'Làm những gì không ai làm mà xã hội cần'

Đó là sứ mệnh mà Tập đoàn Sao Mai đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tới. Ông Lê Thanh Thuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển của Tập đoàn với những mũi nhọn tiên phong, đột phá và sáng tạo để đạt được mục tiêu cao cả và nhân văn đó.

Trong những năm qua, Tập đoàn Sao Mai đã tạo được những bước phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều gì đã làm nên những chiến tích kỳ diệu như vậy, thưa ông?

'Làm những gì không ai làm mà xã hội cần' ảnh 1

Ông Lê Thanh Thuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai quan điểm trong kinh doanh “Làm những gì không ai làm mà xã hội cần”

Ông Lê Thanh Thuấn: Với một doanh nghiệp, giữ được sự ổn định, đặc biệt là về mặt nhân sự, là điều hết sức quan trọng. Sao Mai luôn nỗ lực để phát huy tình người trong tập đoàn, nơi mà ở đó tất cả mọi thành viên đều biết quý trọng nhau, ứng xử văn minh và có tinh thần đoàn kết cao. 

Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu mất đoàn kết nội bộ thì ở đó sinh khí bị huỷ hoại. Còn ở đâu đoàn kết nội bộ tốt, biết quý trọng, biết thương yêu nhau thì sinh khí phát triển. Tương tự như vậy, khi nội bộ đoàn kết thì sức mạnh sẽ được nhân lên, trí tuệ tập thể sẽ được phát huy. Đồng thời tạo được sự hưng phấn giúp mọi người làm việc hăng say với tinh thần sáng tạo.

Với Tập đoàn Sao Mai, từ khi khai sinh lập địa đến nay, chúng tôi luôn giữ được sự đoàn kết trong nội bộ, ứng xử văn minh và nhân văn. Những người càng gắn bó và cống hiến càng được tôn kính và tình nghĩa càng thấm đậm hơn. Chính điều đó giúp anh em cảm nhận được sự gắn bó với Tập đoàn là không thể thiếu, hứng thú để làm việc và cống hiến cho Tập đoàn, giúp Tập đoàn không chỉ vượt qua khó khăn mà ngày càng phát triển.

Trên nền tảng thành công đã đạt được, với tầm nhìn trở thành tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, ông đã hoạch định cho Tập đoàn Sao Mai những bước đi như thế nào trong thời gian tới?

Ông Lê Thanh Thuấn: Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Sao Mai đã phát triển trên rất nhiều lĩnh vực, những vẫn cần tiếp tục có những mũi nhọn đột phá và tiên phong. Sáng tạo ra những sản phẩm mới xã hội chưa có mà người tiêu dùng lại rất cần là sứ mệnh và mục tiêu mà Sao Mai đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tới.

Tôi lấy ví dụ, với thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee, Sao Mai đã làm nên sản phẩm mà từ trước tới nay chưa ai sản xuất và dám nghĩ tới có thể đưa vào bếp ăn thì Sao Mai đã tiên phong. Dĩ nhiên, cái gì mới đều vất vả nhưng cuối cùng thì với sự sáng tạo và nỗ lực Sao Mai đã thành công. 

'Làm những gì không ai làm mà xã hội cần' ảnh 2

Sao Mai nhà tiên phong khai thác lĩnh vực năng lượng sạch

Năng lượng sạch còn rất mới ở Việt Nam nhưng Sao Mai cũng đã trở thành nhà đầu tư tiên phong về lĩnh vực này khi nhiều năm trước Sao Mai đã phát điện thành công Nhà máy NLMT áp mái đầu tiên. Tiếp sau đó, Tập đoàn đi đến những vùng đất xa, hoang hoá để đầu tư thành những trung tâm năng lượng có giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh đất nước đang cần rất nhiều nguồn năng lượng và trước chủ trương “tăng trưởng xanh” của Chính phủ, Tập đoàn Sao Mai sẽ tiếp tục tham gia vào lĩnh vực này.

