Đã gần một tháng nay, căn nhà ông Phạm Thôi tại thôn La Bông, xã Hoà Tiến luôn rộn rã tiếng nói cười của những người nông dân cùng bàn chuyện thời sự, chuyện đồng áng, vụ mùa.
Căn nhà ông Thôi được chọn làm điểm truy cấp Internet miễn phí cho các nông dân có nhu cầu. Bốn dàn máy tính nằm trong chương trình “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông thôn, nông dân” do Trung tâm CNTT phối hợp với Hội Nông dân Đà Nẵng triển khai luôn chạy hằng ngày.
Tuy mới đưa vào ứng dụng được một tháng nhưng hầu hết các nông dân thôn La Bông và các thôn lân cận đều đã sử dụng thành thạo các thao tác trên máy tính, tự truy cập và tìm kiếm thông tin, đọc báo như dân thành thị.
Ông Đặng Văn Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến hồ hởi: “Nông dân quê tôi giờ như dân thành thị, biết sử dụng máy tính, đọc báo hằng ngày, tìm kiếm thông tin để trồng trọt và chăn nuôi khoa học”.
Ông Nguyễn Đình Chiến, 50 tuổi, nông dân thôn La Bông vừa truy cập mạng vừa nói: “Nông dân chân lấm tay bùn cả đời có biết gì đến máy tính và Internet. Nhưng nay thì biết rồi. Bổ ích lắm”.
Ông Chiến là một trong số nông dân được cử đi tập huấn, học cách sử dụng máy tính để về chỉ dẫn lại cho các nông dân khác trong thôn. Đến nay, ông và hàng chục nông dân khác đã khá nhuần nhuyễn với máy tính.
Từ ngày có máy tính, máy in, tất cả các văn bản hội họp thôn, hợp đồng thuê cày bừa, buôn bán trâu bò của nông dân đều được soạn thảo bằng văn bản hết.
Cầm bản hợp đồng đánh máy hợp đồng thuê nhân công cày bừa trên tay, anh Trần Văn Hùng, 47 tuổi nói: “Có máy tính rồi mọi việc đều thuận lợi cả. Lên mạng, xài máy tính dễ như đi cày mà !”.
Làm nông qua mạng
Mở cửa hàng ngày và miễn phí nên mỗi khi rảnh rỗi các nông dân lại ngồi vào máy tính để tìm kiếm thông tin cần thiết.
Tiếp cận với thông tin nên ngày càng có các mô hình kinh tế của các hộ nông dân ra đời. Thông tin qua Internet giúp ích cho nông dân rất nhiều - Ông Phan Công Đây - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang |
Vụ mùa đông xuân đang đến gần, công việc đồng áng bận bịu nhưng mỗi buổi chiều ông Nguyễn Văn Hai, 47 tuổi, thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên cũng có mặt tại nhà ông Võ Đinh Chiến nơi đặt những dàn máy vi tính để truy cập mạng.
Ông Hai và nhiều nông dân của xã Hòa Liên cũng đã sử dụng thành thạo máy tính. Ông Hai đang tìm kiếm thông tin về các giống lúa mới, thuốc trừ sâu, phân bón, giá cả để chuẩn bị xuống đồng.
Từ những thông tin có được ông Hai lại truyền đạt lại cho các hộ khác biết: “Hay lắm ! Cứ lên mạng là nông dân có được đầy đủ thông tin, biết được các loại giống, thuốc phân để ứng dụng vào thực tế sao cho hiệu quả” - Ông Hai nói.
Những trang web như Caylua.vn, Nghenong.com và các trang báo điện tử là những địa chỉ được nhiều nông dân truy cập nhất. Những thông tin mới về thời vụ, dịch bệnh, cách phòng trừ sâu bệnh, giá cả đều được các nông dân thường xuyên theo dõi cập nhật và phổ biến cho nhau.
Cũng nhờ có đầy đủ thông tin nên nhiều hộ gia đình đã biết được cách xây dựng mô hình kinh tế sao cho hiệu quả. Từ những thông tin về mô hinh trồng rau sạch hiệu quả, anh Nguyễn Trọng, 50 tuổi, thôn La Bông đầu tư vốn để trồng rau, xây dựng mô hình trồng rau sạch, bước đầu có thu nhập.
Anh Trọng cho biết: “Trước đây cứ làm ăn manh mún, bán nhỏ lẻ. Nhờ lên mạng, đọc báo thấy nhiều mô hình hay nên tôi đầu tư làm ăn khoa học hơn!”.