Làm sao để ASEAN đoàn kết xử lý tranh chấp ở Biển Đông?

Làm sao để ASEAN đoàn kết xử lý tranh chấp ở Biển Đông?
Việc thiếu thống nhất giữa các thành viên ASEAN khi xử lý các tranh chấp ở Biển Đông qua những hội nghị gần đây cho thấy nguyên tắc đồng thuận của khối đang "có vấn đề". Nếu còn tiếp tục như vậy, nhiều học giả cho rằng thật khó có được một ASEAN đoàn kết trước những ảnh hưởng đến từ bên ngoài. Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-21 từ 18 đến 20/11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Các báo Jakarta Post, Jakarta Globe và Kompas của Indonesia số ra gần đây đã đăng nhiều tin, bài phân tích, bình luận của một số chuyên gia đối ngoại, an ninh-quốc phòng hàng đầu của nước này phân tích tính bất cập trong nguyên tắc đồng thuận hiện nay của ASEAN.

Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Bantarto Bandoro của trường Đại học Quốc phòng Indonesia nói rằng trên con đường xây dựng một ngôi nhà chung, ASEAN chắc chắn sẽ gặp phải nhiều vấn đề không thống nhất, mà Biển Đông chỉ là một điển hình, nên sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể đạt được sự nhất trí nếu vẫn giữ nguyên tắc đồng thuận.

Ông Bandoro cho rằng bằng cách áp dụng một hệ thống bỏ phiếu để đưa ra quyết định, ASEAN sẽ trở thành một tổ chức đáng tin cậy hơn vì có thể đưa ra quyết định trong mọi trường hợp. Như vậy, ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn trước những ảnh hưởng đến từ bên ngoài có thể gây chia rẽ, đẩy các nước thành viên của khối ra xa nhau, chẳng hạn như từ Trung Quốc hay Mỹ.

Trong khi đó, Aleksius Jemadu - Trưởng khoa Chính trị và Xã hội của Đại học Pelita Harapan Indonesia - nhấn mạnh rằng việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là bản chất của một nhà nước, nên việc các nước thành viên ASEAN ưu tiên lợi ích riêng của mình, tuân theo áp lực trong nước hơn là từ chủ nghĩa khu vực lỏng lẻo như ASEAN không có gì là lạ. Do vậy, ASEAN sẽ mãi “lỏng lẻo” như vậy nếu tiếp tục duy trì nguyên tắc đồng thuận trong việc ra một quyết định.

Học giả Rizal thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia cho rằng khi nói đến vấn đề lợi ích quốc gia, chẳng hạn như việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, Indonesia sẽ không thể làm được gì nhiều để thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan.

Các nước thành viên ASEAN liên quan gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei, cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông. Trong khi đó, đường lưỡi bò của Trung Quốc bao trùm hầu như toàn bộ khu vực biển này.

Trong một nỗ lực để đối phó với Trung Quốc, Philippines phần nào dựa vào sự ủng hộ của Mỹ, trong khi thành viên khác của ASEAN đã là một đồng minh của Trung Quốc. Chưa kể một số nước thành viên khác có lúc cũng có lập trường “chao đảo” về vấn đề Biển Đông trước sự chia rẽ, cám dỗ từ phía Trung Quốc.

Chuyên gia Bandoro cho rằng việc Tổng thống Benigno Aquino nhấn mạnh "ASEAN không phải là con đường duy nhất cho Philippines. Là một quốc gia có chủ quyền, Philippines có quyền bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình" cho thấy khả năng nước này có thể sẵn sàng lựa chọn một con đường khác liên quan đến Mỹ - đồng minh thân cận truyền thống của Philippines và cũng có những lợi ích tự do, an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Trong khi đó, một số thành viên khác của ASEAN ngày càng phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc. Chỉ riêng động thái này đã cho thấy ASEAN sẽ vô cùng khó khăn để đạt được một sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông, khi Philippines kiên quyết lập trường của mình, còn thành viên khác sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Và mọi chuyện sẽ lại có kết cục như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7-2012.

Vì vậy, nhiều học giả Indonesia cho rằng để phát triển và giải tỏa bế tắc, đã đến lúc ASEAN cần áp dụng nguyên tắc đồng thuận một cách linh hoạt, có cơ chế ra quyết định riêng cho từng lĩnh vực trong ba trụ cột chính trị và an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội của ASEAN mà khối đang hướng tới.

Theo Nh.Thạch
Jakarta Post, Jakarta Globe, Kompas, petrotimes

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.