Song song đó, với mong muốn góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngày một tốt hơn Tập đoàn Sao Mai cũng “lấn sân” đầu tư y tế. Vì như bạn đã biết, hệ thống bệnh viện của chúng ta còn rất thiếu và yếu. Hầu như bệnh viện nào cũng quá tải, khiến người bệnh hết sức vất vả, chất lượng y tế vì thế cũng giảm.

Ngoài ra, Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa gạo của đất nước nhưng các doanh nghiệp làm lúa gạo chưa thành công, người nông dân vì thế cũng chưa được hưởng lợi nhiều từ sản phẩm họ vất vả làm ra. Chúng ta có rất nhiều lợi thế, hạt gạo của chúng ta thuộc hạng ngon nhất thế giới nhưng tại sao Thái Lan họ làm mà chúng ta chưa làm được là câu hỏi mà Tập đoàn Sao Mai đang giải mã.

Với những chiến lược ông vừa nêu, Tập đoàn Sao Mai đã đi vào những “điểm nóng” trong phát triển kinh tế xã hội mà địa phương và Chính phủ đang rất quan tâm. Để đạt được những mục tiêu đó, chắc hẳn Sao Mai đã có những bước chuẩn bị?

Ông Lê Thanh Thuấn: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), công nghệ là điều không thể bỏ qua. Để không lạc lõng hay bị bỏ lại phía sau đòi hỏi Sao Mai phải luôn cập nhật, phải mạnh dạn đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, đồng thời áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến vào quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thời đại của trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi về tư duy con người cũng phải nhạy bén và hiện đại hơn. Do đó, trình độ, kỹ năng của các thành viên trong Tập đoàn cũng phải phát triển tương xứng. Tiền bạc thiếu có thể vay, công nghệ có thể mua nhưng không có nguồn nhân lực tốt thì không thể làm việc lớn.

Vậy bài toán nguồn nhân lực được Sao Mai giải thế nào?  

Ông Lê Thanh Thuấn: Ở Tập đoàn Sao Mai, lúc nào cũng có hàng trăm cán bộ nhân viên được tạo điều kiện để đi học trong và ngoài nước. Chính sách chiêu mộ nhân tài và không tiếc tiền để đào tạo giúp chúng tôi luôn chủ động được nguồn nhân lực. Vì thế, khi mở ra một mũi nhọn nào đó thì Sao Mai luôn luôn có sẵn nguồn nhân lực để đáp ứng.

Hiện nay, hầu hết lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Sao Mai đang làm việc đều được đào tạo bài bản, vững vàng về chuyên môn và kỹ năng. Đặc biệt, Tập đoàn nhiều người trẻ sáng tạo, nhiệt huyết, có tính kế thừa rất cao.

Sự năng động của chính quyền là nguồn cảm hứng

Theo dõi sự phát triển của Sao Mai trong hơn 20 năm qua thấy rằng, Tập đoàn đã đầu tư rất nhiều dự án trên nhiều tỉnh, thành cả nước. Nhưng dấu ấn đậm nhất và tâm huyết nhất có lẽ vẫn là ở ĐBSCL, mà đặc biệt là An Giang khi gần đây đã góp công hồi sinh nhiều dự án du lịch vốn trước đây không hiệu quả, hay biến những vùng đất hoang hoá thành cánh đồng năng lượng mặt trời.... Điều gì đã thôi thúc ông không ngần ngại dấn thân vào những khó khăn?

Ông Lê Thanh Thuấn: Thị trường của Sao Mai hiện nay đã phát triển ra toàn quốc, thậm chí là thế giới nhưng cái nôi của Sao Mai vẫn là An Giang. Ra đời tại An Giang, gắn bó với đồng bào, nhân dân, chính quyền An Giang hàng chục năm qua cho nên tôi luôn nghĩ rằng: phải làm gì đó để đóng góp xứng đáng cho nơi đã sinh ra mình. Âu cũng là một cách để tỏ lòng thành kính với “sự sinh thành và dưỡng dục” của địa phương.

