Làm nông kiểu mới
Sinh ra trong gia đình làm nông, Lê Thị Vân (SN 1986), thấu hiểu sự vất vả cách làm nông truyền thống, nhất là ở những huyện miền núi nghèo như Triệu Sơn (Thanh Hóa). Chứng kiến bố mẹ phải thức khuya dậy sớm làm quần quật mà chỉ đủ ăn, từ những năm còn ngồi ghế giảng đường, Vân đã trăn trở làm gì đó để "vươn lên từ đất, làm giàu từ đất".
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư nông học ĐH Hồng Đức, Vân xin vào làm Văn phòng đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam chuyên về nông nghiệp công nghệ cao. Sau 10 năm làm thuê tích lũy kinh nghiệm và dành dụm ít vốn, năm 2019, Vân quyết định từ bỏ công việc ổn định, thành lập Công ty Rich Farm, chuyên về xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Những khó khăn ban đầu là Vân phải tìm đầu mối liên kết, tìm hiểu nhu cầu thị trường, hỗ trợ đối tác xây dựng phương án, thiết kế hệ thống nhà lưới... Song điều khó khăn nhất là làm sao thay đổi thói quen, tạo niềm tin cho những người nông dân với cách làm nông kiểu mới, nhất là ở những vùng miền núi.
"Tôi đã trồng thành công dưa vàng Kim Hoàng, cà chua. Đồng thời xây dựng các mô hình, quy trình kỹ thuật sản xuất công nghệ cao phù hợp với người nông dân, hỗ trợ tối đa kỹ thuật sản xuất giúp họ tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm dần gây dựng được niềm tin đối với các khách hàng trong và ngoài tỉnh, tạo ra một chuỗi khách hàng trong khắp cả nước”, Vân chia sẻ.
Vân đã tìm ra giải pháp xây dựng nhà màng, nhà lưới phiên bản Việt Nam, phù hợp với “túi tiền” nông dân. "Bằng cách thay thế một số vật liệu trong nước, tôi đã giảm được 50% giá thành, rút ngắn thời gian thi công và có điều kiện hỗ trợ miễn phí việc chuyển giao kỹ thuật mà vẫn giữ nguyên chất lượng công trình so với nhập khẩu", Vân nói.
Đến nay, Công ty Rich Farm đã mở rộng quy mô với khu giới thiệu sản phẩm (hơn 1 nghìn m2) và hai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (hơn 1,8ha). Vân nhận được nhiều đơn hàng đặt mua thiết bị và chuyển giao công nghệ từ các tỉnh thành như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Long, Thanh Hóa... "Công ty đang có 35 lao động làm chính thức với mức lương 6,5 - 10 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ. Doanh thu công ty đạt 20 - 21 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Chúng tôi đã tạo được sản phẩm sạch mang thương hiệu Rich Farm như dưa lưới, dưa vàng, dưa lê Bạch Ngọc, cà chua", Vân cho biết.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò Bí thư Chi đoàn, Vân còn tích cực tham gia các công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, an sinh xã hội ở địa phương. Vân đã ủng hộ Quỹ "Em nuôi của Đoàn" gần 50 triệu đồng; tài trợ xây dựng một công trình hệ thống tưới cho Đoàn thị trấn trị giá 15 triệu đồng...
Với những thành tích trên, Lê Thị Vân là một trong 10 cá nhân tiêu biểu đạt Giải thưởng Lương Định Của 2020, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định trở về là đúng!
Từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Hoàng Hải Phòng (SN 1987) quyết định trở về quê làm nông nghiệp cùng gia đình. Anh hiện là chủ mô hình trồng nho kết hợp tham quan trải nghiệm ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, thu hút nhiều du khách ghé thăm.
Năm 2012, Phòng mạnh dạn đề xuất gia đình chuyển đổi gần 1.000m2 đất nông nghiệp trồng ngô, lúa sang trồng cây nho. Là người đầu tiên trồng nho trong vùng, mặc dù đã đi học hỏi nhiều nơi, nhưng lứa đầu tiên chết sạch. "Nhìn cả trăm cây nho đồng loạt chết, tôi cũng héo úa theo, có lúc rất nản. Đến khi được các chuyên gia chỉ ra cây chết vì bón quá lượng đạm thì tôi tin chỉ cần nắm vững kỹ thuật sẽ thành công. Tôi quyết định trồng tiếp. Và ở lứa trồng thứ hai nho trĩu quả", Phòng chia sẻ.
Trồng thành công hai giống nho Cự Phong và Tảo Hồng, Phòng tìm hiểu, nghiên cứu trồng thêm giống nho mới có giá trị kinh tế cao là Hạ Đen, đồng thời trồng thử nghiệm kết hợp với dâu tây. Theo Phòng, để nho phát triển tốt, đậu quả tỉ lệ cao đòi hỏi kỹ thuật cao từ tỉa cành, làm giàn đến bón phân. "Cây nho trồng ở vùng có khí hậu lạnh như miền núi phía Bắc sẽ có quá trình ngủ đông, đòi hỏi thời gian và nhiều công chăm sóc. Nhưng thế mạnh là giúp chất lượng quả nho thơm ngon hơn trồng ở vùng nóng", Phòng nói.
Phòng hiện có gần 4ha nho ở Lạng Sơn và Phú Thọ. Sản phẩm không chỉ bán cho những mối quen biết, những người trực tiếp đến tham quan, Phòng còn xúc tiến tiếp cận các đầu mối lớn để đưa nho đi nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Theo Phòng tiết lộ, hiện doanh thu từ trồng nho đạt 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 6 thanh niên với mức lương 5 - 7 triệu đồng và nhiều lao động thời vụ.
"Thời gian đầu cầm tấm bằng đại học trở về quê trồng nho tôi nhận được không ít những lời đàm tiếu. Nhưng cũng ngay từ đầu tôi nhận thấy quyết định trở về của mình là đúng. Nếu không đủ bản lĩnh để bước qua những khó khăn, những lời đàm tiếu bạn sẽ bị chùn bước, dễ dàng đầu hàng", Phòng nói và mong muốn chuyển giao mô hình trồng nho cho nhiều bạn trẻ địa phương.
Vinh danh 56 nhà nông trẻ tiêu biểu năm 2020
Tối 11/12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2020, vinh danh 56 nhà nông trẻ tiêu biểu, trong đó có 10 gương vinh dự nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, 56 gương thanh niên được tuyên dương đều có doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm; trong đó có 7 gương có doanh thu hàng năm từ 5 - 10 tỷ đồng, 5 gương đạt doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ đồng. "Các bạn trẻ đã xung kích đi đầu, áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả và năng suất cao, đem lại những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và đặc biệt, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 đến 5 sao... Mỗi bạn thanh niên đều là một gương sáng về tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương".