Làm gì để đánh bại 'đối thủ truyền kiếp' Thái Lan

Bao năm qua, Thái Lan luôn là đối thủ cực kỳ khó chịu của bóng đá Việt Nam.
Bao năm qua, Thái Lan luôn là đối thủ cực kỳ khó chịu của bóng đá Việt Nam.
Thay vì xem họ như một đối thủ ngang cơ để rồi cứ phải gồng mình lên cho bằng, thì tại sao không chấp nhận họ là đội mạnh hơn để có một sách lược thi đấu tốt hơn.

1. Trả lời trên FIFA.com, tiền đạo Lê Công Vinh cho rằng, điểm yếu lớn nhất của Việt Nam mỗi khi đối đầu với Thái Lan đó là tâm lý. Và nếu muốn thắng người Thái, quan trọng nhất là “không được sợ hãi”. Nói như Lê Công Vinh chỉ mới đúng có một nửa, chính xác hơn thì Công Vinh vẫn chưa nói hết lý do của việc “tại sao lại sợ người Thái”.


Thực ra, đá với bất kỳ đối thủ nào, nếu sợ hãi thì kiểu gì cũng thua trận, chẳng cớ gì phải gặp Thái Lan. Trong bóng đá, người ta gọi đây là cái “dớp”. Cứ đụng là thua, thua mãi thì sợ, sợ thì sẽ lại thua. 

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại sợ Thái Lan khi về lý thuyết, trình độ 2 đội không quá cách xa nhau theo kiểu 9 phần thua chỉ có 1 phần thắng. Đấy chính là điều Công Vinh không nói hết.

Theo chúng tôi, nguyên nhân lớn nhất khiến các cầu thủ Việt Nam cứ gặp Thái Lan thì rơi ngay vào trạng thái tâm lý, đó là vì chúng ta luôn ám ảnh trong đầu: Việt Nam ngang bằng với Thái Lan. 

2. Việt Nam luôn có truyền thống chơi hay hơn mỗi khi gặp đối thủ mạnh. Tức là một khi đã chấp nhận mình yếu hơn hẳn, thì từ cách chơi đến tinh thần, cầu thủ Việt Nam đều trở nên tốt hơn. 

Nhưng với Thái Lan, vì chúng ta chưa bao giờ công nhận họ mạnh hơn mình nên mỗi khi đối đầu, lại cứ phải “tự lên dây cót” tinh thần rằng phải thắng, phải chơi hay. Chưa cần ra sân đá, chỉ để điều đó ám ảnh trong đầu thì kiểu gì cũng rơi vào trạng thái. Bóng đá Việt Nam luôn thất bại vì yếu tố tinh thần là vì vậy. Kể cả khi gặp những đối thủ yếu hơn mình một chút, nếu lượt đi đá thắng, kiểu gì lượt về cũng sẽ thua. Nếu đá bán kết thiệt hay, kiểu gì chung kết cũng xìu như bánh đa nhúng nước.

Nhiều thế hệ đội tuyển Việt Nam trong các lần đối đầu với Thái Lan cứ gặp họ là lại “căng cứng”, thắng được họ thì mừng như thể vừa vô địch World Cup, rồi vội vàng khẳng định bóng đá Việt Nam đã ngang bằng với Thái Lan, tức là tự gây khó cho mình thêm.

3. Muốn không sợ người Thái và muốn thắng họ, tốt nhất là hãy chấp nhận bóng đá Thái Lan trên tầm chúng ta 1 bậc. Điều đó không có gì phải xấu hổ bởi thực tế nó là vậy cho dù những nhà quản lý tại VFF chưa bao giờ chịu thừa nhận. Người Thái hơn chúng ta không chỉ ở các kết quả đối đầu mà cả uy tín của làng cầu, chất lượng giải vô địch, nền tảng bóng đá phong trào và thậm chí, cả thái độ yêu bóng đá của CĐV. Thay vì xem họ như một đối thủ ngang cơ để rồi cứ phải gồng mình lên cho bằng, thì tại sao không chấp nhận họ là đội mạnh hơn để có một sách lược thi đấu tốt hơn.

Không phải bỗng dưng mà HLV của đội CHDCND Triều Tiên đánh giá Thái Lan mạnh hơn Việt Nam dù họ thua còn ta thì hòa cùng 1 đối thủ. Không phải tự nhiên mà HLV Miura khẳng định Thái Lan mạnh hơn ở trận đấu ngày 24/5 tới và bản thân ông gần như bỏ hẳn đội U.23 để tập trung cho trận cầu với Thái Lan. Chúng tôi tin, đấy là cách tiếp cận trận đấu một cách đúng đắn, chuyên nghiệp nhất. 

Hãy tin rằng, một kết quả hòa tại Bangkok vào ngày mai sẽ là mục tiêu quan trọng nhất mà HLV Miura nhắm đến. Đấy chính là điều mà chúng ta cần lúc này: biết mình, biết người.

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.