Gần chục năm rồi Mai Anh Đào mới nở rộ vào thời điểm thiêng liêng nhất khiến thành phố càng đẹp hơn và lòng người bồi hồi xúc động.
Hội hoa Xuân Đà Lạt 2006 thu hút nhiều nghệ nhân tham gia trưng bày 2.295 tác phẩm địa lan, phong lan, bon sai, đá cảnh, gỗ lũa, xương rồng, kiểng cổ…, trong đó có 295 tác phẩm dự thi.
Ban giám khảo vừa công bố kết quả hội thi với 12 tác phẩm đạt giải vàng, 17 bạc, 38 đồng và 35 khuyến khích.
Gióng tiếng chiêng mở đầu mùa lễ hội Tây Nguyên
Từ đêm giao thừa, gần chục nhóm cồng chiêng của các nghệ nhân Lạch, K’ho ở chân núi Lang Bian (nơi khai sinh ra Đà Lạt) sẽ bắt đầu gióng tiếng, chiêng cồng mừng năm mới và phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Những tiếng cồng, tiếng chiêng này sẽ lan tỏa, giục giã các tộc người thiểu số cư trú lâu đời ở miền đất Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc trong tiết xuân ấm áp.
Đã thành thông lệ, nhiều thập niên qua, cứ đến rằm tháng giêng là hàng vạn du khách trong và ngoài nước trẩy hội thác Pongour để thưởng ngoạn cảnh đẹp và nguyện cầu những điều may mắn, tốt lành, lập kỷ lục về số người tham quan thác nước trong một ngày ở Việt Nam.
Giai điệu mùa Xuân. Ảnh: Hà Hữu Nết |
Pongour là di tích thắng cảnh quốc gia - thác nước hoang vu, hùng vĩ, đa dạng về dòng chảy bậc nhất nước ta, xứng đáng với danh hiệu “Nam phương đệ nhất thác”.
Chiều cao thác nước chừng 30m, bề mặt thác trải rộng hơn 100m, không phải một ngọn mà cả dãy thác liền kề , không chỉ đôi ba tầng mà có tới 7 tầng thác với những dòng thác tuôn đổ ầm ào vang xa nhiều cây số…
Sức hút của thác nước này không chỉ ở vẻ đẹp mà con vì điều huyền bí nào đó mà chưa ai có thể cắt nghĩa đầy đủ được.
Pongour theo tiếng K’ho là thác bốn sừng tê giác và từ thuở xa xưa tộc người này lưu truyền câu chuyện về 4 chúa sơn lâm Tê giác giúp tù trưởng K’Nai xinh đẹp đẩy lùi nhiều đội quân xâm lược hùng hậu, đồng thời bạt núi san đồi tạo nên thác nước hùng vĩ với tiếng gầm thét vang xa vạn dặm để uy hiếp kể thù.
Tại lễ hội Pongour, du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ “Rước nước” và lễ hội mừng lúa mới của người K’ho; xem biểu diễn công chiêng, múa xoè Thái hoặc tham gia các cuộc thi leo núi, nấu cơm lam và nhiều trò chơi dân gian khác.