Các thành viên Bé Mầm dựng mô hình cho một phim hoạt hình. |
Tập hợp hơn chục bạn trẻ, nhóm Bé Mầm thực hiện những cách thức truyền thông mới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường.
Từ phim công nghệ stopmotion
Những sản phẩm truyền thông đầu tiên về môi trường của Bé Mầm là phim hoạt hình. “The way to become a superman” và “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi” là hai phim thành công nhất của nhóm, được thực hiện theo công nghệ stopmotion.
Phim công nghệ stopmotion có tuổi đời hơn một thế kỉ trong lịch sử điện ảnh. Thế nhưng, tại Việt Nam, nó mới chỉ manh nha trong khoảng 4 năm gần đây và bùng nổ thành một trào lưu ở giới trẻ từ đầu năm 2013.
Bé Mầm là một trong những nhóm tiên phong làm phim hoạt hình bằng stopmotion. Thay vì vẽ tranh bằng tay hoặc bằng máy tính như hoạt hình truyền thống (hoạt hình 2D) và hoạt hình 3D, stopmotion là sự ghép lại của những tấm ảnh được chụp liên tiếp, xử lí trên bàn dựng chuyên dụng để tạo thành một đoạn phim ở trạng thái động.
Về bản chất, stopmotion sử dụng ảo ảnh quang học về sự chuyển động do nhiều hình ảnh tĩnh được chiếu tiếp diễn liên tục.
Để tạo nên những thước phim stopmotion thú vị, trước tiên, nhân vật, bối cảnh và đạo cụ đều được nhóm dựng mô hình bằng giấy. Trên phim, nhân vật Bé Mầm biểu cảm trong bao nhiêu trạng thái cảm xúc thì tương ứng bấy nhiêu mô hình Bé Mầm ngoài đời thực. Kì công không kém phần dựng mô hình là chụp ảnh.
Trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoan cho biết: “Mỗi chuyển động của nhân vật phải chụp lại một bức ảnh, sau mỗi bức ảnh lại phải dịch chuyển nhân vật đi một chút...” Một giây lên hình là sự ghép lại của hơn chục bức ảnh chụp liên tiếp. Mỗi phim với thời lượng 5 đến 10 phút, các thành viên trong nhóm phải xử lí hàng ngàn bức ảnh.
Hoan nhớ lại một lần bất cẩn: “Nhóm đã phải làm lại cả một đoạn phim vì không chú trọng đến vấn đề ánh sáng, bởi chỉ trong một tích tắc dịch chuyển nhân vật để chụp ảnh, ánh sáng cũng đã có sự thay đổi...”
“The way to become a superman” đã đoạt giải “Thể nghiệm mới” do trường đào tạo lập trình viên quốc tế Hanoi- Aptech trao tặng, “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi” lọt vào Top 5 toàn quốc trong cuộc thi làm phim về Giờ trái đất.
Đến game về môi trường
Ý tưởng thành lập Bé Mầm là của trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoan. Hoan luôn ấp ủ làm được điều gì đó có ý nghĩa với môi trường. Tham gia nhiều nhóm, tổ chức tình nguyện, Hoan nhận thấy các nhóm, tổ chức thường tích hợp nhiều hoạt động. Mong muốn thành lập một nhóm riêng về môi trường của Hoan nhận được sự ủng hộ của Nguyễn Anh Quân.
Hoan và Quân đều nghĩ đến một hình thức tuyên truyền, giáo dục môi trường mới mẻ và thiết thực hơn. Đều là sinh viên ngành thiết kế và đồ họa, hai chàng trai cùng chí hướng quyết định ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo các sản phẩm truyền thông về môi trường. Nhóm Bé Mầm được thành lập vào ngày 10/04/2010.
Ngoài phim hoạt hình, nhóm còn sáng tạo và phát triển thành công các sản phẩm game như “Vote for wild life”, “Giờ trái đất của tôi”, “Ú òa”, “Vật thể lạ”,...Game Bé Mầm là sự kết hợp giữa tính giải trí và trí tuệ, đòi hỏi người chơi phải có một vốn hiểu biết nhất định về môi trường.
Các thành viên trong nhóm đều kì vọng vào tính ưu việt của truyền thông đa phương tiện so với truyền thông truyền thống. Các sản phẩm truyền thông của nhóm được làm ra với mục đích phi lợi nhuận, hoàn toàn miễn phí với người sử dụng.
Các thành viên cùng nhau tự góp quỹ, cùng nhau làm các sản phẩm như móc chìa khóa, móc điện thoại hình Bé Mầm, bút chì khắc hình Bé Mầm, đem bán tại các hội chợ, chương trình về môi trường, vừa để quảng bá hình ảnh Bé Mầm vừa gây quỹ nhằm duy trì các hoạt động của nhóm.
Game và phim của Bé Mầm được các bạn trẻ đón nhận hào hứng. . Nguyễn Sa (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết: “Mình hay giải trí bằng các game cảm giác mạnh, giờ mình chơi cả game của Bé Mầm, càng lên level cao càng hấp dẫn, kiến thức về môi trường của mình cũng tăng theo các cấp độ level”.
Hiện tại các thành viên Bé Mầm đang gấp rút hoàn thành một phim hoạt hình về môi trường hợp tác với Trung tâm Sống & Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn). Các thành viên của nhóm, người đi học, người đi làm, mỗi người đều bộn bề với công việc cá nhân, nhưng cùng chung tình yêu môi trường, tất cả đều tình nguyện và say mê tạo nên các sản phẩm game và phim thú vị hướng đến một hành tinh xanh. |