> Bộ Giao thông Vận tải xin lỗi Hà Nội
Giải pháp đưa ra là chỉ có thể tiến hành sau khi tuyến Nhật Tân-Nội Bài được đưa vào khai thác cuối năm 2014. Lúc đó, cầu Thăng Long sẽ tạm thời không được sử dụng để sửa chữa.
Dự kiến nguồn vốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long được lựa chọn 1 trong 2 phương án: Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa không quá phức tạp, có thể sửa chữa trong thời gian ngắn, hoàn thành được trước tháng 6-2016, JICA sẽ xem xét báo cáo Chính phủ Nhật Bản cho sử dụng vốn dư Dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (trong thời hạn còn hiệu lực giải ngân của hiệp định vay JICA đến tháng 6-2016).
Phương án 2 là nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu phức tạp, JICA sẽ xem xét sử dụng vốn Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia như một hạng mục mới. Riêng tiền nghiên cứu chọn phương án nào, Tổng cục Đường bộ đề xuất sơ bộ 12,05 tỷ đồng.
Tối cùng ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rằng, mặt cầu Thăng Long có cấu tạo rất đặc biệt, rải thảm bê tông nhựa trên bản thép (đã bị biến dạng qua thời gian), công nghệ phức tạp và hiện không có nhiều nước sử dụng.
“Hơn nữa, do công nghệ rải thảm nhựa trên cầu Thăng Long quá phức tạp, lại không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam nên đến nay vẫn chưa tìm ra được một giải pháp phù hợp. Trong khi đó, mặt cầu Thăng Long tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ nước ngoài”, ông Trường nói.
Thứ trưởng Trường cũng nói về sự chủ quan trong việc tiếp nhận công nghệ mới, nhưng “các cá nhân, tập thể không tham nhũng, bớt xén trong quá trình sửa chữa”.