Đằng sau những tâm huyết ông dành cho An Giang, là một doanh nhân để có thể thực hiện nhiều dự án lớn tại địa phương như vậy chắc hẳn có thêm những cơ sở, thậm chí là “cảm hứng” khác?  

Ông Lê Thanh Thuấn: Trước hết phải nói rằng An Giang là địa phương hết sức tiềm năng. Kế đến, lãnh đạo tỉnh An Giang hiện tại là những người có khát vọng rất mạnh mẽ, sáng tạo và nhiệt huyết với sự phát triển của địa phương.

'Làm những gì không ai làm mà xã hội cần' ảnh 3

Cụm công nghiệp Sao Mai, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghệ hiện đại

Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh An Giang hết sức thân thiện và cởi mở, trách nhiệm. Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem việc của doanh nghiệp như việc của tỉnh.

Đó là những điều mà không riêng gì Tập đoàn Sao Mai mà tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khác cũng có thể cảm nhận được. Bởi theo kết quả công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 của VCCI, PCI của An Giang đã tăng đáng kể so với năm 2017 và thuộc nhóm điều hành khá. Điều đó phản ánh rõ nét nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền An Giang trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế -xã hội, cải cách hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đứng chân trên một địa bàn giàu tiềm năng và trong một môi trường kinh doanh mà lãnh đạo tỉnh năng động như An Giang hiện nay, không riêng gì Tập đoàn Sao Mai mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khác cảm thấy rất yên tâm và càng thêm quyết tâm thực hiện các dự án của mình.

Với những điểm sáng đó, ông có nghĩ rằng, An Giang sẽ tăng tốc trong thời gian tới?

Ông Lê Thanh Thuấn: Không riêng gì Tập đoàn Sao Mai, hiện nay theo tôi biết, đang có nhiều nhà đầu tư tham gia nghiên cứu đầu tư nhiều dự án lớn ở An Giang. Với những yếu tố “thiên thời - địa lợi – nhân hoà” như hiện nay, nếu An Giang thu hút được các nhà đầu tư lớn, có sức sáng tạo mãnh liệt đúng như mong muốn và định hướng thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh thì tôi nghĩ rằng An Giang sẽ là địa phương toả sáng trong vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Tâm huyết với An Giang, đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh. Ông có hiến kế gì để An Giang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư hiệu quả hơn?

Ông Lê Thanh Thuấn: An Giang có tiềm năng du lịch rất lớn khi sở hữu dãy núi Thất Sơn hùng vĩ, sông nước hiền hoà, có nhiều địa danh lịch sử, những điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng mà không có địa phương nào ở ĐBSCL có được. Nhưng rào cản của An Giang hiện nay là hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn. Tôi nghĩ rằng, nếu như An Giang nỗ lực để đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật, giao thông ở các vùng có tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch thì An Giang sẽ có thêm mũi nhọn mạnh là kinh tế du lịch.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này?

Thành lập từ năm 1997, Từ một doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh ĐBSCL, bằng những bước đi táo bạo, bản lĩnh và tầm nhìn xa, giờ đây, Tập đoàn Sao Mai đã trở thành tập đoàn kinh tế  hàng đầu của đất nước, vị thế thương hiệu đang ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Tập đoàn có 16 công ty con, 7 chi nhánh, 4 văn phòng đại diện, 11 ban quản lý; Vốn điều lệ gộp hơn 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản có giá trị chuyển nhượng trên thị trường 30.000 tỷ đồng, trên 11.000  cán bộ nhân viên.

MỚI - NÓNG
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
TPO - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, ngay trong tháng 12 Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ được triển triển khai. Dự kiến trong quý IV/2025 điện sẽ ra đến Côn Đảo.