc xét xử là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng.

Về cơ bản hoạt động tố tụng của chúng ta là công minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, yêu cầu xử lý kịp thời, triệt để và tăng nặng chế tài đối với kẻ chống người thi hành công vụ đang là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Hiện nay các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng kiểm lâm đã ổn chưa ? Có người cho rằng nếu làm kiểm lâm mà không "xơ múi" gì tài sản của rừng thì suốt đời vừa nghèo vừa khổ. Cách nghĩ đó đúng hay sai?

Về cơ bản, chính sách đãi ngộ của Nhà nước đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết cán bộ, công chức kiểm lâm. Người kiểm lâm chân chính chắc không thể giàu có theo kiểu ăn vào vốn rừng, cũng không phải là người "nghèo, đói" trong xã hội, lại càng không thể vì thế mà tìm cách "xơ múi" trong thi hành công vụ. Hành vi đó là tiêu cực, trái pháp luật, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.

Hoàng Thiên Nga (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.