Sáng 25/7/2023, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari. (Ảnh: An Đăng/TTXVN). |
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại Hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4-10/8/2023.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam-Iran đang diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (4/8/1973-4/8/2023).
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari.
- Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam-Iran đã không ngừng được củng cố, phát triển. Xin Đại sứ chia sẻ những đánh giá của mình về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua?
Đại sứ Ali Akbar Nazari: Mối quan hệ song phương giữa Iran-Việt Nam dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau mà không có bất kỳ sự khác biệt nào.
Mối quan hệ này đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị và ngoại giao đến thương mại, văn hóa..., trong hơn 5 thập kỷ qua kể từ khi hai nước lần đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 4/8/1973.
Tính đến nay, hai nước đã tổ chức 9 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Iran về kinh tế và sắp tới là kỳ họp thứ 10; tổ chức 7 cuộc tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Trong những năm qua, một số hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đã diễn ra như chuyến thăm chính thức Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới Việt Nam năm 2016; chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tới Việt Nam năm 2018; chuyến thăm Iran của các Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ năm 2017, ông Trần Quang Phương vào tháng 12/2022 và chuyến thăm chính thức Iran gần đây nhất của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vào tháng 6/2023.
Chỉ vài ngày nữa, chúng tôi sẽ đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ thăm chính thức Iran.
Các chuyến thăm cấp cao này, cùng với việc ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng về hợp tác nghị viện, kinh tế, thương mại, văn hóa, đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực.
- Xin Đại sứ cho biết, với Iran, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ có ý nghĩa như thế nào?
Đại sứ Ali Akbar Nazari: Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ có ý nghĩa đặc biệt vì nhiều lý do và do đó, có nhiều kỳ vọng rằng chuyến thăm này sẽ giúp mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 24 năm, và là sự kiện đánh dấu việc nối lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Thứ hai, trên cơ sở tiềm năng hợp tác giữa hai nước cùng với kinh nghiệm và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đối với các vấn đề kinh tế, chuyến thăm lần này sẽ mang lại những giá trị gia tăng to lớn cho quan hệ hai nước.
Thứ ba, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Vì vậy, chuyến thăm mang tính bước ngoặt này chắc chắn sẽ là cột mốc đánh dấu một chương quan trọng trong lịch sử của hai dân tộc và phản ánh mong muốn chung của hai bên nhằm củng cố tình hữu nghị, nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới, khai thác mọi tiềm năng trong quan hệ hai nước.
Chuyến thăm mang đến cơ hội vô giá cho các cuộc đối thoại cấp cao, mở đường cho việc tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm.
Sáng 25/7/2023, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Thứ tư, Cộng hòa Hồi giáo Iran, ngay từ đầu Cách mạng Hồi giáo, luôn đánh giá cao vị trí của Nghị viện (Majlis) trong hệ thống nhà nước Iran. Nhà Lãnh đạo và Người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Imam Khomeini từng tuyên bố rằng Nghị viện có trước tất cả. Trong nhiệm kỳ hiện tại, Tiến sỹ Ghalibaf, Chủ tịch Quốc hội Iran rất coi trọng ngoại giao nghị viện.
Xét trên những điểm này, chuyến thăm của ngài Vương Đình Huệ sẽ mở rộng quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đặc biệt là quan hệ nghị viện, đồng thời tạo động lực để thông qua và củng cố lập trường chung trong lĩnh vực hợp tác nghị viện ở cấp khu vực và quốc tế.
Một điểm đáng chú ý khác trong khuôn khổ chuyến thăm, một số văn kiện hợp tác giữa hai nước sẽ được hoàn thiện và ký kết, chắc chắn sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
- Xin Đại sứ cho biết hai nước có những thế mạnh, tiềm năng cần phát huy, khai thác trong thời gian tới để xứng với mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia?
Đại sứ Ali Akbar Nazari: Iran và Việt Nam có nhiều thế mạnh, tiềm năng bổ sung cho nhau có thể được khai thác để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương. Bằng cách tập trung vào hợp tác kinh tế, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và công nghệ, cả hai nước có thể xây dựng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, tạo ra lợi ích chung cho nhân dân hai nước.
Kinh tế của Iran và Việt Nam bổ sung cho nhau. Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần năng lượng và các sản phẩm hóa dầu hơn bao giờ hết, trong khi Iran là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu lớn nhất với giá cả cạnh tranh, điều này có thể tạo cơ hội cho hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể cung cấp càphê, chè và gia vị cho thị trường Iran. Iran có thể xuất khẩu sang thị trường Việt Nam các mặt hàng nông sản như táo, kiwi, anh đào… Bằng việc tăng cường hợp tác kinh tế, hai nước có thể tận dụng thế mạnh của nhau và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sớm đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi và trong dài hạn là Hiệp định Thương mại Tự do nhằm tạo thuận lợi, tăng cường quan hệ thương mại.
Cùng với việc mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế, cũng cần chú trọng giao lưu nhân dân và phát triển ngoại giao văn hóa.
Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2023, chúng tôi dự kiến tổ chức hai sự kiện văn hóa tại Hà Nội, bao gồm Tuần phim Iran và Tuần Văn hóa Iran để giới thiệu Isfahan, một trong những thành phố văn hóa quan trọng nhất của Iran.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!