Sống tích cực nhờ hiến máu
Hình ảnh Cao Đức Trâm (Bí thư chi đoàn thôn Tiến Thọ), khuyết một tay nhưng luôn đi đầu trong các hoạt động của Đoàn đã quen thuộc với nhiều người dân và các bạn trẻ ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Với nhóm máu O có thể truyền cho tất cả các nhóm, Trâm nhiều lần hiến máu giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
Năm 2016, ông Lê Mạnh Thanh (hơn 90 tuổi, ở thôn Diên Hòa, cùng xã) bị ngã gãy xương cần truyền máu gấp để phẫu thuật cấp cứu. Biết tin, ngay trong đêm Trâm đi hơn 7km đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ hiến 2 đơn vị máu. Ông Thanh sau đó được cứu sống.
Có lần Trâm gặp trường hợp bị tai nạn nằm bên lề đường, liền bắt xe đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cũng nhờ những giọt máu của anh, nạn nhân được cứu sống lần hai. Lần khác, anh vào Bệnh viện Việt Nam - Cuba ở Quảng Bình khám sức khỏe, gặp trường hợp thai phụ bị băng huyết cần truyền máu gấp, anh lập tức đăng kí hiến máu, cứu sống cả hai mẹ con. Tính đến nay, Trâm có 23 lần hiến máu cứu người.
“Tôi từng bị tai nạn lao động, mất một cánh tay nên hiểu tình cảnh người bị bệnh, cần máu để cấp cứu. Việc hiến máu giúp người khác giữ được sinh mệnh là điều bình thường mà nhiều người đã làm. Tôi sẽ hiến đến khi còn sức khỏe. Qua việc hiến máu tôi như được tiếp thêm niềm vui, sống tích cực hơn sau cú sốc tai nạn”, Trâm chia sẻ.
Cao Đức Trâm là con trai cả trong gia đình nghèo đông anh em. Học xong phổ thông, anh tình nguyện tham gia quân ngũ, rồi trở về quê làm các nghề kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trong thời gian làm công nhân tại một nhà máy gạch ở Nghệ An, tai họa ập đến với anh khi bị máy cắt gạch nghiền nát cánh tay trái, khiến phải cắt bỏ một tay.
“Sau tai nạn, tôi rất bi quan và luôn cảm thấy ức chế khi bắt đầu lập nghiệp, là trụ cột gia đình lại trở thành kẻ khuyết tật. Nhiều tháng liền tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, luôn cáu bẳn với mọi người. Nhờ có sự động viên của đồng đội cũ và được vận động tham gia công tác Đoàn, tôi dần giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực, sống tích cực hơn”, Trâm chia sẻ.
Trong vai trò Bí thư chi đoàn thôn Tiến Thọ, Trâm đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình thu hút đoàn viên thanh niên tham gia. Anh vận động được hơn 50 người tình nguyện tham gia hiến máu. Đặc biệt, để giúp đỡ học sinh nghèo học giỏi, anh duy trì và phát triển mô hình “Tiếng kẻng học bài”. Nhờ mô hình này, nhiều em đã vươn lên trong học tập, sau này thi đỗ đại học.
Ghi nhận những nỗ lực của anh, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã trao tặng danh hiệu gương thanh niên tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2019, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2020, anh được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Bằng khen vì đã có những thành tích hiến máu.
Làm giàu sau khi trở về từ “cõi chết”
Lê Thanh Tùng được biết tới là “thủ lĩnh” của tổ hợp tác sản xuất cơ khí mái tôn, gồm 5 thành viên liên kết với nhau trong việc cung cấp nguyên vật liệu và thi công ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Bằng bản lĩnh và nghị lực vượt khó, anh đã chèo lái giúp công việc của tổ ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho 6 -10 lao động tại địa phương.
Tùng sinh ra, lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo khó. Học hết lớp 12, Tùng xuống Hà Nội xin làm công nhân cơ khí, vừa học việc vừa có tiền phụ giúp bố mẹ. Có kinh nghiệm và chút vốn tích góp sau thời gian đi học việc, năm 2013, Tùng trở về quê mở xưởng cơ khí. Với phương châm lấy “chất” bù “lượng”, xưởng cơ khí của anh ngày càng nhận được nhiều công trình. Đang “ăn nên làm ra”, đầu năm 2014, tai họa bất ngờ ập đến với anh khi đang thi công phần mái tôn cho một công trình dân sinh. Dòng điện cao áp phóng trúng người, toàn thân anh gần như cháy rụi. Khi tỉnh dậy ở giường bệnh của Viện Bỏng quốc gia anh nhận ra mình đã mất một bên tay, cánh tay còn lại bị dị tật biến dạng, nửa bàn chân bị cắt bỏ.
“Tỉnh dậy trên giường bệnh tôi hụt hẫng, đau đớn vô cùng. Vụ tai nạn lao động khiến tôi bị bỏng nặng, chết hết hồng cầu phải thay toàn bộ máu. Một bên cánh tay và 10 ngón chân bị hoại tử buộc phải làm phẫu thuật cắt bỏ. Lúc ấy tôi chẳng thể nghĩ được điều gì, không biết sẽ sống tiếp thế nào, cuộc đời sẽ đi về đâu. Trong đầu tôi chỉ tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực”, Tùng nhớ lại.
Tùng xuất viện trở về nhà với cơ thể không còn nguyên vẹn và càng áp lực hơn khi đối diện với khoản vay nợ 150 triệu đồng lo chữa chạy lúc nằm viện. “Nhiều lúc tôi ước có thể chết để giải thoát cho mình, bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng nhìn người vợ ân cần chăm sóc hằng ngày, hai đứa con còn nhỏ dại rất cần sự bao bọc của bố, ý nghĩ tiêu cực lại biến mất. Tôi chẳng nghĩ được gì nhiều, chỉ biết mình lúc đó phải cố gắng, phải đứng lên gánh vác gia đình”, Tùng nói.
Sau một năm nỗ lực, mọi công việc từ ăn uống, viết chữ, sử dụng điện thoại, cho đến đi xe máy... Tùng đều thành thục. Trở lại nghề, tự tin bước tiếp, anh tìm lại đội thợ cũ và đứng ra nhận các công trình; thiết kế, hạch toán rồi giao cho họ thi công. Với phương châm lấy chất lượng làm đầu, đội thợ của anh ngày càng được nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến, đơn đặt hàng về tới tấp. Nhờ đó, từ nhà xưởng nhỏ bé nằm sâu trong làng, anh đã xây dựng được xưởng riêng khang trang ở trung tâm xã và sắm thêm nhiều máy móc.
Ngoài lao động sản xuất phát triển kinh tế, Tùng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động do Đoàn, Hội cơ sở tổ chức. Với những thành tích trên, anh được tỉnh Yên Bái trao Bằng khen về phong trào thi đua thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2014 - 2019.
Cao Đức Trâm và Lê Thanh Tùng là hai trong số 28 gương đạt giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh cán bộ Hội, hội viên, thanh niên có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội.