Làm 'phu hồ' ở... Nga

Làm 'phu hồ' ở... Nga
Tại Matxcơva hiện có khoảng 200-300 người Việt làm nghề xây dựng. Về mặt “đẳng cấp” trong cộng đồng có lẽ họ chỉ xếp trên những người trồng rau, “ngang cơ” với thợ may. Nghĩa là lao động nặng nhọc, thu nhập bấp bênh và mức độ rủi ro cao.

Tôi biết đến “làng nề Yên Thành” một cách tình cờ. Cách đây một năm để sửa căn hộ cũ kỹ đã xập xệ, tôi đi tìm thợ Nga.

Hóa ra, trong đội công nhân xây dựng trùng trùng điệp điệp ở Matxcơva hầu như không có người bản địa. Nếu gặp người có ngoại hình Slave đang trèo trên giàn giáo thì đích thị đó là lao động nhập cư Ukraine hoặc Belarus.

Thợ Belarus nhìn chung lấy tiền công không cao bởi giá cả ở bên nước họ thấp hơn ở Nga nhiều. Nhưng cuối cùng, sự lựa chọn của tôi dừng lại ở một đội thợ xây quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Công nhật của “thợ ta” chỉ bằng một phần ba “thợ Tây”.

Không buôn bán được thì làm thợ nề

Anh Nguyễn Văn An khoảng 40 tuổi và đã có hơn 10 năm làm nghề xây dựng ở Matxcơva. Hồi còn ở nhà An cũng đã nhiều năm cầm bay, hết ra Hà Nội lại vào các tỉnh miền Nam tìm việc. An sang Nga với ý định sẽ buôn bán ở chợ Vòm.

Không vốn liếng và cũng chẳng có các mối quan hệ, An đì đẹt mãi trong nghiệp kinh doanh và cuối cùng trở lại nghề vôi vữa truyền thống. Giờ đây anh không đơn thuần cầm bay nữa, An đã trở thành “nửa thợ nửa cai”.

Nghĩa là trong tay có nhóm thợ 5-6 người, An đi nhận việc sửa chữa nhà cửa hoặc xây dựng các công trình nho nhỏ. Ngoài việc giao dịch, tính toán, mua nguyên vật liệu, An cũng xắn tay áo cùng làm với thợ.

Thợ của An cũng loanh quanh người cùng họ, cùng làng. Hùng là cháu. Âu là hàng xóm. Anh Thiên ở cùng làng. Anh An cho biết: “Quê tôi  ít việc nên thanh niên thoát ly gần hết. Vào Tây nguyên, Nam bộ rất nhiều mà sang Nga cũng lắm. Riêng ở Matxcơva đã có tới 5-6 đội thợ xây người Yên Thành”.

Anh trai của An, Nguyễn Văn Chuyên, cũng là “thủ lĩnh” của một nhóm thợ đồng hương. Nhưng tầm cỡ của anh Chuyên kém An đến mấy bậc.

Hiện tại mật độ người Yên Thành ở Matxcơva đông đến nỗi nhận nhau là đồng hương huyện không có ý nghĩa gì, mà phải là đồng hương xã, đồng hương xóm. Tỉ lệ người Yên Thành trong đội ngũ “phu hồ” Việt ở Matxcơva cũng rất cao.

Ráo mồ hôi là hết tiền

Làm 'phu hồ' ở... Nga ảnh 1

Những công trình đồ sộ này ở Nga luôn có bàn tay và mồ hôi của người thợ Việt - Ảnh: T.Q.V.

Hồi còn làm thợ xây ở trong nước anh Chuyên “mơ” đến khoản tiền vài triệu đồng mỗi tháng. Sang Matxcơva, ước mơ của anh được “đẩy” lên mức 400 USD.

Con số này thật ấn tượng đối với những người ở quê nhà nhưng là “bèo” so với giá cả thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới và với cường độ lao động khó hình dung nổi.

Đắt thì rõ rồi. Căn phòng mà anh Chuyên thuê ở chung cư R của người Việt vốn là nơi phơi quần áo được ngăn ra, nên chật chội, bí bách. Bảy con người chen chúc trong không gian chưa đầy 10m2. Vậy nên giường không phải 2 mà là 3 tầng, tấm gỗ hẹp làm chỗ ngủ “ghép đôi”.

Ở đông để đỡ tiền nhà - mỗi tháng gần 10.000 rúp (suýt soát 400 USD), chưa kể khoản tiền “vào cửa” 800 USD. Chi phí cho các khoản giấy tờ mỗi năm cũng 700-800 USD. Đi đâu cũng vẫy taxi, không phải vì muốn chơi sang mà bởi không biết đường và không dám sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Anh Thành “râu”, người ở cùng với anh Chuyên, kể: “Nếu nhận khoán thì chúng tôi làm từ sáng đến 10, 11 giờ đêm, cốt xong càng nhanh càng tốt. Còn làm công nhật ở công trường thì phải lao động 12-14 tiếng mới được hứa hẹn tiền công 300-400 rúp/ngày (15-17 USD). Nhưng trên thực tế tôi chưa bao giờ được nhận đủ tiền công”.

Thợ xây thích nhận sửa chữa căn hộ của ngưòi Việt hay ngăn phòng, nâng cấp các trung tâm thương mại VN. Vì như vậy điều kiện làm việc và sinh hoạt đỡ kham khổ mà tiền công bao giờ cũng được nhận đầy đủ và đúng hạn. Công việc luôn luôn có sẵn là đến công trường xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Người Nga không mặn mà với công việc nặng nhọc, ít lương và nguy hiểm, bởi thế các ông chủ công trình phải thuê “cò” tìm nhân công nhập cư. Mấy ông “cò” rất hay ngắt véo đồng lương khó nhọc của thợ.

Anh Chuyên “mơ” về những bản hợp đồng chặt chẽ giữa các công ty xây dựng của Nga và VN. Theo đó sức lao động của thợ Việt được đánh giá đúng và đủ, không còn tình trạng “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”.

Ngán mấy ông "cò”

Các "phu hồ" VN thấy ngán nhất là những "ông cò”, dù là người Việt hay là người "đầu đen" (từ các nước Trung Á và Kavkaz).

Anh Chuyên kể: "5g sáng dậy, 5g30 có xe đón đi làm. 6g hoặc 6g30 (tùy theo khoảng cách từ nơi ở đến công trường) bắt đầu ngày làm việc mới. Khoảng 8-9g tối trở về nơi ở tạm bợ, thiếu vệ sinh.

Ăn xong là ngủ vùi. Thế mà tiền công cứ bị khất lần hoặc trả nhỏ giọt. Thường thì thợ làm khoảng vài tháng là phải bỏ của chạy lấy người. Khoản tiền công hứa hẹn 400 USD may ra nhận được một nửa, một phần ba, có khi bị trừ hết vào tiền ăn. "Cò” lại tuyển lớp thợ mới...".

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG